Sáng 27.8, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Gia Lộc khoá XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc. Đây là Đảng bộ cấp trên cơ sở cuối cùng của tỉnh tổ chức đại hội.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo đại hội
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ dự và chỉ đạo đại hội.
Tới dự có đồng chí Vũ Văn Sơn, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo một số huyện, thành phố trong tỉnh và 250 đại biểu thay mặt cho hơn 7.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Phát biểu tại đại hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh trong những năm gần đây, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhất là tình hình biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là đại dịch Covid-19 xuất hiện đã để lại hậu quả nặng nề trên nhiều lĩnh vực kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các tầng lớp nhân dân và huyện Gia Lộc cũng không phải ngoại lệ. Gia Lộc còn phải thu hẹp địa giới hành chính do một số xã chuyển về TP Hải Dương, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, ra sức thi đua lao động, sản xuất và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh vào thực tế địa phương; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu cơ bản thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV đề ra, trong đó nhiều chỉ tiêu hoàn thành sớm hơn so với nghị quyết đại hội. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân không ngừng nâng lên, công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh được coi trọng, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Gia Lộc đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số hạn chế để Đảng bộ huyện Gia Lộc nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Đó là kinh tế của huyện phát triển chưa thật bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một huyện gần với trung tâm của tỉnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; sản xuất hàng hóa nông sản an toàn, sạch còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa thực sự phát triển. Chưa có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Tiến độ giải pháp mặt bằng một số dự án còn chậm, nhất là dự án đường trục Bắc - Nam qua địa bàn huyện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của một số chính quyền cơ sở còn chưa cao. Phương thức, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự đổi mới. Công tác cải cách hành chính và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của một số cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các đại biểu dự đại hội
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tại đại hội này, các đại biểu cần tập trung trí tuệ, thảo luận, làm rõ thêm các nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để nhanh chóng khắc phục hạn chế, yếu kém, sớm đưa Gia Lộc phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Đảng bộ huyện Gia Lộc đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao và đề nghị các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận sâu kỹ, đưa ra được những giải pháp, biện pháp mang tính khả thi cao nhằm thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong 5 năm tới.
Gia Lộc có đường cao tốc và đường trục Bắc – Nam đi qua. Đây là lợi thế lớn, biết phát huy thì Gia Lộc chắc chắn sẽ trở thành đô thị loại 4 trước năm 2030. Đồng chí Bí thư đề nghị huyện cần rà soát, tính toán và đề xuất với tỉnh bổ sung, hoàn thiện quy hoạch phân khu, phân vùng sản xuất phát triển, rành mạch, rõ ràng, có tầm nhìn xa. Trước hết, cần phát huy tối đa lợi thế của nút giao thông đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh để mời gọi các nhà đầu tư có năng lực xây dựng khu vực trung chuyển hàng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ, nhất là đầu tư xây dựng siêu thị, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng.
Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khai thác lợi thế hành lang kinh tế, đô thị ven quốc lộ 37, quốc lộ 38B, trục đường Bắc - Nam, đường 62 m, đường vành đai I, II TP Hải Dương, các trục đường tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển ngành dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại. Từng bước hình thành một số khu đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Gia Lộc cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế để xác định hướng đi trước mắt và lâu dài. Nông dân trong huyện có truyền thống thâm canh cây rau màu, đất đai màu mỡ. Do đó, huyện cần quy hoạch, mở rộng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng mô hình nhà màng, nhà lưới, sản xuất sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn các loại nông sản có giá trị hàng hóa cao. Gắn sản xuất với thị trường thông qua các mô hình liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để gia tăng chuỗi giá trị. Tăng cường xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có thế mạnh của huyện. Đồng thời, có giải pháp thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn, tạo ra giá trị kinh tế cao.
Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lộc nhiệm kỳ 2020-2025
Trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngoài việc chủ động xúc tiến đầu tư, huyện cần chuẩn bị tốt các điều kiện về hạ tầng, nguồn nhân lực và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án vào đầu tư trên địa bàn, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, huyện Gia Lộc có 2 khu công nghiệp là Hoàng Diệu và Gia Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ trương của tỉnh là thành lập các cụm công nghiệp trên địa bàn các xã Yết Kiêu, Lê Lợi và thị trấn Gia Lộc. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch các dự án dọc hai bên đường trục Bắc - Nam với diện tích trên 2.320 ha, bao gồm các xã: Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Hồng Hưng, Thống Kênh, Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc và 7 xã thuộc huyện Ninh Giang. Để quản lý và khai thác có hiệu quả kinh tế từ khu vực này, các cấp ủy, chính quyền của huyện Gia Lộc cần thực hiện tốt công tác tư tưởng để người dân trong vùng dự án hiểu đúng, đầy đủ về lợi ích của việc thành lập các khu, cụm công nghiệp. Đảng bộ các xã, các chi bộ trong vùng dự án phải có nghị quyết chuyên đề để tập trung lãnh đạo tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương đi đầu trong triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, quản lý và giám sát chặt chẽ, có biện pháp kiên quyết, xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, công trình dự án trọng điểm mà Nghị quyết Đại hội XXVI đề ra.
Song song với phát triển kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo huyện Gia Lộc tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống như múa rối nước Lê Lợi, pháo đất Đức Xương, bơi chải Thống Kênh, Yết Kiêu.... Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh các hoạt động khoa học, ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Duy trì và giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia, tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong đó cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó, cùng với các địa phương khác, huyện Gia Lộc cần phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa phải bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo gia đình chính sách và người có công. Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện...
Trong công tác xây dựng Đảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu Đảng bộ huyện Gia Lộc cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương của Đảng. Phải xác định đây là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên của mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên. Quan tâm công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, nhất là khu vực ngoài nhà nước, khu vực nông thôn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, kiên quyết xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương, tinh thần tự giác, gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Coi trọng công tác dân vận và thực hành dân chủ, tạo niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.
Đại biểu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào dự đại hội
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn tại đại hội này, các đại biểu sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, lựa chọn, bầu được những đồng chí hội đủ các tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức, uy tín, tinh thần trách nhiệm cao để tham gia vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá mới. Tin tưởng với truyền thống quê hương văn hiến, anh hùng và những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc sẽ tiếp tục tăng cường đoàn kết, khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.
Tại phiên khai mạc, 5 đại biểu đã tham luận, góp ý vào dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2020-2025...
Với tinh thần tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, Đại hội đại biểu huyện Gia Lộc đã bầu 1 lần đủ 39 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tập trung cao.
Trước đó, chiều 26.8, trong phiên trù bị, Đại hội đã bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và ban thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua nội quy, quy chế làm việc của đại hội... Cũng tại phiên làm việc này, các đại biểu đã chia 4 tổ thảo luận dự thảo báo cáo chính trị và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI. 34 ý kiến phát biểu thảo luận đã đánh giá các dự thảo văn kiện được trình bày khoa học, bố cục rõ ràng, phản ánh đầy đủ, chính xác, toàn diện kết quả các lĩnh vực, chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân. Đa số các ý kiến đồng tình với hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà huyện đã đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng huyện cân nhắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu đến năm 2025 có 12 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu lên cao hơn, bởi hiện nay rất nhiều địa phương chỉ cần hoàn thành 1-2 tiêu chí nữa là sẽ đủ điều kiện để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Đa số các ý kiến đề nghị huyện cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều lao động; đa dạng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường; tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao sức khỏe nhân dân; đổi mới công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng…
Trong suốt quá trình đại hội diễn ra, các đại biểu thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch Covid-19.
Chiều 27.8, Đại hội tiếp tục làm việc và bế mạc.
TIẾN MẠNH - THẾ ANH