Khắc phục lúa xuân chậm phát triển

30/03/2011 14:08

Vào thời gian này hằng năm, lúa đông xuân ở các địa phương đang tronggiai đoạn từ cuối đẻ nhánh đến đứng cái - làm đòng. Nhưng năm nay, tấtcả diện tích lúa đông xuân đều sinh trưởng, phát triển chậm.

Tiết Thanh minh đang đến gần. Vào thời gian này hằng năm, lúa đông xuân ở các địa phương đang trong giai đoạn từ cuối đẻ nhánh đến đứng cái - làm đòng. Nhưng năm nay, tất cả diện tích lúa đông xuân đều sinh trưởng, phát triển chậm.

Phân bón là yếu tố dinh dưỡng quan trọng liên quan đến sinh trưởng, phát triển và năng suất, chất lượng lúa đông xuân; được cung cấp chủ yếu thông qua con người. Tuy nhiên, thời tiết khí hậu vẫn là yếu tố quyết định. Sở dĩ tất cả diện tích lúa đông xuân sinh trưởng, phát triển chậm là do sau khi gieo cấy xong, thời tiết diễn biến xấu, trời liên tục giá rét, nhiệt độ xuống thấp, biên độ nhiệt ngày và đêm cao, độ ẩm không khí lớn... đã khống chế quá trình hấp thu dinh dưỡng và sinh trưởng phát triển của cây lúa. Lúa cấy vẫn đang giai đoạn chúm đuôi gà, bé khóm; lúa gieo thẳng thì còn nguyên hình cây mạ.

Để tránh tình trạng dư thừa dinh dưỡng, gây tốt lốp và sâu bệnh sau này hoặc dinh dưỡng không được cung cấp kịp thời, trong khi thời tiết còn  diễn biến phức tạp, chúng tôi xin nêu một số biện pháp kỹ thuật khắc phục:

- Duy trì mực nước ruộng từ 1- 1,5 đốt ngón tay để bộ rễ cây lúa hấp thụ ánh sáng được tốt và phát triển, kích thích đẻ nhánh kịp thời.

- Gặp ngày nắng ấm, nhiệt độ bình quân từ 15 độ C trở lên: Nên rắc thúc  nhử bổ sung 1 - 1,5 kg đạm u-rê, 1 - 1,5 kg ka-ly và 3-5 kg supe lân Lâm Thao/sào, kết hợp làm cỏ sục bùn tạo sự lưu thông không khí, hạn chế nghẹt rễ sinh lý. Những ruộng chưa kịp bón thúc từ sau gieo cấy đến nay thì nên bón từ 4 - 6 kg u-rê (hoặc 12- 16 kg NPK loại 16.16.8) và 3 - 4kg ka-ly/sào, tuỳ theo từng loại lúa thường hoặc lúa lai, chia làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày.

- Khi lúa bước vào giai đoạn phân hóa đòng thì tiếp tục nhìn cây xem tình hình tốt xấu để rắc bổ sung 1 lượng nhỏ u-rê và ka-ly cho thích hợp.

- Lúa đông xuân sẽ trỗ muộn tập trung từ 10-5 đến 20-5, dễ dàng nhiễm rầy nâu lứa 4 và sâu đục thân hai chấm lứa 2. Bà con nông dân cần chủ động phòng trừ.

NGUYỄN HỮU VÂN
(Trạm Khuyến nông Nam Sách)

(0) Bình luận
Khắc phục lúa xuân chậm phát triển