Khắc khoải đò xưa

09/04/2023 08:46

Quê hương với mỗi người luôn khắc ghi trong tâm khảm ấy chính là hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò mang hồn cốt của làng quê Việt vốn rất đỗi gần gũi và thân thương, vẫn luôn xuất hiện trong thơ nhạc xưa nay.

Đò Chanh

Cây cầu mới bắc dở dang
Đò xưa thiêm thiếp mơ màng bến sông
Mưa phùn lạnh buốt gió đông
Nước xuôi sông Luộc rẽ dòng Hóa giang

Tinh sương mà đã muộn màng
Ta vừa đến bến, người sang sông rồi
Tâm can thoáng chốc rối bời
Lỡ đò, lỡ chuyến chơi vơi giữa dòng

Khẳng khiu trơ mấy cội bàng
Liêu xiêu lều quán níu giằng bến xưa
Một mai cầu nối đôi bờ
Ai thương đò dọc, ai chờ bến ngang

Ông cha mất ruộng rời làng
Bảy mươi năm trước khai hoang xứ người
Đời ta phiêu bạt góc trời
Vẫn nghe thảng thốt đò ơi… nao lòng.

PHẠM TRUNG TÍN

Quê hương với mỗi người luôn khắc ghi trong tâm khảm ấy chính là hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò mang hồn cốt của làng quê Việt vốn rất đỗi gần gũi và thân thương, vẫn luôn xuất hiện trong thơ nhạc xưa nay. Nơi bến quê có con đò chuyên chở khách cần mẫn suốt bốn mùa dầm mưa dãi nắng. Bến đò là nơi chứng kiến những cuộc tiễn đưa đong đầy kỷ niệm của những người xa quê và người ở lại trong bịn rịn, nhớ thương. Cuộc sống không ngừng vận động, xã hội phát triển, những con đò xưa dần được thay thế bằng những cây cầu mới, hiện đại bắc qua sông nhưng với nhiều người, ký ức về những chuyến đò vẫn luôn đi suốt năm tháng cuộc đời trong bồi hồi, lưu luyến. “Đò Chanh” của nhà thơ Phạm Trung Tín là một bài thơ giàu niềm cảm xúc sâu xa như thế.

Bước chân đưa tác giả về qua bến sông quê vào một ngày trời mưa phùn gió lạnh. Trước sông, cái cảm giác cô đơn, vắng lạnh càng gợi cho lòng người dậy lên những niềm tâm sự ngổn ngang. Cảnh vật giờ đã có chút đổi thay: “Cây cầu mới bắc dở dang/ Đò xưa thiêm thiếp mơ màng bến sông”. Càng cô quạnh hơn khi sự trở về của tác giả đã là một sự muộn màng đáng tiếc: “Tinh sương mà đã muộn màng/ Ta vừa đến bến, người sang sông rồi”. Có đôi khi sự chậm trễ chỉ một vài phút lại đánh đổi cả một trời nuối tiếc. Và sự nuối tiếc ấy nhiều khi trở thành nỗi buồn đeo đẳng mãi khôn nguôi. Thành ra việc lỡ chuyến đò mang đến cho tác giả sự hẫng hụt, chơi vơi.

Có người bảo lỡ chuyến này ta sẽ đợi đến chuyến khác, có gì mà phải buồn, có gì mà phải nghĩ ngợi nhiều đến thế? Ấy thế mới gọi là thi sĩ. Có những nỗi buồn đẹp lại sinh ra những câu thơ hay và để lại lắng đọng, suy tư trong lòng người. Cảnh vật có lẽ cũng vì lòng người mà buồn lây với thi sĩ: “Khẳng khiu trơ mấy cội bàng/ Liêu xiêu lều quán níu giằng bến xưa”. Gốc bàng, quán cóc vốn là những hình ảnh bình dị, quen thuộc nơi bến sông. Không có gì mới lạ. Nhưng điều đáng nói ở đây với những tính từ “khẳng khiu”, “liêu xiêu” để miêu tả cảnh vật nhưng lại lột tả đúng tâm trạng của con người. Không phải là cây bàng mùa xuân căng đầy sức sống, đâm chồi nảy lộc, xanh mướt lá. Cũng không phải là quán đợi ven sông tấp nập người ra vào. Các tính từ láy được tác giả sử dụng trong cặp thơ lục bát càng làm tăng thêm ý nghĩa biểu đạt với mục đích nhấn mạnh. Đúng như nhà thơ Nguyễn Du từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Cuộc sống xô bồ hối hả, những người con xa quê vẫn luôn mong ngóng trở về quê hương để tìm lại sự bình yên, nương náu trong tâm hồn. Mỗi người ra đi vì một lý do khác nhau. Những người lính xa quê vì nghĩa vụ tòng quân, lên đường ra mặt trận, lớp lớp nam nữ thanh niên trong làng rời quê để học tập và làm ăn, gây dựng sự nghiệp nơi đất khách. Nhưng dẫu là ai, khi đi xa sẽ luôn mang cho mình một hành trang đằm sâu nỗi nhớ được cất giấu nơi sâu thẳm trái tim. Bởi thế mà trước sự đổi thay dẫu có theo chiều hướng tích cực thì trước bến sông quê tác giả vẫn có sự trào dâng nỗi niềm chơi vơi, thảng thốt khi sắp phải rời xa những điều thân thuộc vốn chứa đựng những bí mật, những yêu thương hẹn thề mà những chuyến đò xưa đã thầm lặng cất giữ. Ta nghẹn ngào khi nghe tiếng gọi “đò ơi” được cất lên từ nơi ký ức vọng về. “Đời ta phiêu bạt góc trời/ Vẫn nghe thảng thốt đò ơi… nao lòng”.

Bài thơ với 4 khổ thơ gọn gàng cùng những hình ảnh, ngôn từ bình dị, thể thơ lục bát dễ cảm, dễ nhớ, âm điệu, nhịp thơ mượt mà đã thể hiện sự hoài cảm, nỗi niềm khắc khoải của tác giả, mang đến cho bạn đọc bức tranh quê trước sự đổi thay của thời thế. Bến sông quê tưởng như bình lặng, êm ả mà luôn chảy tràn trong tâm trí như một điều đẹp đẽ nuôi nấng tâm hồn an lành của mỗi người. 

VŨ THỊ THANH HÒA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khắc khoải đò xưa