Việc xây dựng các điểm bán nông sản an toàn theo hướng liên kết chuỗi đang được Sở Công thương gấp rút triển khai nhằm khắc phục sự phát triển tự phát...
Mô hình điểm bán nông sản, thực phẩm an toàn của Sở Công thương sẽ kết nối nhà sản xuất với nhà kinh doanh để cung cấp nông sản an toàn đến người tiêu dùng
Sản xuất và tiêu thụ còn vênh
Chị Lê Thị Lan, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch 688 trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) thường phải đi gom rau từ các cơ sở trồng rau sạch ở tận Vĩnh Phúc, Hà Nội để bán cho khách hàng. “Trong tỉnh gần đây xuất hiện nhiều mô hình trồng rau an toàn nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu do số lượng bấp bênh, chủng loại nghèo nàn, chủ yếu là rau muống, cải, mướp, bí… Một số loại rau khác rất khó kiếm nơi cung cấp trong tỉnh như: salad tím, bí ngòi, cải đùi gà, cải bó xôi. Vì vậy, chúng tôi thường phải đi xa để mua thêm các loại rau quả khác về bán”, chị Lan cho biết.
Trong khi người kinh doanh mất nhiều công sức để tìm nhập nông sản sạch ở các địa phương khác, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh lại lúng túng tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Phùng Thanh Mừng, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức (Gia Lộc) cho biết: "Trồng rau sạch hay rau an toàn tốn công sức gấp nhiều lần so với trồng theo quy trình canh tác thông thường nên chúng tôi mới chỉ cung cấp được một lượng nhỏ cho hệ thống siêu thị Big C, chưa tiếp cận được các cửa hàng bán rau sạch ở TP Hải Dương. Phần lớn rau an toàn đem đi bán ngoài chợ với giá không hơn các loại rau canh tác theo quy trình thông thường, thậm chí còn khó bán hơn".
Thời gian qua, Hải Dương đặc biệt quan tâm đến việc phát triển các mô hình trồng rau sạch, rau an toàn có liên kết. Song thực tế sự liên kết này còn lỏng lẻo, thiếu bền vững. Số lượng các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch phát triển nhanh nhưng phần lớn tự phát, thiếu kiểm soát. Các cơ sở gần như chưa hợp tác bền chặt với người sản xuất. Nhà sản xuất thì lơ mơ, không kịp thời nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng trong khi các cửa hàng phải mất công và chi phí để mua nông sản, thực phẩm từ nơi khác. Trước đây, TP Hải Dương đã giúp HTX Thượng Đạt và An Châu liên kết cung ứng cà chua, bí xanh cho hệ thống siêu thị nhưng sau một thời gian chuỗi liên kết này đứt hẳn do lượng cà chua, bí xanh siêu thị nhập không nhiều trong khi các HTX lại cung ứng bấp bênh. Sự liên kết nửa vời làm cho các điểm kinh doanh thực phẩm sạch rất khó sống.
"3 nhà" liên kết
Xây dựng điểm bán nông sản, thực phẩm an toàn trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa “3nhà”, gồm nhà sản xuất, nhà kinh doanh và Nhà nước là hướng đi được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay. Theo bà Vũ Thị Lan ở phố Mạc Thị Bưởi, mô hình này sẽ hiệu quả hơn nhiều so với cách làm manh mún, thiếu khoa học hiện nay. Người tiêu dùng sẽ tin tưởng khi mua rau sạch ở các cửa hàng có sự giám sát, quản lý chặt của các cơ quan chức năng hơn là phải mua ở các cửa hàng không được giám sát, kiểm định chất lượng thường xuyên.
Sở Công thương sẽ xây dựng mô hình các cửa hàng có liên kết chặt chẽ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Nông sản thường xuyên được các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát, kiểm định chất lượng trước khi được đưa vào bán ở các cửa hàng. Đặc biệt, các điểm bán do sở hướng dẫn thành lập cũng sẽ được hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc.
Năm nay, nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc mà vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ mạnh và người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số sản phẩm khác như cá giòn (Nam Sách), Thanh Long (Kinh Môn) cũng đã bắt đầu áp dụng cách làm này. Đây là một trong những điểm mới giúp xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn bền vững. Ngoài ra, Sở Công thương còn hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng thiết kế logo nhận diện sản phẩm.
Dự kiến từ nay đến cuối năm, Sở Công thương sẽ triển khai xây dựng 10 điểm bán nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn TP Hải Dương, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh. Những điểm này sẽ được Sở Công thương giới thiệu trên bản đồ trực tuyến phân phối hàng Việt. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng nông sản, thực phẩm ở các điểm bán để bảo đảm uy tín, thương hiệu cho các cửa hàng kinh doanh chân chính.
Xây dựng điểm bán nông sản, thực phẩm đã được triển khai và thực hiện khá hiệu quả tại Hà Nội, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng. Song để xây dựng được mô hình này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là các Sở: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mỗi thành viên trong chuỗi cung ứng cần làm tốt nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng các chuỗi liên kết bị đứt chỉ sau một thời gian ngắn xây dựng.
HẢI MINH