Khắc phục khâu yếu trong công tác cán bộ

01/10/2015 06:01

Dù được thực hiện theo quy trình đánh giá chặt chẽ nhưng Dự thảo Báo cáo Chính trị vẫn thẳng thắn chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ là khâu yếu trong công tác cán bộ”.



Ban Tổ chức Huyện ủy Cẩm Giàng rút kinh nghiệm về công tác đánh giá cán bộ


Thực hiện Quyết định số 286-QĐ/TW ngày 8-2-2010 của Bộ Chính trị (khoá X) về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức, ngày 25- 4-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định về việc ban hành Quy chế đánh giá cán bộ, công chức. Kèm theo quyết định này là quy chế gồm 3 chương, 18 điều quy định chi tiết quy trình đánh giá cán bộ và tổ chức thực hiện. Quy chế trên cũng đã được các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy cụ thể hóa đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, dù được thực hiện theo quy trình đánh giá chặt chẽ nhưng Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI vẫn thẳng thắn chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ là khâu yếu trong công tác cán bộ”.

Hạn chế trong đánh giá cán bộ

Trao đổi về những nguyên nhân dẫn đến việc đánh giá cán bộ chưa thực sự hiệu quả, nhiều đồng chí cán bộ chuyên làm công tác tổ chức, cán bộ cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đồng chí Hoàng Văn Lượt, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Miện cho rằng, có một phần nguyên nhân chủ quan là do quy trình đánh giá hiện nay chưa thật sự hoàn thiện, vẫn còn một số khâu chưa phù hợp. Đồng chí dẫn chứng, theo Quy chế của tỉnh, trước khi bổ nhiệm không quy định về việc lấy ý kiến tham gia của tập thể cán bộ (đối với cơ sở), nhưng ở quy trình đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm lại thì quy định lấy ý kiến tham gia của tập thể cán bộ. Do đó, phần nào đã hạn chế việc mở rộng dân chủ tại cấp cơ sở. Mặt khác, vai trò con người trong công tác đánh giá cán bộ vẫn là vấn đề cốt lõi với những hạn chế khó khắc phục. Lối tư duy duy tình, cảm tính, nể nang, ngại va chạm vẫn phổ biến đã dẫn đến việc ít nhận được những đánh giá thẳng thắn, trung thực, phản ảnh đầy đủ về chất lượng công tác, phẩm chất đạo đức của người được đánh giá. Do đó, có nơi, có cán bộ sau khi được đánh giá, đề bạt đã bộc lộ hạn chế về năng lực, phẩm chất đạo đức, thậm chí có cán bộ vi phạm kỷ luật, pháp luật…

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cẩm Giàng Trần Văn Quyết thì cho rằng quy trình đánh giá cán bộ hiện rất chuẩn, hợp lý nhưng còn thiếu hệ thống tiêu chí giúp định lượng cụ thể chất lượng cán bộ. Theo đồng chí Quyết, những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ được quy định như hiện nay rất trúng, rất đúng, nhưng trong thực tế việc vận dụng để đánh giá rất khó khăn vì không thể định lượng được. Chẳng hạn, những khái niệm đánh giá cán bộ về: “Ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân”, “đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân”, “bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt”… đều chỉ có thể đánh giá được tương đối, qua cảm tính. Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần lượng hóa các tiêu chuẩn gắn với chức danh, vị trí việc làm để tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được, hoặc chỉ là những đánh giá chung chung.

Nhiều đồng chí có kinh nghiệm trong công tác cán bộ cũng cho rằng, hiện nay, giữa các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, tham mưu về công tác cán bộ chưa xây dựng được quy chế phối hợp để giám sát, ràng buộc trách nhiệm. Bên cạnh đó là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được phát huy tốt nên vẫn có tình trạng đánh giá lướt, nể nang. Vai trò của cơ quan chủ trì cũng chưa được phát huy do việc đánh giá, thu thập thông tin của các cơ quan tham mưu thiếu chính xác, khách quan, công tâm…

Cần có giải pháp đồng bộ

Nhìn thẳng những hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề cập rất cụ thể đến nội dung đổi mới và thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết tâm đổi mới và nâng cao việc đánh giá cán bộ trên cơ sở tăng cường các kênh thông tin, bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình đánh giá cán bộ một cách khoa học, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; nêu cao vai trò của tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong công tác đánh giá cán bộ.

Là một cán bộ làm công tác tổ chức lâu năm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Phượng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định, quyết tâm trong nhiệm kỳ tới của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là rất cụ thể, phù hợp với giai đoạn mới. Theo đồng chí, việc đánh giá chính xác đạo đức, phẩm chất, năng lực của cán bộ không khó, điều quan trọng là việc đó được thực hiện như thế nào, ai là người thực hiện. Do đó, cần phải thiết lập quy trình đánh giá chặt chẽ, mở rộng dân chủ tối đa, bảo đảm thực hiện từng bước thận trọng, trung thực và công khai, minh bạch.

Để công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn tỉnh không còn bị coi là khâu yếu các cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần tiếp tục nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc này để nâng cao vai trò của cán bộ, nhân dân trong công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ phải gắn với phong trào; đánh giá tập thể trước, cá nhân sau. Cần xây dựng bộ tiêu chí được lượng hóa (thành thang điểm) đánh giá cụ thể cho từng loại hình tập thể và chức danh lãnh đạo, quản lý. Kết quả đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý phụ thuộc nhiều vào quá trình tổ chức thực hiện. Vì vậy phải kiên quyết khắc phục hiện tượng làm lướt, qua loa, nể nang, né tránh. Việc tổ chức các hội nghị kiểm điểm phải nghiêm túc, có cơ quan quản lý cấp trên dự và chỉ đạo. Kết quả xếp loại tập thể phải là căn cứ quan trọng cho việc đánh giá, xếp loại cá nhân cán bộ lãnh đạo của đơn vị, nhất là người đứng đầu. Cơ quan lãnh đạo, quản lý và cơ quan tham mưu về cán bộ phải kiểm tra, theo dõi thường xuyên, chặt chẽ; thu thập thông tin đầy đủ, giúp cho cơ quan quản lý cán bộ có đủ thông tin khi nhận xét, đánh giá cán bộ thuộc quyền… Đặc biệt, kết quả đánh giá phải được thông báo công khai cho người được đánh giá và cán bộ, đảng viên trong đơn vị biết, đồng thời lưu giữ, bổ sung vào hồ sơ cán bộ, làm căn cứ triển khai những khâu tiếp theo trong công tác cán bộ.

PV

(0) Bình luận
Khắc phục khâu yếu trong công tác cán bộ