Tối thứ bảy rảnh nên tôi sang nhà anh trai chơi. Đến cổng, tôi đã nghe tiếng chị Mai, chị dâu quát con ầm ầm.
Anh trai tôi mở cổng rồi bảo tôi vào đợi chị, anh phải đi trực ca đêm. Biết tôi sang chơi, chị Mai nói vọng từ trong phòng của bé My ra:
- Cô ngồi chơi, đợi chị một tí. Chị hướng dẫn con My xong bài toán này sẽ ra ngay!
Rồi tiếng chị cứ sa sả vang lên:
- Phải lấy chiều dài trừ đi hiệu mới ra được chiều rộng. Chiều dài là mấy? Hiệu là mấy? Ôi giời ơi là dốt, có thế cũng không biết à? Mẹ đến phát điên lên vì mày thôi con ạ! Đây, chiều dài đấy, hiệu đấy, trừ đi! Được chưa? Giờ tính diện tích mảnh đất đi. Lấy chiều dài nhân với chiều rộng. Đấy, có thế thôi mà không làm được. Ơ, nhân kiểu gì mà ra kết quả đấy hả con? Nó phải bằng từng này chứ! Nhìn xem…
- Đấy, cô xem, tối nào cũng phải kèm con học đến rát cả cổ cô ạ! Khổ không chịu nổi - chị Mai đi ra ngồi xuống ghế và phân bua với tôi.
Tôi cười, bảo:
- Tại chị kèm con kỹ quá đấy thôi! Mà thứ bảy, chủ nhật chị cũng phải cho con nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí chứ!
- Học suốt ngày đêm còn chả ăn ai, giờ cô bảo cho nó vui chơi, giải trí để mà dốt mãi à? - chị Mai giãy nảy lên.
Thật ra, chuyện kèm con học kiểu chị dâu, tôi đã chứng kiến ở rất nhiều gia đình. Vẫn biết cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, kỳ vọng ở con nên đã dành thời gian kèm con học bài khi ở nhà là đúng. Chính bản thân tôi cũng thường làm vậy. Nhưng kèm thế nào lại là vấn đề cần bàn đến. Nhiều cha mẹ cứ đến giờ tự học là quát tháo con ngồi vào bàn, rồi ngồi kè kè giám sát. Vậy mà kết quả học tập của con không được cải thiện, thậm chí còn bị thụt lùi.
Mặt khác, có những phụ huynh ưa thành tích, sợ con không được cô giáo khen nên đã sẵn sàng làm hộ bài cho con mà vô tình khiến trẻ lười biếng và ỷ lại. Tôi đã kể cho chị Mai nghe cách kèm con học của mình, đó là chỉ giúp nếu con cần. Con hỏi, tôi giải thích cho con những gì con không hiểu chứ không làm hộ, làm thay con. Bên cạnh đó, vào ngày nghỉ cuối tuần tôi cho con vui chơi thoải mái hoặc thưởng cho những cuốn truyện con yêu thích hay cùng bố mẹ chơi các trò vận động ngay ở nhà hoặc cả nhà cùng nhau nấu ăn... Mục đích kèm con học bài là mong muốn nâng cao năng suất và chất lượng học tập của con. Sau cùng tôi kết luận:
- Em nghĩ cha mẹ cần xây dựng thói quen tốt cho trẻ đó là tính tự giác, hứng thú học tập, tự tin vào khả năng của mình là quan trọng hơn cả chị ạ.
Nghe tôi nói đến đây, chị Mai chẹp miệng, bảo:
- Ai chả mong con tự giác học tập, nhưng bọn trẻ bây giờ ham xem ti vi, thích chơi game hơn học cô ạ! Không biết cu Minh nhà cô thế nào chứ con bé My tôi không kèm sát là nó bỏ bài ngay. Mà không bỏ thì nó cũng làm qua quýt cho xong, có khi chả đúng được bài nào ấy.
Tôi vui vẻ nói với chị:
- Lúc này mới cần sự phối hợp chặt chẽ với giáo viên đây chị. Cô giáo chỉ cần kiểm tra thường xuyên, nhắc nhở con nhẹ nhàng mà nghiêm túc là con sẽ thay đổi.
Chị Mai vẫn băn khoăn:
- Liệu có được không cô? Chị chỉ sợ…
- Chị đừng sợ, hãy “nới lỏng” sự kiểm soát của chị ra đi. Em tin bé My sẽ học tích cực hơn và tiến bộ. Chỉ sau một thời gian, bé My sẽ tự biết cách sắp xếp kế hoạch học tập hợp lý và rèn thói quen làm việc tập trung, nghiêm túc dù không có ai giám sát chị ạ!
Nghe tôi nói đến đây thì chị Mai có phần yên tâm hơn. Chị gật đầu bảo:
- Chị hiểu rồi! Đúng là việc xây dựng cho con ý thức tự giác và hứng thú học tập cần thiết hơn rất nhiều. Chị sẽ học cô, thay đổi cách kèm con tự học. Thấy cô nhàn nhã mà con vẫn học giỏi chị phục lắm!
TRẦN THÙY LINH