Khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn

11/01/2015 04:30

Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đã dần đi vào nền nếp là một trong những cái được qua thực hiện Đề án "Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn"...



Nhiều tổ thu gom rác hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn


Tháng 6-2011, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn” nhằm thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 24-12-2010 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đến nay, sau 4 năm, đề án đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường (BVMT) ở khu vực nông thôn.

Thu gom, xử lý rác

Kết quả nổi bật đầu tiên là việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn đã đi vào nền nếp. Trước năm 2011, việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều hạn chế như: tỷ lệ thu gom rác thấp, bình quân chỉ đạt khoảng 50% tổng lượng rác xả ra; nhiều địa phương không có tổ thu gom rác; việc chôn lấp ở các bãi rác tự phát còn nhiều; công tác quy hoạch, xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh chưa được quan tâm đúng mức...

Thời gian qua, nhiều hạn chế trên đã dần được khắc phục. Cơ quan chức năng đã tăng cường chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ thu gom rác thải. Đến nay, hầu hết các xã đã thành lập được tổ thu gom rác, tổ vệ sinh môi trường. Nhiều nơi có tổ thu gom rác từ trước năm 2011 cũng nâng cao hiệu quả hoạt động, thu dọn rác thường xuyên hơn, ở phạm vi rộng hơn. Nhiều địa phương có tổ thu gom rác hoạt động hằng ngày thay vì chỉ thu gom từ 1-3 lần mỗi tuần như trước kia. Vì vậy, tỷ lệ thu gom rác bình quân ở các xã trong tỉnh đã được nâng lên, hiện đạt khoảng 60%, có nơi đạt 70%. Những con đường, ngõ xóm sạch sẽ, phong quang là biểu hiện rõ rệt hiệu quả hoạt động của các tổ thu gom rác.

Sáng 6-1, có mặt tại thôn Ngà, xã Phương Hưng (Gia Lộc), chúng tôi thấy hai chị ở tổ thu gom rác đang cần mẫn quét dọn lá cây, rác thải ở đường trục thôn. Tổ thu gom rác thôn Ngà dọn rác hằng ngày, trừ những ngày bận làm mùa thì 2 ngày dọn một lần. Nhiều con đường sạch sẽ, thoáng đãng. Anh Đỗ Thế Bôn ở thôn này cho biết: “Tổ thu gom rác của thôn hoạt động đều đặn, được người dân đánh giá tốt, góp phần BVMT sống cho người  dân”.

Các địa phương đã chú trọng quy hoạch, xây dựng bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, cách xa khu dân cư. Hiện nay, hầu hết các xã đều đã quy hoạch hoặc xây dựng bãi chôn lấp rác tập trung, xa khu dân cư. Giai đoạn 2011-2014, UBND tỉnh đầu tư kinh phí cho 104 xã xây dựng 124 bãi chôn lấp rác tập trung, hợp vệ sinh, xa khu dân cư, với kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng/bãi. Những bãi rác tập trung này được khoanh vùng, có lớp nhựa chống thấm, ống thoát khí, ống thu nước rỉ rác đã làm giảm thiểu lượng rác tồn đọng trong thôn xóm, khắc phục ô nhiễm môi trường. Ông Vũ Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) cho biết: “Địa phương được tỉnh đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng một bãi rác có diện tích hơn 6.000 m2 ở thôn Trạch Lộ. Bãi rác có quy hoạch, thiết kế cẩn thận. Diện tích bãi khá lớn nên có thể tiếp nhận rác nhiều năm nữa”.

Bên cạnh việc chôn lấp truyền thống, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, lò đốt xử lý rác thải sinh hoạt. Rác thải sinh hoạt ở một số xã như: Cổ Dũng, Tuấn Hưng (Kim Thành), Tráng Liệt (Bình Giang) đã được xử lý bằng phương pháp đốt. Thời gian tới, việc xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt sẽ dần thay thế biện pháp chôn lấp.



Công nhân Nhà máy Nước sạch Tiền Tiến (Thanh Hà) vận hành bể lắng, lọc nước


Chính sách đi vào cuộc sống

Cùng việc đầu tư cho các công trình, nhân lực để BVMT nông thôn, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã tăng cường hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ sở dữ liệu về môi trường nông thôn. Đây là căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học để xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân trong BVMT nông thôn, phòng ngừa nguy cơ gây ô nhiễm.

Giai đoạn 2011-2014, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chỉ thị... nhằm BVMT nói chung, môi trường nông thôn nói riêng như: chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp; kế hoạch hành động bảo vệ đa dạng sinh học; đề án tổng thể BVMT làng nghề; kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 18-3-2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; một số chỉ thị nhằm tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, tài nguyên nước...

Giai đoạn 2011-2014, việc điều tra, quan trắc hiện trạng môi trường nông thôn đã được chú trọng hơn những năm trước. Thực hiện dự án "Mạng lưới các điểm quan trắc tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2015", hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ quan trắc 4 lần hiện trạng môi trường đất, nước, không khí, chất thải rắn tại nhiều vị trí trong tỉnh. Ngoài quan trắc định kỳ, Sở Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức nhiều đợt điều tra về xử lý rác thải rắn nông thôn, môi trường làng nghề, môi trường vùng nuôi thủy sản tập trung, các nguồn gây ô nhiễm nước sông... Kết quả quan trắc, điều tra là cơ sở để cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, xử lý ô nhiễm.

Công tác tuyên truyền BVMT tới cán bộ, người dân đã được đẩy mạnh. Hình thức tuyên truyền đa dạng như thông qua các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo, treo băng rôn, nhân kỷ niệm các ngày, tuần lễ liên quan tới môi trường... Nét mới trong hoạt động tuyên truyền là cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền trực quan, bằng các hoạt động cụ thể như trồng cây xanh, thu dọn rác thải, giải quyết những khu vực, vị trí ô nhiễm... Hằng năm, tỉnh ta đều có hoạt động hưởng ứng các sự kiện về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày đa dạng sinh học... Các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền chính sách, pháp luật, kiến thức về BVMT cho các hội viên, đoàn viên. Hoạt động tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, góp phần huy động cộng đồng chung sức BVMT nông thôn.

Đưa nước sạch tới người dân nông thôn cũng là một điểm nổi bật trong thực hiện đề án. Tỉnh ta là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong cấp nước sạch cho người dân nông thôn. Việc xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung diễn ra ở nhiều địa phương, bằng nhiều nguồn vốn như: ngân sách nhà nước, vay ngân hàng thế giới, vốn doanh nghiệp tư nhân. Một số huyện đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành cấp nước sạch đến người dân là Tứ Kỳ, Thanh Hà. Đến hết năm 2010, cả tỉnh mới có 39 trạm cấp nước ở nông thôn, tỷ lệ dân nông thôn dùng nước sạch mới đạt 21,2%. Đến hết năm 2014, khu vực nông thôn đã có 72 trạm cấp nước tập trung, tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83%.


NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục ô nhiễm môi trường nông thôn