Trước việc cá rô phi chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn nông dân phác đồ điều trị bệnh, bước đầu đã ngănđược bệnh, môi trường ao nuôi được cải thiện, cá hoạt động trở lại bìnhthường, tỷ lệ chết giảm.
Ngày 20-7, Chi cục Thuỷ sản tỉnh cho biết: Đến nay, trong tỉnh có gần 100 ha nuôi cá rô phi ở các huyện Tứ Kỳ, Kinh Môn, Nam Sách và thị xã Chí Linh có cá bị nhiễm bệnh chết. Tổng khối lượng cá chết là hơn 216 tấn. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Tứ Kỳ với 145 hộ nuôi, trên diện tích hơn 60 ha, có 88,5 tấn cá chết. xã Nam Tân (Nam Sách) với 40 hộ, trên diện tích hơn 23 ha, có 119,7 tấn cá chết. Dự báo thời gian tới, do môi trường nước ao nuôi thuỷ sản kém, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều vùng nuôi khó khăn nguồn nước thay thế, nên dịch bệnh trên đàn cá rô phi sẽ có chiều hướng phát triển ra nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Trước đó, cuối tháng 6-2010, trên địa bàn xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn đã có hiện tượng cá rô phi đơn tính chết với số lượng khá lớn. Kết quả phân tích của cơ quan chuyên môn cho thấy: Cá rô phi nhiễm vi khuẩn Streptococcus. Agalactiae. Vi khuẩn này gây bệnh cho cá, làm tổn thương chính ở mắt, khiến mắt cá bị lồi khi bị nhiễm nặng. Mật độ colliforms trong nước ao cao hơn giới hạn cho phép, phản ánh việc nước trong ao bị ô nhiễm.
Chi cục Thủy sản đã hướng dẫn nông dân phác đồ điều trị bệnh cho cá rô phi và sử dụng các chế phẩm xử lý môi trường nước, nên bước đầu đã ngăn được bệnh, môi trường ao nuôi được cải thiện, cá hoạt động trở lại bình thường, tỷ lệ cá chết giảm hẳn khi sử dụng thuốc và chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi. Chi cục khuyến cáo thường xuyên kiểm tra ao nuôi phát hiện tình hình bệnh, khi có biểu hiện cá chết cần nhanh chóng dùng thuốc để có hiệu quả trị bệnh cao. Các loại thuốc dùng để trộn vào thức ăn điều trị bệnh cho cá là: Imekana - ADE, Doxycycline, Enrofloxacine. Ngoài ra, bà con nên dùng thuốc Vicato rắc đều khắp ao để xử lý môi trường ao nuôi.
TRẦN TIẾN DUẨN