Còn nhiều vấn đề bất cập cần rút kinh nghiệm cho các xã đang trên con đường đi đến đích nông thôn mới.
Toàn xã nông thôn mới ở Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) có hơn 27 km đường giao thông được trải nhựa, bê tông hóa. Ảnh: Thành Chung
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, giảm khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trong cả nước, chương trình được nhân dân đón nhận hào hứng.
Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hải Dương đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 64 xã hoàn thành 19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn NTM (chiếm 28,3% tổng số xã), đạt 110% mục tiêu đề ra.
Không chỉ những xã đã đạt chuẩn mà hầu hết các xã trong tỉnh đều thi đua, phấn đấu xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, trong đó tiêu chí về kết cấu hạ tầng được quan tâm nhiều nhất, nhất là giao thông nông thôn, làm cho diện mạo các làng quê thay đổi rõ rệt. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng, cải tạo 2.350 km đường giao thông nông thôn, đến nay 92,5% số đường xã và liên xã, 91,7% số đường thôn, 88,6% số đường xóm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của NTM. Mạng lưới cấp nước sạch đã tới 100% các xã; có 85% số hộ dân dùng nước sạch. Cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh: mầm non đạt 78,6%, tiểu học 94,8%, THCS 94,7%, THPT 97,9%; đã có 484 trường học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 16,6% xuống 12,2%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 58% lên 75,1%… Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư, đã có 94,2% số xã và 97% số thôn có nhà văn hóa; 85% số gia đình văn hóa, 75,8% số làng, khu dân cư văn hóa.
Kết quả bước đầu về số lượng xã đạt chuẩn NTM là tích cực và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề bất cập cần rút kinh nghiệm cho các xã đang trên con đường đi đến đích NTM.
Thứ nhất, tình trạng nợ đầu tư xây dựng cơ bản khá phổ biến. Vì chạy đua thành tích nên các công trình hạ tầng thường được tổ chức thi công gấp gáp, chất lượng công trình không bảo đảm và nợ xây dựng cơ bản phát sinh nhiều. Theo số liệu tổng hợp các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, số nợ xây dựng cơ bản bình quân trên 10 tỷ đồng/xã. Cá biệt có xã trên 60 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, khoản nợ này được dự kiến trả nợ bằng quỹ đất chuyển đổi sang đất dân cư thông qua đấu giá đất, mà trong mấy năm gần đây việc chuyển nhượng này gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, chất lượng quy hoạch xây dựng NTM cấp xã còn hạn chế. Tình trạng phó mặc cho một bên B nào đó xây dựng quy hoạch rồi lấy ý kiến nhân dân một cách hình thức là khá phổ biến. Từ đó dẫn đến tình trạng quy hoạch sớm bị lạc hậu, thậm chí không sử dụng được. Qua các đợt kiểm tra, thẩm định, giám sát cho thấy nhiều xã chỉ có một bản quy hoạch chung, còn các đề án, dự án phát triển sản xuất thì chưa có hoặc có nhưng rất sơ sài. Xây dựng NTM là để người dân nông thôn có đời sống vật chất được nâng lên trên cơ sở phát triển sản xuất tại chỗ, khai thác tốt tiềm năng lao động và đất đai hiện có. Nhưng điều này hầu như khó và vướng nhiều yếu tố nên ít được các xã quan tâm, các nơi chỉ tính toán thu nhập bình quân bằng cách cộng các nguồn thu chia cho đầu người để đạt tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới mức quy định.
Thứ ba, tiêu chí về môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Có những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng rác thải vẫn chưa được thu gom và xử lý đúng cách, cống rãnh thoát nước trong đường làng vẫn bốc mùi hôi thối, nghĩa địa không được quy hoạch đúng quy định, vẫn mạnh ai nấy làm, thậm chí có tình trạng mua đất, "xí" đất để xây thành “tiểu nghĩa địa” cho gia đình, dòng tộc...
Thứ tư, thiết chế văn hóa thể thao phát huy hiệu quả kém. Không ít nhà văn hóa, sân thể thao ở các xã được công nhận NTM hiệu quả sử dụng rất hạn chế bởi sân thể thao chưa đúng quy chuẩn, nhà văn hóa hằng ngày đóng kín cổng và chỉ mở cửa khi có hội họp của chi bộ hay các đoàn thể.
Để chương trình xây dựng NTM đạt kết quả vững chắc, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm khắc phục những bất cập trên, không để “nợ tiêu chí”, không để người dân phải “gánh nợ” xây dựng cơ bản sau khi hân hoan đón bằng công nhận xã chuẩn NTM.
Các xã không nên quá máy móc về các tiêu chí mà cần chú ý đến cái đích của NTM là người dân được hưởng thụ cái gì. Ví dụ trong điều kiện hiện nay thì mỗi thôn nên xây dựng một ao nước sạch để trẻ em, người lớn có thể tắm, bơi, chi phí sẽ rẻ hơn nhiều, sử dụng cho nhiều người hơn là xây dựng một bể bơi tiêu chuẩn rất tốn kém mà ít người được sử dụng.
Xây dựng sân chơi thể thao ở mỗi thôn (làng) hay nhà thi đấu đa năng cấp xã? Sau mỗi ngày làm đồng về hoặc buổi chiều tối người dân ra sân chơi đầu làng đá bóng, chơi cầu lông hay đánh bóng chuyền thì tiện lợi và thực tế hơn là phải đi xuống nhà thi đấu đa năng của xã mà số lượng người chơi cũng rất hạn chế. Mỗi thôn có một sân chơi thể thao chắc chắn tốn ít kinh phí hơn một nhà thi đấu đa năng.
Đầu tư xây dựng chợ nông thôn hay dành diện tích cho hình thành các điểm bán hàng ở các thôn, xóm? Chỉ nên đầu tư nâng cấp những chợ đã có với quy mô hợp lý, nếu xây dựng chợ mới phải tính toán thật kỹ về nhu cầu, tâm lý người dân để tránh tình trạng chợ xây xong nhưng không có người họp như nhiều nơi đã mắc phải. Ở Hải Dương, điều kiện giao thông thuận tiện, các “nhà bán lẻ” mang hàng tới từng thôn, xóm ngày càng phổ biến. Vì thế, việc dành ra một diện tích làm điểm bán hàng ở các thôn (có thể có mái che) cho các nhà bán lẻ thuê (hoặc miễn phí) để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Trong quá trình xây dựng NTM phải tiến hành đồng thời các nhóm tiêu chí: Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại; phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân, đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương, dồn điền, đổi thửa, xây dựng các mô hình sản xuất mới, hỗ trợ phát triển làng nghề...; xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, duy trì và phát triển các loại hình văn hóa làng xã, đặc biệt là các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái và chăm sóc sức khỏe nhân dân để bảo đảm tính bền vững của chương trình.
Thi đua xây dựng NTM nhưng không nên nóng vội chạy theo thành tích, hãy bình tĩnh làm đâu chắc đó để NTM đúng là của người dân, do dân làm và phục vụ tốt nhất cho nhân dân.
LƯƠNG ANH TẾ