Giờ đây hắn chênh chao với sóng. Hắn chồm lên, bẫng xuống trong khi tay vẫn giữ chặt sợi dây câu. Hắn bé xíu như hạt tiêu nhấp nhô giữa lòng đại dương hùng vĩ.
1. Những chu kỳ như lập trình diễn ra vừa háo hức, vừa chán chường. Có lúc tưởng như đóng băng. Ba mươi ngày lênh đênh sóng gió. Mười ngày đặt chân lên đất liền. Ngày đầu dành cho bộ não sự thảnh thơi. Hắn tự nhủ: “Ngủ đi mày! Một tháng ròng rã mày đã điều hành tao cực tốt”. Chao ôi! Giấc ngủ lắc lư trên biển, phần vô thức của não bộ không kịp diễn ra bất cứ điều gì dẫu trải qua ngồn ngộn sự kiện. Hắn được một ngày no ngủ. Thây kệ mộng mị. Mồ hôi dầm dề. Hắn đang chăm chú câu mực, bỗng đâu một con tàu sừng sững như quả núi sấn tới. Thoáng chốc, con tàu há mồm đen ngòm nuốt chửng hắn. Hắn gào lên vô vọng. Những cơn ác mộng về “tàu lạ” thành nỗi ám ảnh chung cho chín con người chuyên nghề câu cá ngừ đại dương.
Lập trình một tháng ở ngư trường Hoàng Sa = 1 chiếc thúng trét to tướng được thả xuống biển với bộ đồ câu mực + hắn. Bắt đầu từ lúc 18 giờ. 21 giờ thuyền đến vớt hắn. 21 giờ 15, chín con người liền tay gắn mồi mực vào hàng trăm lưỡi câu thả xuống biển như điệu múa. Thuyền chạy tốc độ chầm chậm. 7 giờ kéo câu, bắt cá. 15 giờ ngủ cho đến 18 giờ. Hắn và 8 người với 9 cái thúng trét cứ thế, cứ thế ngày này sang ngày khác.
Những cái thúng trét đen kịt, tròn trĩnh lần lượt rời thuyền như những quả trứng do con thuyền mẹ dứt ruột sinh ra trôi bập bềnh, bập bềnh. Tài công dong thuyền chạy về hướng nam, buông neo, đón đầu. Chủ thuyền khật khưỡng với chai rượu Redlabel. Người canh chừng 9 chiếc thúng câu mực ngồi trước cabin thi thoảng hớp ngụm cà phê đặc quánh. Chín sinh mạng nhấp nhô ký thác vào ý thức, trách nhiệm của gã. Gã lơ đãng chừng mươi phút là có thể một chiếc thúng rời khỏi đội hình, trôi dạt hoặc bị “tàu lạ” đâm chìm. Chín chiếc thúng trét, 9 ngọn đèn điện giữa trùng dương bao la, huyền bí như 9 ngọn đèn bổn mạng treo cột buồm.
Năm 12 tuổi, hắn đã nhảy thuyền, theo cha câu mực ngoài khơi. Những ngày đầu hắn nôn thốc nôn tháo, nằm im một chỗ. Nằm trên thuyền là bán thân cho sóng dập dềnh. Sóng gió thử thách lòng can đảm dân chài và cấp giấy chứng nhận bản lĩnh. Sự sống và tình yêu biển đã vực hắn dậy thành tay câu mực siêu hạng. Mùa hè, hắn không còn là cậu học trò hát đồng dao dưới gốc phượng già ngập ngụa xác hoa màu lửa với chúng bạn. Những đêm câu mực, những ban mai thuyền cập bến, đi lưới bốc, hắn có tài khoản kha khá gửi "ngân hàng" lợn đất để giúp mẹ trang trải việc học. Mười tám tuổi, hắn thi trượt đại học rồi yêu một cô gái con nhà giàu ở vùng nông nghiệp.
Giờ đây hắn chênh chao với sóng. Hắn chồm lên, bẫng xuống trong khi tay vẫn giữ chặt sợi dây câu. Hắn bé xíu như hạt tiêu nhấp nhô giữa lòng đại dương hùng vĩ. Phía trên đầu sao trời im lặng. Xung quanh, màu nhọ nồi bủa vây. Phía dưới là nước trong văn vắt, nhìn thấy cả những con cá ngừ giương mắt, quần đảo. Có lẽ điểm sáng lạ phát ra từ chiếc thúng trét thu hút chúng chứ không hẳn vì đàn mực đang say đèn. Hắn chợt nghĩ lấy mồi câu cá, lấy danh câu người. Còn em thì lấy người câu một chữ tình đáng yêu. Lần nào gặp em cũng một điệp khúc không đổi: “Anh đừng đi câu cá ngừ nữa, nguy hiểm lắm!”, giống như: “Bánh mì bơ ba ngàn một ổ”, nghe lâu chán phèo. Ờ thì cô ấy thương mình, lo cho mình. Sao không hiểu đàn ông con trai làng chài là phải sống chết với biển. Sao em không chịu hiểu sống nhờ vào gia đình phía vợ là đớn hèn đối với một người như anh?
