Khắc phục khó khăn để làm vụ đông

09/09/2011 07:02

Thời tiết bất thường khiến thời vụ bị chậm nên nhiều huyện phải tăng diện tích vụ đông chính vụ và vụ đông muộn để thay thế cho diện tích vụ đông sớm bị thu hẹp.


Đến ngày 8-9, nông dân xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã trồng được khoảng 115 ha rau màu vụ đông sớm, đạt 35% kế hoạch, chủ yếu là cây cải dưa, su hào, bắp cải, ngô giống. Trong ảnh: Nông dân thôn Cáy trồng cây cải dưa

Đợt rét đậm, rét hại đầu năm nay khiến lúa xuân sinh trưởng chậm, kéo theo thời vụ vụ mùa và vụ đông chậm khoảng 20 ngày so với năm trước. Do đó, thời vụ - một yếu tố quyết định đến diện tích, năng suất, hiệu quả cây vụ đông là khó khăn lớn nhất ở vụ đông 2011-2012. Trong đó, vụ đông sớm (VĐS) có hiệu quả kinh tế cao bị ảnh hưởng nặng nhất. So với năm ngoái, nhiều huyện phải tăng diện tích vụ đông chính vụ và vụ đông muộn để thay thế cho diện tích VĐS bị thu hẹp.

Ở những huyện có truyền thống làm VĐS (Gia Lộc, Kinh Môn, Kim Thành), áp lực thời vụ khá căng thẳng. Nông dân phải khẩn trương thu hoạch lúa mùa sớm để làm đất trồng rau đông. Nếu không chủ động tổ chức sản xuất thì khâu làm đất, bố trí nhân lực canh tác sẽ gặp nhiều khó khăn. Giá một số loại vật tư nông nghiệp năm nay (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng lên ảnh hưởng tới vụ đông của nông dân.

Lường trước những khó khăn, các cơ quan chức năng và nông dân đã có nhiều biện pháp khắc phục. Tại vụ mùa này, nhiều giống lúa ngắn ngày được nông dân gieo cấy ở chân đất cao để làm VĐS. Hiện nay, nhiều diện tích lúa P6 đột biến ở huyện Gia Lộc, Kim Thành đã cho thu hoạch, người dân đang hối hả làm đất trồng cây vụ đông. Nhiều huyện đã có định hướng làm vụ đông khi triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa hoặc triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông từ rất sớm.

Ở huyện Gia Lộc có truyền thống trồng cây vụ đông mạnh nhất tỉnh, nông dân nhiều xã (Gia Xuyên, Đoàn Thượng, Toàn Thắng...) đang tích cực trồng, chăm sóc các loại cây VĐS như cải bắp, su hào, ngô, rau các loại... Năm nay, do thời vụ chậm, huyện đặt mục tiêu trồng 3.900 ha vụ đông, trong đó, trà sớm chiếm 50%, giảm 20% so với vụ đông năm trước, còn lại là trà chính vụ và muộn. Nông dân trong huyện đã thu hoạch rau màu hè thu và lúa mùa sớm để có đất trồng. Tại xã Đồng Quang, nhiều chân ruộng cấy P6 đột biến (giống lúa ngắn ngày) đã cho thu hoạch từ giữa tháng 8 để chuyển sang trồng vụ đông. Về cơ cấu giống, huyện Gia Lộc chỉ đạo các địa phương tăng cường trồng các loại cây ngắn ngày, chịu nhiệt, có năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ, tập trung vào nhóm rau, củ, quả như: cải bắp (KK Cross, Nozomi 109), su hào (B40, Takiss Nhật Bản), ớt (VL827, VL841), dưa hấu (VL79, VL74)...


Giá nhiều loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao hơn so với năm ngoái gây khó khăn cho sản xuất vụ đông. Trong ảnh: Nông dân xã Minh Tân (Nam Sách) gieo trồng cà rốt vụ đông bằng giàn kéo tay

Theo ông Vũ Văn Tươi, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Thượng, nông dân địa phương đã chủ động gieo cấy các giống lúa, rau màu ngắn ngày ở vụ mùa, để có nhiều diện tích trồng cây VĐS. Khi lúa mùa đạt độ chín 80-85%, nông dân thu hoạch sớm, buổi sáng còn ruộng lúa, buổi chiều đã trồng rau màu vụ đông. Để bảo đảm diện tích vụ đông, xã chỉ đạo nông dân trồng nhiều diện tích cây ngô ngọt có thời gian sinh trưởng ngắn, giảm diện tích ngô giống (thời gian sinh trưởng dài hơn). Đến ngày 8-9, nông dân xã Đoàn Thượng đã trồng khoảng 115 ha VĐS, đạt 35% kế hoạch, chủ yếu là cây ngô giống, su hào, bắp cải, cải dưa. Tại cánh đồng thôn Cáy, nhiều nông dân hối hả thu rau màu hè thu, ủ phân, trồng, chăm sóc rau đông. Chị Đoàn Thị Hằng cho biết: “Nhà tôi vừa thu hoạch ruộng dưa lê xong, chuyển sang trồng cải dưa ngay. Để tiết kiệm thời gian, tôi đã ươm giống cải dưa từ trước đó, khi có ruộng mang đi trồng luôn”.

Không chỉ tranh thủ thời vụ, bố trí cơ cấu giống hợp lý, các địa phương chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp khác để tháo gỡ khó khăn. Khâu thu hoạch lúa mùa cần thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, vừa tránh được thiên tai cuối vụ, vừa giải phóng đất từ sớm. Đối với cây đậu tương, ngô, nông dân nên áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu, làm bầu. Tích cực áp dụng cơ giới hóa để rút ngắn thời gian làm đất. Ở xã Nam Trung (Nam Sách), toàn bộ diện tích vụ đông do máy cày vừa làm đất, vừa lên luống nên khâu này rất nhanh. Biện pháp dùng máy cày lên luống cần áp dụng rộng rãi hơn trong toàn tỉnh. Mở rộng diện tích trồng lạc, dưa, ớt, cà chua bằng che phủ ni-lông. Khẩn trương tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ đông, cung ứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng giống cho nông dân, điều hành tưới, tiêu nước hợp lý, tổ chức sản xuất tốt để có một vụ đông thắng lợi.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc phục khó khăn để làm vụ đông