Thuốc kháng sinh là công cụ vô giá chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, song nó cũng mang lại nhiều hậu quả nếu bị lạm dụng.
Các chuyên gia hàng đầu về y tế khẳng định sử dụng kháng sinh không đúng sẽ gây khó khăn cho chẩn đoán, như bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm lu mờ các triệu chứng. Sử dụng nhiều kháng sinh với liều cao có khả năng gây suy tủy. Một số kháng sinh dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận. Nguy hiểm hơn, lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Hầu hết các chủng vi khuẩn hiện đều kháng với kháng sinh, thậm chí có chủng kháng nhiều loại kháng sinh.
Những tác hại trên đã được cảnh báo nhưng tình trạng lạm dụng kháng sinh vẫn khá phổ biến, từ thầy thuốc đến bệnh nhân. Theo khảo sát của Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam hiện rất cao. Trong các cơ sở khám bệnh, 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, tuyến huyện là 45%. Trang Facebook "Hội bố mẹ và các bé ở Hải Dương" với trên 19.600 thành viên thường xuyên có những lời than phiền của các bà mẹ về tình trạng phòng khám này, bác sĩ kia cứ hễ đưa con đến khám là bị kê kháng sinh. Có thể những bà mẹ ấy không hiểu chuyên môn và bệnh của con họ bắt buộc phải điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, có một sự thật là hiện nay các đơn thuốc có kê kháng sinh khá phổ biến ở các phòng khám nhi và nhiều người có con nhỏ rất lo lắng về vấn đề này.
Đến phòng khám lần nào cũng bị kê kháng sinh, nhiều người sau 1-2 lần đi khám lần sau bị bệnh thường lấy đơn thuốc cũ tự ý mua thuốc hoặc phó mặc cho nhân viên bán thuốc chẩn đoán, kê đơn. Cũng theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn lên tới 91%. Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh. Ngoài ra, hầu như tủ thuốc của gia đình nào cũng đều có 1-2 loại kháng sinh phòng lúc đêm hôm ốm đau. Hiện nay, việc mua kháng sinh dễ như mua mớ rau ngoài chợ, người bán thuốc thì bán kháng sinh không cần đơn, thậm chí còn khuyên người dân mua loại kháng sinh nặng hơn. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến - đó là lý do kháng sinh đang bị lạm dụng.
Từ năm 2001, Tổ chức Y tế thế giới đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh. Trong đó có nhiều chế tài xử phạt đối với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do mức xử phạt rất nhẹ nên không đủ sức răn đe. Phó Cục trưởng Cục khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Cao Hưng Thái mới đây cũng cho biết: "Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng. Thậm chí xem xét lại chứng chỉ hành nghề". Bộ Y tế cũng đang thiết lập hệ thống giám sát kháng thuốc, hiện chỉ có 16 đơn vị làm công việc này, đến năm 2020 xây dựng được từ 30 - 32 đơn vị hệ thống giám sát quốc gia.
Hy vọng với những động thái tích cực này, việc sử dụng kháng sinh sẽ được kiểm soát.
NGUYÊN THẢO(TP Hải Dương)