Hệt như một show truyền hình thực tế, phải đến phút cuối mới được kết quả, phen sóng gió mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tạo ra đã khiến thế giới đứng lên ngồi xuống.
Hơn một tuần trước, lời đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép của ông Trump hứng chịu một loạt chỉ trích, can ngăn cả trong và ngoài nước. Bẵng đi một vài ngày, người ta lại nghe thấy từ một cố vấn của ông Trump rằng Mỹ sẽ không miễn thuế cho bất kỳ quốc gia nào hết. Cách nói vừa dọa nạt vừa thăm dò thật sự có hiệu quả.
Chỉ vài giờ trước khi đặt bút ký quyết định áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới ngày 8.3 (giờ địa phương) theo mức 25% với thép và 10% với nhôm, Tổng thống Trump lấp lửng: sẽ miễn biểu thuế mới cho một vài nước, tùy thuộc vào thái độ!
Những gì mà ông viết trên Twitter, rằng nó sẽ chỉ được áp dụng cho "những người bạn thực sự của nước Mỹ, những người cư xử một cách công bằng với nước Mỹ trong cả thương mại và quân sự", quá chung chung.
Tất nhiên, Bộ Thương mại Mỹ đã chuẩn bị sẵn chi tiết các điều kiện để một quốc gia có thể tránh bị đánh thuế nặng khi xuất khẩu thép và nhôm vào Mỹ. Họ chỉ có 15 ngày để hoàn tất nốt những điều kiện ngặt nghèo đó.
Một số quốc gia như Canada và Mexico, lý ra có thể vui mừng vì tránh được mức thuế cao. Nhưng cách mà họ phản ứng đang cho thấy một mặt khác của câu chuyện vốn chỉ liên quan tới Bắc Mỹ: Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Vừa mừng vừa lo
"Ngày hôm nay là một bước tiến thật sự. Vẫn còn rất nhiều việc vất vả phải làm. Chúng tôi sẽ không ngừng các nỗ lực như vậy", hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nói ngay sau động thái mới từ Mỹ.
Tuyên bố đó phát ra từ cửa miệng của bà Freeland, người dẫn đầu chiến dịch vận động hành lang mạnh mẽ để Mỹ đưa Canada vào danh sách các nước miễn áp dụng biểu thuế mới.
Vài giờ trước đó, trên sóng đài phát thanh CBC, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tự tin tuyên bố mối quan hệ gần gũi giữa Mỹ và Canada sẽ bảo vệ nước này khỏi biểu thuế mới.
Vì vậy Canada và Mexico là hai quốc gia được miễn áp dụng biểu thuế nhập khẩu nhôm thép mới, là điều đã được dự báo từ trước.
Trong khi bà ngoại trưởng Canada một mực khẳng định hai chuyện vận động hành lang và đàm phán NAFTA hoàn toàn tách bạch nhau, Mexico lại đang phản ứng như thể quốc gia này bị ép vào danh sách.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo không lạc quan hay vui mừng trước động thái có vẻ "ưu ái" của Mỹ - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi sẽ không bao giờ để mình trở thành mục tiêu của bất kỳ trò gây áp lực nào. Không có gì phải lăn tăn với các cuộc đàm phán. NAFTA là hiệp định giữa ba nước. Khi ai đó muốn rời đi hay ở lại, đó không phải là Mexico", hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo của Mexico.
Tại sao Mexico lại phản ứng kiểu đó khi họ đang được hưởng quy chế mà ngay cả các đồng minh hiệp ước của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc mơ còn chưa thấy?
Câu trả lời có thể xuất phát từ chính quy chế miễn trừ đó. Tổng thống Trump tuyên bố ông có quyền bổ sung hay loại trừ bất kỳ quốc gia nào khỏi danh sách.
Với Canada và Mexico, nếu sau một thời gian các cuộc đàm phán thay đổi các thỏa thuận trong NAFTA theo hướng có lợi cho Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ, quy chế miễn trừ sẽ chấm dứt.
Mọi chuyện như vậy đã rõ.
Với Canada, quốc gia xuất khẩu thép số 1 vào Mỹ, miễn trừ 1 tháng cũng có ý nghĩa rất lớn. Nhưng với Mexico, miễn trừ bị xem là cách mà Mỹ gây sức ép lên tiến trình đàm phán NAFTA theo hướng có lợi cho Washington chứ không hẳn xuất phát từ việc cân nhắc lợi ích kinh tế thật sự của Mexico.
Châu Á dậy sóng
Các nền kinh tế lớn ở châu Á đã phản ứng mạnh mẽ trước động thái mới của chính quyền Trump.
Theo hãng tin Reuters, trong tuyên bố ngày 9.3, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ phản đối quyết định nêu trên của Mỹ, đồng thời cho biết sẽ đánh giá các thiệt hại và "kiên quyết bảo vệ những lợi ích và quyền lợi hợp pháp" của nước này. Bộ này cũng cảnh báo mức áp thuế mới sẽ "tác động nghiêm trọng tới trật tự thương mại quốc tế thông thường".
Các hiệp hội thép và kim loại của Trung Quốc cũng đã kêu gọi chính phủ nước này đưa ra các biện pháp đáp trả nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ như thép không gỉ, than đá, nông sản và đồ điện tử.
Bên trong một nhà máy thép ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng thép nhập khẩu vào Mỹ, song tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất thép của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - cung cấp tới 50% sản lượng thép toàn cầu - đã góp phần gây ra tình trạng dư cung trên toàn cầu khiến giá cả mặt hàng kim loại này giảm.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thương mại Hàn Quốc cho rằng mức áp thuế cao hơn đối với thép và nhôm sẽ khiến chi phí sản xuất của 2 hãng sản xuất ôtô Hyundai và KIA tăng, gây bất lợi cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trước các đối thủ từ Mỹ.
Quan chức trên còn cảnh báo việc Mỹ nâng mức áp thuế sẽ tác động tới tiến trình tái đàm phán thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn đang diễn ra. Chính phủ Hàn Quốc cũng để ngỏ khả năng đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Không ngạc nhiên khi Hàn Quốc cùng với Nhật Bản và Úc, ba quốc gia đồng minh hiệp ước của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang tìm kiếm sự miễn trừ. Các quốc gia này đã từng phản ứng rất dữ nhưng rốt cuộc cũng chấp nhận chia sẻ nhiều hơn chi phí cho các căn cứ quân sự Mỹ trên đất của họ.
Nước Úc đang tỏ ra khá lạc quan về khả năng được miễn trừ trong kế hoạch này của Mỹ.
Phát biểu họp báo tại Sydney, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bác khả năng các sản phẩm thép của nước này bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ. Úc chủ yếu xuất khẩu quặng sắt và chỉ xuất khẩu rất ít thép, và Mỹ không phải là bạn hàng lớn của quốc gia châu Đại Dương này.
Bên ngoài châu Á, quyết định của Mỹ ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối và đe dọa trả đũa từ nhiều nước và tổ chức trên thế giới như Brazil, Pháp, Anh và Liên minh châu Âu.
Mỹ hiện là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, với giá trị nhập khẩu nhiều gấp 4 lần xuất khẩu.
Trong bài phát biểu trước khi ký áp dụng biểu thuế nhập khẩu mới với nhôm và thép, Tổng thống Mỹ Donald Trump lập luận việc nhập siêu thép đang đe dọa tới an ninh quốc gia thật sự của nước Mỹ.
Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, năm 2017 quốc gia này nhập khẩu tổng cộng 48 tỷ USD các sản phẩm thép và nhôm, chiếm khoảng 2% tổng giá trị nhập khẩu. Trong số này, giá trị thép nhập khẩu chiếm tới 60%, tương đương 29 tỷ USD.