Kế hoạch thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa

03/08/2014 10:31

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.

Ngày 31-7-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành 4 Quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, có 4 nội dung, gồm: 1- Phát triển ngành công nghiệp điện tử; 2- Phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp; 3- Phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản; 4- Phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Phấn đấu trở thành quốc gia sản xuất lớn về thiết bị điện tử

Ảnh minh họa

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Theo đó, đến năm 2020 giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất cao nhất. Quyết định cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 xây dựng Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.

Để thực hiện được mục tiêu này, Quyết định đã đưa ra 6 vấn đề chiến lược cần tập trung thực hiện, gồm: 1- Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; 2- Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử; 3- Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử; 4- Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới; 5- Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử; 6- Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster).

Khuyến khích sản xuất và sử dụng máy móc nông nghiệp

Về phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ để khuyến khích người nông dân sử dụng máy móc nông nghiệp; khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cũng cấp các loại máy dựa theo nhu cầu của nông dân, xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh, các Bộ, ngành sẽ thực hiện chương trình hỗ trợ máy nông nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân; khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cung cấp các loại máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo dựa theo nhu cầu của nông dân; xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh.

Kế hoạch hành động này nhằm thực hiện định hướng đến năm 2020 hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu tăng tổng sản lượng nông nghiệp từ 220 tỷ USD năm 2010 lên 430 tỷ USD vào năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD; tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp chiếm 15%; năng suất lao động sản xuất từ 740 USD/người năm 2010 lên 2.000 USD/người vào năm 2020; giảm tỷ lệ người lao động trong ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từ 49% năm 2010 xuống 30-35% vào năm 2020.

Cung cấp các sản phẩm nông thủy sản và thực phẩm an toàn, chất lượng cao

Về phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa ra định hướng đến năm 2020 đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp tin cậy về các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao. Theo đó, xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia sản xuất các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; xác lập 3-5 mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến có thể tạo nên hình ảnh thương hiệu của Việt Nam.

Theo kế hoạch hành động, các mặt hàng tiêu biểu được lựa chọn sẽ là cao su, cà phê, chè, tôm và rau quả; nguồn nguyên liệu được bảo đảm ổn định về số lượng và chất lượng; tổ chức sản xuất nguyên liệu theo từng nhóm hộ nông dân, khuyến khích thành lập các hợp tác xã nông nghiệp; thể chế hóa liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với nông dân thông qua việc ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm; nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối giữa sản xuất với thị trường; tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo các chứng chỉ VietGap, GlobalGap, Rainforest, 4C… Bên cạnh đó, kế hoạch cũng yêu cầu nâng cao hàm lượng chế biến, hiện đại hóa lưu thông; marketting và xây dựng thương hiệu; xây dựng và triển khai dự án thí điểm khu chế biến nông nghiệp công nghệ cao.

Theo phân tích nêu trong kế hoạch hành động, dự báo quốc tế cho biết quy mô thị trường đối với thực phẩm chế biến được đóng gói trên thế giới sẽ tăng từ 860 tỷ USD năm 2010 lên 997 tỷ USD vào năm 2015.

Khuyến khích đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường

Kế hoạch hành động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu định hướng đến năm 2020 phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng bền vững.

Mục tiêu của Kế hoạch là hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng; thu hút đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ phát triển để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm; nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các công nghệ chế tạo thiết bị, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Kế hoạch sẽ tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển một cách đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn để thu hút đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư, các công nghệ tiên tiến của nước ngoài tham gia. Theo đó, sẽ xây dựng và ban hành Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường cũng như Nghị định sửa đổi Nghị định số 4 năm 2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

CHINHPHU.VN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kế hoạch thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa