Công tác quản lý nhà nước liên quan đến thủ tục môi trường còn hạn chế dẫn tới nhiều đơn vị ngang nhiên vi phạm...
|
Công tác quản lý nhà nước liên quan đến thủ tục môi trường còn hạn chế dẫn tới nhiều đơn vị ngang nhiên vi phạm. Trong ảnh: Một lượng rác lớn của Công ty CP môi trường APT-Seraphin Hải Dương còn tồn đọng gây ô nhiễm môi trường
|
Thủ tục môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết hoặc đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường...) là căn cứ quan trọng để cơ quan chức năng quản lý vấn đề môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước liên quan đến thủ tục môi trường cũng còn bộc lộ hạn chế, thiếu sót.
Tình trạng thẩm định thủ tục môi trường (TTMT) chậm trễ, xác nhận (hoặc phê duyệt) TTMT không đúng thẩm quyền, TTMT đã được phê duyệt nhưng có thiếu sót... còn xảy ra ở một số địa phương. Đơn cử như năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường của UBND huyện Cẩm Giàng. Trong số 90 hồ sơ xác nhận cam kết, đề án bảo vệ môi trường (BVMT) được thanh tra, có 29 hồ sơ xác nhận cam kết BVMT chưa bảo đảm đúng thời gian theo quy định; 63 hồ sơ (56 cam kết, 7 đề án) có giấy xác nhận, thông báo chấp thuận cam kết, đề án BVMT còn thiếu sót như tên gọi chưa chính xác, không viện dẫn các căn cứ pháp lý, không ghi ngày tháng hoặc số văn bản xác nhận; 74 bản cam kết, đề án BVMT có xác nhận vào mặt sau trang phụ bìa, chưa bảo đảm quy định. UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận cam kết, đề án BVMT đối với 2 dự án không đúng thẩm quyền. Đó là dự án xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và gia công kết cấu thép của Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh thiết bị vật tư, có quy mô công suất gia công lắp đặt kết cấu khung thép nhà xưởng 1.000 tấn/năm, sản xuất vật liệu xây dựng 1.500 tấn/năm, kinh doanh vật tư, sắt thép 1.200 tấn/năm. Theo quy định, dự án cơ khí có công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) và thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh. Ngoài ra, dự án nhà máy sản xuất khung thép và thiết bị công nghiệp (Công ty CP Nhà khung thép và thiết bị công nghiệp) lẽ ra phải được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá TĐMT nhưng UBND huyện Cẩm Giàng lại làm thủ tục xác nhận cho dự án này. Nhiều bản cam kết, đề án BVMT đã được UBND huyện Cẩm Giàng xác nhận nhưng còn nhiều thiếu sót về nội dung như thiếu biện pháp cam kết giảm thiểu ô nhiễm chất thải rắn sản xuất, chất thải rắn sinh hoạt, không có chương trình giám sát, không ghi cụ thể thời điểm giám sát chất thải, không có biện pháp quản lý chất thải nguy hại...
Ở một số dự án đầu tư, công tác quản lý nhà nước về TTMT còn lỏng lẻo nên nhiều chủ đầu tư không lập thủ tục hoặc chưa làm xong TTMT nhưng đã sản xuất, kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Năm 2011, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương bắt đầu xây dựng đài hóa thân hoàn vũ tại nghĩa trang Cầu Cương (TP Hải Dương) và hoàn thành vào tháng 8-2012. Tuy nhiên, từ năm 2012 - 2014, sau khi đưa công trình vào hoạt động, chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá TĐMT để đề nghị cơ quan chức năng phê duyệt. Sau khi hoạt động gây ONMT, bị nhiều người dân phản đối, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra thì công ty này mới "tá hỏa" làm TTMT và được phê duyệt vào năm nay. Bên cạnh lỗi thuộc về chủ đầu tư, nhiều người đặt câu hỏi vai trò quản lý của cơ quan liên quan ở đâu trong sự việc này?
|
Có thời gian dài, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương không lập thủ tục môi trường cho dự án xây dựng đài hóa thân hoàn vũ tại nghĩa trang Cầu Cương
|
Tương tự, tháng 12-2014, người dân ở thôn Cẩm Đới, xã Thống Nhất (Gia Lộc) bức xúc vì một xưởng gia công, sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH một thành viên Thương mại Hải Quân gây ONMT. Xưởng đồ chơi này đi vào hoạt động nhưng chưa có thủ tục về môi trường được phê duyệt.
Không chỉ buông lỏng quản lý, tình trạng một số địa phương làm trái quy định của pháp luật hoặc "lách luật" khi xác nhận, phê duyệt các TTMT vẫn còn xảy ra. Theo một cán bộ quản lý môi trường, có trường hợp dự án phải lập báo cáo đánh giá TĐMT (thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh) nhưng UBND huyện lại làm thủ tục xác nhận, phê duyệt trong khi cơ quan chức năng của tỉnh không hay biết. Nhiều người vẫn còn biết tới vụ việc xảy ra tại phường Phả Lại (Chí Linh) vào tháng 10-2013. Khi đó, Công ty TNHH Thiên Lộc vận hành thử nghiệm dây chuyền sản xuất tấm lợp phi-brô xi măng thì bị một số người dân địa phương ngăn cản vì cho rằng hoạt động sản xuất sẽ gây ONMT. Sau khi xảy ra sự việc, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra và xác định Công ty Thiên Lộc cho vận hành thử nghiệm dây chuyền trong khi chưa lập hồ sơ đề nghị kiểm tra xác nhận kết quả cải tạo, nghiệm thu các hạng mục cho giai đoạn vận hành là không đúng quy định. Việc UBND phường Phả Lại chấp thuận cho Công ty Thiên Lộc chạy thử dây chuyền sản xuất từ ngày 14 đến 19-10-2013 cũng không đúng thẩm quyền.
Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về TTMT. Qua đó đã phát hiện nhiều doanh nghiệp chưa lập hoặc thiếu TTMT, không thực hiện đúng nội dung tại TTMT. Tuy nhiên, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện những kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra còn ít. Do vậy, một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục vi phạm về TTMT.
Những hạn chế, thiếu sót trong quản lý nhà nước liên quan đến TTMT là kẽ hở để nhiều chủ cơ sở lợi dụng, cố tình vi phạm. Tình trạng này cần được khắc phục để công tác quản lý nhà nước về môi trường hiệu quả hơn.
Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 532 dự án đầu tư, 162 đề án bảo vệ môi trường và 35 dự án ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Cấp huyện đã xác nhận được 940 bản cam kết bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
|
NINH TUÂN