Một con tàu như khách sạn 5 sao đang lừ lừ tiến về phía hắn. Hắn kéo vội dây câu chuẩn bị đối phó. So với con tàu, cái thúng trét và hắn chỉ là hạt đậu nhỏ nhoi. Người lái tàu lơ đễnh một chút là hắn bị tàu đâm, rơi tõm xuống biển chết toi trong âm thầm tuyệt vọng. Rất may, con tàu chệch hướng. Thúng trét bị hất tung lên theo vồng nước bên mạn thuyền rồi ném xuống. Hắn nghe ruột gan lộn ngược!
2. Gã thuyền trưởng chong mắt xuống biển, rồi nhảy cẫng reo hò mỗi khi thấy cá ngừ đại dương dính câu: “Con thứ bảy rồi! Con thứ tám… Con cá này chắc năm chục ký lô là ít! Con thứ chín!”. Gã không phải dân gốc biển nhưng biết khai thác tiềm năng của biển, của lực lượng lao động trẻ rẻ mạt. Hắn chúa ghét gã thuyền trưởng vì sự hám lợi: “Ông có im đi không? Coi chừng tàu lạ giùm tôi”. Gã thuyền trưởng không ưa chi cái tính bộc trực của hắn, vẫn cứ “xuống nước” như thường, vì hắn là thần tài của gã. Gã kiếm đâu ra một thanh niên lanh lợi, tháo vát và dạn dĩ như hắn: “Thằng Tùng, mày yên tâm đi, giờ này làm gì có tàu lạ”.
Những con cá ngừ múp rụp, tươi rói giãy đành đạch trên thuyền trông sướng mắt vô cùng! Gã thuyền trưởng đưa ra chỉ tiêu mỗi mẻ lưới trong ngày thu 7 con cá ngừ là lãi khủng. Trước khi đi Hoàng Sa, thuyền trưởng và các ngư phủ đã có buổi tập huấn kỹ thuật, kỹ năng câu và bảo quản cá ngừ đạt chuẩn do chuyên gia Nhật Bản truyền đạt. Họ chuyển giao công nghệ bảo quản cá ngừ cho ngư dân và còn tự nguyện làm khách hàng lâu dài cho loại đặc sản có một không hai này. Ngài chuyên gia sõi tiếng Việt: “Các bạn Việt Nam đánh bắt cá ngừ giỏi hơn ngư dân chúng tôi. Rất tiếc là chất lượng cá ngừ của các bạn rất thấp”. Gã thuyền trưởng tỏ ra nhanh nhạy trong việc tiếp cận cái mới. Gã trang bị ngay dàn lạnh bảo quản cá ngừ. Gã không cho ngư phủ dùng cây đập vào đầu cá ngừ trước khi kéo lên thuyền nên những con cá ngừ đánh bắt được còn tươi mướt mát.
Mọi người đang cật lực kéo câu, bắt cá, gã thuyền trưởng luôn miệng hô: “Very good!”. Gã tài công chợt thét lên: “Mẹ kiếp! Very good con khỉ! Tàu lạ đang xông tới kia kìa! Quân ăn cướp đốn mạt!”. Không hẹn, mọi người buông dây kéo câu, dớn dác. Hắn chỉ tay về hướng bắc, nơi con tàu màu trắng hếu như xương người, như mang đầu lâu người lao tới với tốc độ kinh hồn. Gã thuyền trưởng không còn kịp chửi bới. Gã gào lên như cháy nhà: “Thằng Thẩm tăng hết công suất chạy mau!!!”. Những lời nguyền rủa, những ánh mắt căm giận, những cái nắm đấm thu hết gân cốt của mười một con người. Gã thuyền trưởng dẫu rất tiếc thành quả của mẻ lưới thu về không trọn vẹn, vẫn hối thúc tài công điều khiển con thuyền lánh nạn. Gã đầu tư khối tài sản khổng lồ, luôn đối mặt với hiểm họa, rủi ro. Mỗi năm thuyền của gã hàng chục lần bị tàu lạ rượt đuổi, bao vây, hành hung. Có lần thuyền suýt đắm ở Hoàng Sa. Ấy thế, gã và mười thợ bạn chưa bao giờ ngã lòng, buông xuôi. Đêm đêm trong giấc ngủ chập chờn, gã mơ thấy ông cha áo bào, tay giáo, tay gươm đứng hiên ngang trên những con thuyền án ngữ Biển Đông. Hình ảnh Hưng Đạo vương và các tướng sĩ trong những trang sách quốc sử bật dậy, mắt sáng quắc, vung gươm chống giặc phương Bắc xâm lăng. Gã lại mơ thấy những con thủy quái dữ tợn, nanh ác, há miệng đỏ lòm, răng nanh tua tủa bủa vây ngư dân trên biển. Thoáng chốc, chúng biến thành hình người trên các con tàu trắng muốt lao tới. Gã giật mình thức giấc, nghe mồ hôi túa ra dầm dề.
Sóng gió qua đi. Chín chiếc thúng như chín quả trứng lại rời lòng thuyền mẹ, lại lắc lư trên sóng nước trùng khơi như chín chấm sáng huyền hoặc. Hoàng Sa là máu thịt của chúng tao. Chúng bay là hải khấu. Lũ bay chiếm lãnh hải nhà người, còn mạo xưng lưỡi bò, lưỡi chó đáng nguyền rủa! Chín người trên chín chiếc thúng cùng chung sự căm giận, cùng nung nấu ý chí quật cường của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”.
3. Mỗi ngày ngư dân trên thuyền chỉ vỏn vẹn ba tiếng đồng hồ để ăn và ngủ. Nhiều lúc họ đang ngồi ăn, sóng chan nước biển vào chén cơm mặn chát. Cả ngày quần áo của chín con người sũng nước vì sóng tạt. Sau bữa cơm ngày nào cũng cá kho, mực luộc chán ngấy, mọi người lăn ra ngủ. Hắn tranh thủ thời khắc hiếm hoi để nhắn tin cho người tình: “Anh vừa xong công việc, nhớ em quá!”. Tin từ đất liền đáp xuống: “Anh ơi! Hãy về đi! Tìm cái nghề khác cho an toàn!”. Hắn không còn hứng thú nhắn tin, tắt nguồn. Một tiếng thở dài não nuột. Hắn đang cần một giấc ngủ thật đẫy để tái tạo năng lượng cho cuộc hành trình đánh cá dài ngày. Mọi người ngáy đủ kiểu. Đôi mắt hắn vẫn thao láo nhìn lên trần cabin con thuyền. Nỗi buồn thành hình, thành khối xâm chiếm tâm hồn. Hắn mong chờ sự chia sẻ với hoàn cảnh khắc nghiệt thực tại. Người yêu của hắn thay vì những lời thăm hỏi, động viên ân cần là cái tạt nước lạnh vào hắn, nghĩ có buồn không?
Hắn vỗ về giấc ngủ. Thằng An nằm bên cạnh miệng ú ớ, chân tay khua động như muốn bật dậy, lại bị áp lực nào đó giữ lại trông khổ sở. Hắn véo vào bụng bạn. An á lên một tiếng, choàng dậy. Hắn cười khì. "Ông mơ thấy gì mà giãy giụa ghê vậy? Chắc là gặp tàu lạ?”. Người bạn thở hồng hộc xác nhận thay lời. Ai hành nghề trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa mà thoát khỏi ám ảnh của tàu lạ. Tàu lạ, những kẻ thủ ác không hề xa lạ. Giấc mộng bành trướng bá quyền khiến họ bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý láng giềng. Giá như người yêu của hắn cũng xót xa, căm giận khi Tổ quốc mình bị xâm hại, cô ấy sẽ không phản đối sự có mặt của hắn trong lòng mẹ Biển Đông.
Mới hôm qua, thằng bạn đi câu cá ngừ đại dương cùng đợt với hắn nhắn tin, một người bạn câu đột quỵ trong lúc hành nghề, cả thuyền rơi nước mắt, đành ướp xác kẻ xấu số bằng đá lạnh và không dám báo tin sớm về cho người nhà ở đất liền. Đã là ngư dân phải đối mặt với gian nan, nguy hiểm rình rập từng giờ, từng phút. Sinh ra từ biển đâu thể khác được. Người xưa, với thuyền buồm mong manh còn thường trực ở Hoàng Sa, Trường Sa để thu lượm sản vật và bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Người ra khơi chấp nhận không hẹn ngày trở lại.
Hắn chợp mắt. Những suy tư rơi rớt, tản mát trong con thuyền, trong lòng đại dương bất tận.
4. Trên đường về. Con thuyền chồm lên, hạ xuống hồ hởi nhắm hướng đất liền ào ạt lướt nhanh. Biển mênh mông, tình đất liền cũng mênh mông như biển. Hết thảy mười một con người lòng nở hoa sau một tháng xa nhà. Gian nan bỏ lại phía sau lưng. Chưa bao giờ dân câu cá ngừ đại dương cảm xúc nhiều như thế. Ba mươi ngày quật lộn với sóng gió, đối phó với tàu lạ rồi cũng có lúc trở về nơi xuất phát.
Gã thuyền trưởng lấy chai “ông già chống gậy” rót ra ly “chạy vận”. Loại rượu có mùi khê khê, nồng độ cực mạnh. Gã nốc cạn ly đầu tiên rồi chuyền tay nhau cho thợ bạn câu. Những tiếng chuýt! choát! khà! nghe thiệt đã. Đối với dân biển, rượu và thuốc lá là nhu cầu không thể thiếu. Đêm sâu. Gió lạnh cắt da. Ly rượu sưởi ấm lòng ngư phủ. Canh khuya, điếu thuốc lá chống chọi cơn buồn ngủ líu ríu và đã cơn thèm chất nicotin. Gã thuyền trưởng chỉ cung cấp thuốc lá cho dân câu cá ngừ. Gã thừa hiểu cho dân câu uống rượu đồng nghĩa với phá sản giờ giấc và nguy hiểm. Ngày bội thu đặc sản trở về, gã cho anh em thoải mái tí chút cũng không hề gì. Rượu vào lời ra. Gã ban thưởng cho hắn bằng những lời có cánh: “Ai cũng giỏi giang như thằng Tùng thì hay biết mấy! Em giúp anh tận tình, anh không quên ơn đâu. Chớ nên nghe lời con bồ mà bỏ nghề câu cá ngừ đó nghe. Để nay mai anh làm mai cho em đám này xinh lắm! Cô bé đẹp gái, thùy mị, kinh doanh giỏi. Em là dân biển lấy vợ ở đồng sao tiện?”. Hắn ngửa cổ, dốc ngược ly rượu không rơi ra ngoài một giọt, xua tay: “Ông đừng xen vào chuyện riêng tư của tôi. Tôi có cách thuyết phục người yêu tôi để tiếp tục đi câu cá ngừ. Ông làm thuyền trưởng mà phân biệt đối xử với chúng tôi quá xá. Ông uống rượu ngoại, hút thuốc lá loại đắt tiền rồi ngủ thẳng cẳng. Khi nào thức thì luôn miệng hối thúc điều này, chuyện nọ giống như đại gia…”. Gã thuyền trưởng cười cầu toàn: “Thôi, thôi, anh xin chú! Về nhà, anh sẽ bồi dưỡng thêm”. Mọi người đồng loạt hưởng ứng: “Anh hứa rồi nhé, nhớ giữ lấy lời!”. Có lẽ men rượu khiến gã thuyền trưởng thảo thơm và hoạt bát hơn lúc bình thường.
Con thuyền chao mình. Mười con người (trừ tài công) cũng chao mình. Niềm vui lớn nhất của dân câu cá ngừ là đánh bắt bội thu và quay thuyền trở về đất liền. Họ chao mình vì “quất” hết mấy chai rượu mạnh. Họ hát say sưa mỗi người một kiểu, giọng nhão nhoét. Xoong, chảo kêu vang. Nếu tính trên thế giới này nơi nào có nhiều người đam mê ca hát nhất, hãy đề cử Việt Nam. Người Việt Nam mê đắm ca hát. Nhà nhà hát nhạc sống, xóm xóm hát nhạc sống, thôn thôn hát nhạc sống. Đám cưới cũng hát, cúng nhà ba năm cũng hát, đám giỗ cũng hát, không có chuyện gì vui cũng hát. Ca sĩ nhiều vô kể. Đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Nhạc vàng, nhạc đỏ có cả. Thế là từ làng quê đến thành thị inh ỏi cả lên.
5. Hắn được một ngày no ngủ. Nằm trên giường ở nhà, hắn vẫn còn có cảm giác chênh chao theo quán tính. Mùi hoa ngọc lan chợt ùa vào căn phòng thoang thoảng, quyến rũ. Hắn lắng nghe bước chân nhè nhẹ rất quen thuộc và tiếng cười khúc khích của cô em gái từ bên ngoài vọng vào: “Chị Hoa đến thăm anh Tùng đấy mẹ ạ! Hôm nay chị trang điểm đẹp quá chừng!”.
Truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG