Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị và trực tiếp quán triệt Nghị quyết.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng phát biểu khai mạc hội nghị
Sáng 23.11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025.
Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị và trực tiếp quán triệt Nghị quyết.
Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Hơn 400 cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, trưởng, phó các sở, ban, ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, báo cáo viên cấp tỉnh, trưởng phòng các ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Văn phòng HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo các khoa Trường Chính trị tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh 70% số đại biểu dự hội nghị đã là đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 nên đã hiểu, nắm rõ nội dung, tinh thần, khát vọng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tư duy, hành động.
Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này không tổ chức theo hình thức trực tuyến mà tổ chức trong 1,5 ngày, bằng nửa thời gian tổ chức Đại hội và sẽ được tổ chức trực tiếp ở tất cả các cấp. Các đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp triển khai quán triệt Nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất cao, lan tỏa sâu rộng.
Để đạt yêu cầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 3 nhiệm vụ: thông qua quán triệt, triển khai Nghị quyết phải làm cho cán bộ, đảng viên hiểu sâu, nhớ lâu để Nghị quyết gắn với thực tiễn của từng địa phương; sau khi quán triệt, triển khai Nghị quyết phải làm chuyển biến về tư duy và tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; phải biết mình cần làm gì để tổ chức quán triệt, triển khai ở tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị mình đáp ứng yêu cầu.
Không nhắc lại toàn văn nội dung Nghị quyết, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy truyền đạt nội dung theo chiều dọc, bám sát việc trả lời 5 câu hỏi quan trọng: Hải Dương đang đứng ở đâu? Tiềm năng riêng có, lợi thế, thế mạnh khác biệt của tỉnh ta là gì? Cơ hội đồng thời là thách thức phía trước của chúng ta là gì? Khát vọng của Đảng bộ tỉnh? Chúng ta phải làm gì để thực hiện khát vọng đó? Trong đó, câu hỏi cuối cùng dành cho các đại biểu dự hội nghị cùng thảo luận, tìm ra câu trả lời.
Các đại biểu dự hội nghị
Toàn bộ thời gian buổi sáng hội nghị nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp quán triệt, triển khai Nghị quyết. Với sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã truyền đạt, phân tích, làm rõ những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, định vị rõ vị trí của Hải Dương trong vùng đồng bằng sông Hồng, so với cả nước. Về tiềm năng riêng có, thế mạnh khác biệt và nổi trội của tỉnh, đồng chí phân tích kỹ những thế mạnh về tiềm năng phát triển nông nghiệp, tiềm năng phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ, tiềm năng phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, tiềm năng về văn hóa, con người, tiềm năng về thu hút đầu tư FDI... Tỉnh cũng có các thế mạnh khác biệt và nổi trội gồm thế mạnh về vị trí địa lý, thế mạnh về giao thông, thế mạnh về nguồn nhân lực, những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, thế mạnh về nền tảng phát triển công nghiệp từ khá sớm... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phân tích kỹ về các cơ hội phát triển và những khó khăn, thách thức phía trước, giải thích nhiều khái niệm mới như thế nào là tăng trưởng xanh, kinh tế số, chuyển đổi số; thế nào là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tỉnh công nghiệp hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để thực hiện khát vọng của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ mới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Trong đó, khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh khối đại đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Lấy con người làm trung tâm; khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương. Xác định chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh tới năm 2030 gồm: Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm - Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển. Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh là quan điểm phát triển xuyên suốt nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phương châm hành động là: Đoàn kết - Dân Chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Tạo đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết bằng việc phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; đột phá về tư duy, vượt qua suy nghĩ thông thường, đi theo con đường khác biệt, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển cho cả nhiệm kỳ và từng năm với quyết tâm chính trị cao, ý chí, khát vọng lớn...
Với câu hỏi thứ 5 "Chúng ta phải làm gì để thực hiện khát vọng đó?", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu tích cực tham gia thảo luận, tham mưu, đề xuất các giải pháp để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh hiệu quả, chất lượng.
Buổi chiều, hội nghị chia thành 10 tổ thảo luận.
PV