Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm DS-KHHGĐ Tứ Kỳ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách DS-KHHGĐ, xử lý nghiêm những cơ sở siêu âm giới tính.
Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Trạm y tế xã Văn Tố |
Những năm gần đây, Tứ Kỳ luôn là huyện trong nhóm "dẫn đầu" tỉnh về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ở trẻ sơ sinh, cứ 130 bé trai mới có 100 bé gái. Sự thay đổi cơ cấu dân số như hiện nay đang đặt ra cho huyện nhiều vấn đề đáng quan tâm, trong đó vấn đề đầu tiên là phải tìm ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.
Hiện tại, tỷ lệ giới tính khi sinh bình quân của cả nước là 110,5 bé trai/100 bé gái và của tỉnh ta là 129 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó nhiều xã ở huyện Tứ Kỳ tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đã vượt xa so với mức bình quân trên. Cụ thể như ở xã Tái Sơn, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh là 400 bé trai/100 bé gái. Ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Tái Sơn trăn trở: "Xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), nhất là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh cho người dân. Các cộng tác viên dân số xã đã đến từng gia đình trong độ tuổi sinh đẻ để tuyên truyền, động viên. Tuy nhiên ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc chấp hành Pháp lệnh Dân số. Hiện tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã vẫn ở mức 20%".
Bên cạnh Tái Sơn, vẫn còn nhiều xã ở Tứ Kỳ có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao như: Phượng Kỳ 229 bé trai/100 bé gái, Đại Đồng 215 bé trai/100 bé gái, Ngọc Sơn 209 bé trai/100 bé gái, Hà Thanh 208 bé trai/100 bé gái… Theo bà Trương Thị Hồi, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, chủ yếu là do một số người dân vẫn còn tư tưởng "trọng nam, khinh nữ", tâm lý muốn có con trai để “nối dõi tông đường”. Khoa học ngày càng phát triển, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm) giúp có thể biết và lựa chọn giới tính thai nhi sớm nên dẫn đến tình trạng nạo phá thai. Ở một số nơi, cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác DS-KHHGĐ, việc chỉ đạo chưa quyết liệt nên chưa mang lại hiệu quả. Hạn chế lớn nhất hiện nay là tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương chậm được kiện toàn, nhất là mô hình quản lý cán bộ dân số cấp xã chưa thống nhất; cán bộ chuyên trách cấp xã chưa được tuyển dụng thành viên chức, phụ cấp chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến đa phần cán bộ làm công tác dân số không yên tâm công tác, thiếu nhiệt tình. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác dân số cấp xã chưa đủ kinh nghiệm, số cán bộ mới được tuyển dụng chưa được tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ kỹ càng.
Để giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Tứ Kỳ đã xây dựng nhiều giải pháp. Trung tâm tích cực tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách DS-KHHGĐ, nhất là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, thay đổi hành vi về công tác DS - KHHGĐ đến tận các cơ sở, chú trọng những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính cao; tổ chức hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - KHHGĐ; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện thực hiện tốt đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những cơ sở siêu âm cho biết giới tính.
TIẾN MẠNH