Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm

10/05/2023 15:38

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến kiến nghị cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, giữ an toàn quá mức cần thiết.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, điều hành nội dung phiên họp

Sáng 10.5, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, điều hành nội dung phiên họp.

Ổn định việc làm và thu nhập của người lao động

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào kết quả quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng thời, cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành linh hoạt, hiệu quả; đề xuất để Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thường trực Chính phủ sâu sát thực tiễn, thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công; tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch COVID-19, bước đầu tháo gỡ khó khăn về y tế, giáo dục đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID-19. Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì đời sống sẽ tiếp tục khó khăn hơn.

Cử tri và nhân dân quan tâm, lo lắng về tình trạng nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, sức mua giảm, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra không tiêu thụ được ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân.

Nhiều người gặp rủi ro khi gửi tiền tiết kiệm, mua trái phiếu, mua bảo hiểm…, tuy đã được các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của khách hàng nhưng cử tri và nhân dân vẫn chưa thực sự yên tâm.

Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài cầm đầu thông qua gọi điện, nhắn tin, như cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng thực thi pháp luật hoạt động trên không gian mạng tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn của người dân..., gây ra nhiều hệ lụy khó lường cho xã hội.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của người lao động ở các khu công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn; có giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, tiết kiệm, bảo hiểm.

Bên cạnh đó, kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng, chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, “giữ an toàn quá mức cần thiết,” không dám giải quyết công việc, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu

99,8% kiến nghị cử tri được giải quyết, trả lời

Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay có 2.588 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8 %.

Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 91/91 kiến nghị. Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã chỉ rõ một số hạn chế đối với việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri là chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.

Đối với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay kiến nghị của cử tri vẫn chưa được giải quyết.

Một số kiến nghị đã được các bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị.

Một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiều nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.

Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy sự chuẩn bị công phu, đã tổng hợp tư liệu, số liệu, xâu chuỗi nhiều kết quả, sự kiện và vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị phải rà soát, cân nhắc để thể hiện rõ được đây thực sự là tiếng nói của cử tri và nhân dân, mọi sự kiện, số liệu đưa ra đều phải mang tính điển hình, tránh đưa vào những nội dung đã cũ; rà soát, sắp xếp bố cục sao cho mạch lạc, logic về nội dung.

Đối với một số nội dung liên quan đến dân tộc, tôn giáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cách thể hiện phải thực sự chặt chẽ, không nêu chung chung, để tránh các đối tượng thù địch lợi dụng suy diễn và xuyên tạc. Bên cạnh đó, bổ sung thêm nội dung về sai phạm trong công tác đăng kiểm và việc vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, bởi đây cũng là những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm trong thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chỉ rõ theo các nghị quyết của Quốc hội, quy hoạch ngành than vẫn được triển khai cho đến khi có quy hoạch mới. Tuy nhiên, do quy hoạch năng lượng chưa được phê duyệt, quy hoạch điện VIII chưa hoàn thiện, gây nhiều vướng mắc cho việc triển khai phát triển ngành than.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị dành dung lượng phù hợp cho nội dung thúc đẩy triển khai lập, phê duyệt các quy hoạch.

Bên cạnh đó, về việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp, ông Vũ Hồng Thanh cho biết sức chịu đựng của các doanh nghiệp đang bị "bào mòn" sau thời gian chống chịu đại dịch COVID-19 nên rất cần có các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng cần kịp thời triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và các thủ tục hành chính, điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… để xử lý đúng sai phạm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện được duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng phát triển.

Trong phiên họp sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2023.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm