Tại Nhật Bản, sáng 19.5, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima.
Đây là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6.8.1945.
Hội nghị diễn ra từ ngày 19 - 21.5, quy tụ lãnh đạo của các quốc gia phát triển nhất thế giới gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng nước chủ nhà Nhật Bản Fumio Kishida.
Ngoài ra, tham dự còn có các lãnh đạo của các tổ chức lớn gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử. Ông đã ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, coi đây là điểm khởi đầu cho tất cả nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Thủ tướng Kishida đã tuyên bố rằng thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn, làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Chính vì vậy, mục tiêu của hội nghị lần này là củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của G7 trong việc bảo vệ trật tự này, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, phản đối việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.
Theo kế hoạch, trong 3 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề gồm thúc đẩy giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, xung đột Nga - Ukraine, an ninh kinh tế, khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu, năng lượng, lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới và số hóa.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận cách thức để xúc tiến giải trừ vũ khí hạt nhân và ban hành một văn kiện cam kết thúc đẩy cơ chế hạt nhân được thiết lập theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về việc gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới nhằm khẳng định rằng G7 sẽ thúc đẩy các nỗ lực thực tế và thực chất để tiến tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Các vấn đề khu vực, trong đó có xung đột Nga - Ukraine, dự kiến cũng là chủ đề thảo luận trong ngày đầu tiên này. Hội nghị G7 sẽ khẳng định tầm quan trọng cũng như tăng cường hợp tác để thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. An ninh kinh tế và khả năng hồi phục của nền kinh tế thế giới là chủ đề bao trùm của ngày họp thứ hai. Các nhà lãnh đạo G7 sẽ thảo luận về các vấn đề như tăng cường chuỗi cung ứng chất bán dẫn và lương thực, vấn đề y tế công, viện trợ phát triển, bình đẳng giới và biến đổi khí hậu. Ngày cuối cùng của hội nghị được dự kiến bàn về việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới.
Trong khuôn khổ thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra 3 phiên họp G7 mở rộng với 8 quốc gia được mời là Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Indonesia, Brazil, Quần đảo Cook và Comoros. G7 mong muốn tăng cường quan hệ với các nước Nam Bán cầu (thuật ngữ chỉ các nước đang phát triển và mới nổi ở các khu vực như châu Á và châu Phi), đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động cần sự chung tay của tất cả các nước. Đây cũng là cơ hội để các nước phát triển thảo luận với đại diện của các quốc gia đang phát triển và mới nổi về vấn đề hợp tác, thể hiện sự đóng góp của G7 đối với các quốc gia này trong các vấn đề cùng quan tâm.
Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt đã được triển khai tại Hiroshima từ ngày 18/5. Cảnh sát tỉnh Hiroshima đặt mục tiêu giảm một nửa lưu lượng giao thông trong thời gian diễn ra hội nghị và kêu gọi người dân địa phương hạn chế đi lại bằng ô tô cá nhân. Các tài xế thương mại được yêu cầu hoạt động từ nửa đêm đến 6 giờ sáng khi ít có khả năng bị hạn chế đi lại. Ít nhất 140 trường công lập đóng cửa trong thời điểm diễn ra hội nghị vì lo ngại học sinh và nhân viên sẽ khó đến trường. Các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, bao gồm cả nhà sản xuất ô tô lớn Mazda Motor Corp., đang tạm dừng hoạt động từ ngày 18 - 22.5.
Theo hãng tin Kyodo, có tới 24.000 nhân viên an ninh sẽ được huy động trong thời gian diễn ra hội nghị, hơn gấp 4 lần con số 5.600 nhân viên được huy động cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đến Hiroshima vào tháng 5.2016.
Theo TTXVN