Hạn chế hoạt động giao thông vận tải hành khách, nhất là dịp cuối năm gây phiền toái cho nhiều người nhưng là việc phải làm để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Các bến xe tạm dừng hoạt động để bảo đảm phòng chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã áp dụng một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch trong hoạt động giao thông vận tải.
Từ 0 giờ ngày 29.1 cho đến khi có thông báo mới, Hải Dương sẽ tạm dừng vận tải hành khách bằng xe khách tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch bao gồm cả phương tiện của các tỉnh, thành phố khác (trừ xe chở công nhân, xe taxi hoạt động nội tỉnh). Các phương tiện đang trên hành trình nhanh chóng giải toả hành khách và đưa xe về bãi đỗ. Riêng xe taxi không được đi vào địa bàn TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn và các huyện Nam Sách, Kim Thành.
Một số tỉnh, thành phố khác cũng có các văn bản liên quan đến giao thông kết nối với Hải Dương. Tỉnh Quảng Ninh tạm dừng toàn bộ các hoạt động vận tải khách đường bộ, đường thủy liên tỉnh, nội tỉnh trên địa bàn tỉnh này, bao gồm cả các phương tiện đi và đến. Tỉnh Bắc Giang yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dừng toàn bộ hoạt động đi và đến 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh; dừng hoạt động đối với bến phà Đồng Việt (nối thị trấn Neo, huyện Yên Dũng với xã Hưng Đạo, TP Chí Linh). Tương tự, các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu và Nam Định... đều tạm dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách đi và đến 2 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh.
TP Hải Phòng đã thành lập 8 chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào thành phố bằng đường bộ. Trong đó có 3 chốt tiếp giáp tỉnh Hải Dương. Cụ thể, chốt số 1 tại chân cầu Đá Bạc - quốc lộ 10 (huyện Thủy Nguyên); các chốt số 2, 3, 4 lần lượt tại phía sau trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhánh xuống đường 356 (quận Hải An), nhánh xuống đường 353 (quận Dương Kinh), nhánh xuống quốc lộ 10 (huyện An Lão); chốt số 5 tại khu vực ga Dụ Nghĩa, quốc lộ 5 (huyện An Dương); chốt số 6 tại quốc lộ 17B, huyện An Dương (khu vực tiếp giáp với huyện Kim Thành); chốt số 7 tại đoạn tiếp giáp giữa huyện Tiên Lãng với xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) khu vực ngã ba Quý Cao; chốt số 8 tại quốc lộ 37, khu vực cầu Chanh (huyện Vĩnh Bảo) tiếp giáp huyện Ninh Giang. Ngoài ra, Hải Phòng cũng đóng cửa các đường mòn, lối tắt, đò ngang tại các huyện tiếp giáp với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh (gồm Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo).
Đặc biệt, người dân đến từ Hải Dương và Quảng Ninh không được vào Hải Phòng; nếu vào phải cách ly y tế tập trung theo quy định. Những người đang làm việc tại Hải Phòng được đề nghị ở lại, không về Hải Dương và Quảng Ninh. TP Hải Phòng cũng khuyến khích các doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân ở lại Hải Phòng làm việc.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, các xe kinh doanh vận tải hành khách và tàu khách có lộ trình đi qua tỉnh Hải Dương không được dừng, đỗ để đón trả khách tại địa bàn tỉnh.
Những hạn chế trong giao thông nói trên khiến người ngoại tỉnh đang ở Hải Dương không thể đón xe khách, tàu khách trực tiếp từ Hải Dương mà phải nhờ gia đình, người thân hoặc sử dụng xe cá nhân để đi Hưng Yên, Hà Nội rồi từ các bến xe tại đây tiếp tục đón những chuyến xe khác về địa phương.
Đối với người dân Hải Dương, các tuyến xe khách, xe buýt, các bến xe… đều tạm dừng hoạt động. Không cách nào khác, người dân phải tận dụng tối đa phương tiện cá nhân.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến việc đi lại khó khăn. Tuy nhiên, đại đa số người dân đều đồng tình và chủ động tìm phương thức đi lại phù hợp. Anh Nguyễn Văn, một nhân viên văn phòng quê ở Thanh Hóa chia sẻ: “Đi lại khó khăn nhưng nếu không hạn chế sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh”.
Dẫu biết rằng hạn chế hoạt động giao thông vận tải hành khách, nhất là dịp cuối năm gây nhiều phiền toái nhưng để phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì đây là việc cần làm. Sự cảm thông và ý thức cùng chính quyền vượt qua khó khăn của người dân hiện nay sẽ tiếp thêm niềm tin, giúp Hải Dương cũng như những địa phương khác sớm khoanh vùng, dập dịch Covid-19.
HÀ KIÊN