Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

06/09/2018 11:51

Việc thảo luận các nội dung dự thảo luật tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu

Sáng 6.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về hai dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. 

Tham dự có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chào mừng các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, các vị đại biểu đại diện cho các cơ quan chủ trì chuẩn bị nội dung và một số cơ quan, tổ chức hữu quan đã tham dự. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc thảo luận các nội dung dự thảo luật tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa. 

Điều đó tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật có nhiều nội dung khó, phức tạp, còn có nhiều ý kiến khác nhau, có tính chất kỹ thuật, chuyên sâu và là một bước góp ý kiến quan trọng, giúp Quốc hội dành nhiều thời gian để tập trung thảo luận về những nội dung chủ yếu, quan trọng của dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết sau khi xem xét các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây và trên cơ sở ý kiến đề xuất của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn hai dự án luật để thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đây là hai dự án luật đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. 

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện một bước trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, đã được đưa ra thảo luận tại hai kỳ họp và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và khắc phục các hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại hội nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản đó; về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi Luật nhằm đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với việc tự chủ của các trường đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dự thảo luật cần làm rõ những vấn đề, như tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trách nhiệm đầu tư và quản lý, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, việc hợp tác giáo dục đại học với nước ngoài, các vấn đề về học phí, thuế, chức danh nghiên cứu viên, các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, độ tuổi, thời gian công tác...

Tại hội nghị, các cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý hai dự thảo luật trên, sau đó, các đại biểu thảo luận. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề đã nêu trong Báo cáo và các nội dung khác của dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm, đồng thời, đề xuất cụ thể hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra có thể trình bày và trao đổi thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật trình Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để tạo sự thống nhất cao khi thông qua hai dự án luật này tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách