Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri

06/12/2010 05:37

Sau Kỳ họp thứ 17 và đến trước Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa XIV, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh giải quyết. Sau đây là kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị đáng quan tâm:


Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà gồm 6 phòng chức năng, 9 phòng học và các công trình phụ trợ, tổng kinh phí 6 tỷ đồng do nguồn vốn của địa phương và một phần kinh phí của Nhà nước. Ảnh: Thành Chung

Về đề nghị tỉnh sớm triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới và đưa các dự án phát triển nông nghiệp về các xã khó khăn: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16 - 4 - 2009 về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, ngày 28 - 10 - 2009, Tỉnh uỷ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2010 - 2012. BCĐ tỉnh đã triển khai các công việc khảo sát đánh giá hiện trạng nông thôn trình Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; lập kế hoạch tập huấn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; cấp kinh phí cho 58 xã để xây dựng khu xử lý, chôn lấp rác thải. Hiện nay, BCĐ tỉnh đang hoàn tất các văn bản kế hoạch, kiện toàn BCĐ theo hướng nhập BCĐ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và BCĐ xây dựng nông thôn mới trình UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.

Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: dự án kiên cố hoá kênh mương, xây dựng mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao, đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng để đạt hiệu quả kinh tế cao giai đoạn 2006 - 2010, đề án phát triển chăn nuôi - thuỷ sản theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường giai đoạn 2006 - 2010, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng trụ sở xã khó khăn… Những chương trình này đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài những dự án trên, tỉnh còn triển khai nhiều dự án hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2011 - 2015, căn cứ vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung triển khai các đề án trên 3 lĩnh vực chính là: chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao; phát triển chăn nuôi thuỷ sản tập trung và xây dựng nông thôn mới.

Về đề nghị tỉnh tiếp tục và nâng mức hỗ trợ giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp: Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện chủ trương hỗ trợ một số mục tiêu nông nghiệp, nông thôn như: đường giao thông, kênh mương, trường học, trạm y tế... Những chương trình này đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Kết quả từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 3.181 km đường nhựa, bê-tông xi-măng với số kinh phí tỉnh hỗ trợ theo Đề án phát triển giao thông nông thôn (mức 20%) là 175,4 tỷ đồng; Chương trình kiên cố hóa kênh mương đã thực hiện được 195,6 km kênh cấp I với kinh phí Nhà nước đầu tư là 127,4 tỷ đồng (hỗ trợ 100% giá trị công trình), đối với kênh cấp III đã thực hiện được 629 km kênh với tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ là 126,8 tỷ đồng (hỗ trợ tương ứng 50% giá trị công trình). Những công trình này đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều xã đang triển khai xây dựng đường giao thông liên xã, liên thôn, đường nội đồng, kiên cố hoá kênh mương. Những xã, thôn, khu dân cư đến nay mới tổ chức huy động đóng góp và bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu nông nghiệp, nông thôn đều thuộc diện rất khó khăn cần được tiếp tục quan tâm hỗ trợ .Trong thời gian tới căn cứ khả năng ngân sách, UBND tỉnh sẽ  tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho các mục tiêu nông nghiệp, nông thôn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.

Về đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc xã khó khăn: Chủ trương hỗ trợ các xã xây dựng trụ sở làm việc của Đảng uỷ, HĐND, UBND là rất cần thiết; đặc biệt đối với những xã trụ sở đã quá xuống cấp. Trong những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 90 xã xây dựng trụ sở làm việc mới; trong đó có 10 xã thuộc diện không có trụ sở đã được đầu tư kinh phí xây dựng trụ sở, đã xoá xã không có trụ sở làm việc. Đây là sự cố gắng lớn của tỉnh, góp phần tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước và thực hiện cải cách hành chính đối với chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, hiện tại còn nhiều xã do ngân sách khó khăn và do tập trung ưu tiên xây dựng các công trình trường học, trạm xá, giao thông... nên chưa xây dựng, nâng cấp được trụ sở làm việc. Trong thời gian tới, căn cứ khả năng ngân sách, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để các xã xây dựng trụ sở làm việc bảo đảm yêu cầu.   

Về đề nghị tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi đất đối với các dự án thuê không sử dụng hết hoặc thuê đất đã lâu chưa sử dụng: Ngày 20 - 7 - 2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1291/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg ngày 20 - 1 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Ngày 26 - 8 - 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Theo Kế hoạch kiểm tra số 1291/KH-UBND ngày 20 - 7 - 2010, UBND tỉnh đã giao cho Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các ngành có liên quan kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, thời gian kiểm tra từ tháng 7 - 2010 đến tháng 9 - 2011, chia làm 4 đợt. Hiện nay đã kiểm tra xong đợt 1 và đang tổng hợp kết quả. Sau khi có báo cáo kết quả kiểm tra và kiến nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức sử dụng đất vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Về việc cử tri xã An Lạc (Chí Linh) phản ánh Công ty TNHH Nhôm Đông Á gây ô nhiễm môi trường: Trong giai đoạn hoàn thiện và đưa Nhà máy Sản xuất nhôm định hình của Công ty TNHH Nhôm Đông Á vào vận hành thử để hiệu chỉnh hoàn thiện đã có ý kiến phản ánh của nhân dân các xã An Lạc và Tân Dân (Chí Linh) về vấn đề ảnh hưởng tới môi trường do hoạt động sản xuất nhôm của công ty gây ra. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã thành lập đoàn kiểm tra. Qua kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra về việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Nhôm Đông Á còn một số hạn chế phải xử lý như: Việc quản lý, vận hành hệ thống xử lý khai thác nước ngầm của công ty không bảo đảm, dẫn đến để nguồn nước thải thau rửa tràn ra khu trồng lúa xung quanh, là một trong các nguyên nhân làm cho lúa ở đây chậm phát triển và bị chết. Hệ thống xử lý nước thải sản xuất vận hành không liên tục và chưa bảo đảm quy trình nên có lúc xả nước thải không đạt quy chuẩn môi trường cho phép ra kênh T6. Các biện pháp khống chế, xử lý khí thải tại các khu vực tẩy mạ, điện hóa, sấy khuôn... chưa bảo đảm hiệu quả xử lý còn để phát sinh mùi khó chịu ra môi trường xung quanh; hoạt động gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng vào khu dân cư; công tác quản lý, xử lý chất thải nguy hại chưa đúng quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 284/STNMT ngày 5-7-2010 về việc “trả lời kiến nghị về môi trường” của nhân dân gửi UBND thị xã Chí Linh, UBND xã Tân Dân và trả lời nhân dân; đồng thời đã giao Thanh tra Sở xử lý nghiêm các vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Nhôm Đông Á theo các nội dung còn tồn tại nêu trên. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Nhôm Đông Á (do mức phạt vượt khung xử phạt của Thanh tra Sở). Tổng số tiền phạt là 112 triệu đồng, công ty đã chấp hành. Hiện tại, Công ty TNHH Nhôm Đông Á đang tiếp tục khắc phục các tồn tại theo kết luận của kiểm tra, thanh tra. UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT tiếp tục phối hợp cùng UBND thị xã Chí Linh tăng cường kiểm tra theo dõi và kiên quyết xử lý.

Về đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đặc biệt ở bậc học mầm non: Trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tích, kết quả giáo dục toàn diện, thi đỗ vào đại học và học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hằng năm luôn ở thứ hạng cao so với toàn quốc. Có được những thành tích đó cùng với sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò có phần đóng góp quan trọng của cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân đã đầu tư phát triển giáo dục. Chi ngân sách cho sự nghiệp giáo dục hằng năm luôn chiếm tỷ lệ  33%-34%  tổng chi ngân sách địa phương. Trong các năm 2008-2010 kết hợp với việc thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học, toàn tỉnh đã xây dựng thêm được 1.420 phòng học kiên cố với tổng mức đầu tư là 593,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 225,3 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 368,1 tỷ đồng. Trong đó, có 1.280 phòng học được thay thế theo Đề án 20 giai đoạn 2008-2010. Số phòng học ở bậc học mầm non được thay thế theo Đề án là 823 phòng (chiếm tỷ lệ 64,3%). Hiện nay, các trường tiểu học, THCS, THPT đều có thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu quy định. Các trường mầm non thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới  được đầu tư thiết bị, đồ chơi ngoài trời. Tuy nhiên, tỉnh ta vẫn còn 1.874 phòng học cần được kiên cố hoá, 60% số trường thiếu phòng học bộ môn, 98% số trường chưa có nhà đa năng, trên 50% số trường còn thiếu diện tích đất so với tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó khó khăn nhất là các trường mầm non. Trong những năm tiếp theo, tỉnh ta tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Đề án kiên cố hoá trường, lớp học sẽ cơ bản thay thế các phòng học bán kiên cố đã xuống cấp ở tất cả các cấp, bậc học, đặc biệt là bậc học mầm non bằng nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách cấp trên và ngân sách địa phương. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh phát triển các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Về chế độ đối với giáo viên mầm non, tỉnh hỗ trợ lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế ở các trường mầm non bán công  với mức hỗ trợ bằng 75% mức lương khởi điểm theo trình độ đào tạo, là mức hỗ trợ cao so với toàn quốc. Giáo viên mầm non đi học nâng chuẩn được hỗ trợ 10 nghìn đồng/ngày/người. Ngoài việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí là nguồn kinh phí đáng kể để trả lương cho giáo viên và bảo đảm các hoạt động ở các cơ sở giáo dục mầm non. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên phải nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, thu hút học sinh đến lớp, thực hiện làm thêm giờ khi sản xuất cần nhiều thời gian của cha mẹ học sinh, trên cơ sở đó thoả thuận với cha mẹ học sinh để tăng thu nhập cho giáo viên.

VŨ ÚY(tổng hợp)

(0) Bình luận
Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri