Italy lún sâu vào khủng hoảng chính trị

22/08/2019 08:05

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte vừa chính thức đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Matterella và được chấp nhận.

Việc ông Conte từ chức sẽ dẫn đến sự kết thúc chính phủ thứ 65 của Italy thời hậu chiến chỉ 14 tháng sau khi thành lập, đồng thời đẩy nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vốn đang gặp khó khăn cũng như cả khối kinh tế này vào tình trạng ảm đạm.


Thủ tướng Italy Giuseppe Conte bất ngờ đệ đơn từ chức

Thủ tướng Italy tuyên bố từ chức

Theo nguồn tin từ Phủ Tổng thống Italy, tối 20.8, Thủ tướng nước này Giuseppe Conte đã tới gặp Tổng thống Italy Sergio Matterella để đệ đơn xin từ chức.

Trước đó, tại buổi tranh luận tại Thượng viện Italy theo đề xuất của đảng cực hữu Liên đoàn (Lega), Thủ tướng nước này Giuseppe Conte tuyên bố sẽ từ chức và sẽ tới gặp Tổng thống ngay sau khi buổi tranh luận kết thúc. Trong bài phát biểu trước Thượng viện Italy, ông Conte cũng cho biết, chính phủ của ông sẽ kết thúc và Tổng thống Sergio Matterella sẽ là người lãnh đạo đất nước trong tình hình hiện nay.

Ông Conte cho rằng cuộc khủng hoảng chính phủ xảy ra trong thời điểm này khiến Italy gặp phải những rủi ro nghiêm trọng, bởi Italy đang ở trong giai đoạn đối thoại với các tổ chức của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến việc đề xuất ứng cử viên cho vị trí ủy viên kinh tế EU.

Cũng trong phát biểu của mình, Thủ tướng Conte nhấn mạnh việc đảng cực hữu Liên đoàn đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông là điều nghiêm trọng và có thể dẫn tới những hậu quả về kinh tế cũng như chính trị cho nước này.

Ngay trong tối 20.8, Tổng thống Italy Matterella đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Conte và sẽ bắt đầu tiến hành tham vấn ý kiến của các chính đảng trong quốc hội Italy vào ngày 21.8 để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Conte, Tổng thống Matterella đã yêu cầu ông tiếp tục thực hiện các công việc hiện nay của chính phủ. Dự kiến các cuộc tham vấn sẽ kéo dài 2 ngày và lãnh đạo các đảng lớn của Italy, trong đó có đảng Dân chủ (PD), Tiến lên Italia (Forza Italy), đảng cực hữu Liên đoàn (Lega) và Phong trào 5 Sao (M5S), sẽ có cuộc gặp với Tổng thống trong ngày 22.8.

Tổng thống Matterella sẽ có vai trò xác nhận với tất cả các lực lượng chính trị trong quốc hội rằng liệu có thể có một liên minh đa số khác nhằm thành lập một chính phủ mới hay không.

Theo giới phân tích, Tổng thống Italy có thể đề xuất thành lập một nội các kĩ trị tạm quyền trong vài tháng tới, nếu các chính đảng đồng ý. Tuy nhiên, trong trường hợp không có lựa chọn nào khả dĩ, ông sẽ phải giải tán quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử trước thời hạn, sớm nhất vào đầu tháng 10 tới.

Hiện một số ý kiến cho rằng, một liên minh mới, lâu dài sẽ là điều cần thiết cho Italy hiện nay, và có thể một liên minh giữa đảng Dân chủ PD và đảng Phong trào 5 Sao M5S sẽ được hình thành nhằm đảm bảo cho sự ổn định chính trị tại Italy.

Bất ổn chính trị kéo dài

Quyết định từ chức của Thủ tướng Italy Conte được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, đồng thời là lãnh đạo của đảng cực hữu Liên đoàn, hồi đầu tháng 8 này đã đề xuất tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Conte và tiến hành bầu cử sớm.

Động thái này được cho là đặt dấu chấm hết cho liên minh cầm quyền vốn không mấy mặn mà giữa đảng cực hữu Liên đoàn với đảng dân túy Phong trào 5 sao do Phó Thủ tướng Luigi Di Maio lãnh đạo, đồng thời đẩy Italy tới gần hơn bờ vực của một cuộc khủng hoảng chính phủ.

Không khó để nhận ra đây là kịch bản đã được dự báo của giới phân tích, bởi mối quan hệ giữa đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy Phong trào 5 sao luôn căng thẳng và bất đồng quan điểm.

Kể từ khi hai đảng này ký thỏa thuận thành lập một chính phủ liên minh cầm quyền hồi tháng 5-2018, dẫn tới ông Conte được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ, hai đảng đã bất đồng về nhiều vấn đề như luật an ninh và siết chặt kiểm soát người nhập cư, tư pháp, mục tiêu cắt giảm thuế và tăng phúc lợi, các dự án kinh tế ưu tiên cũng như vấn đề ngân sách năm 2019. 

Bất đồng càng trở nên nghiêm trọng khi đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy M5S mâu thuẫn trong việc ủng hộ ứng cử viên nặng ký cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen cho chiếc “ghế nóng” Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua.

Trong khi đảng Liên đoàn phản đối cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen giữ chức Chủ tịch EC, đảng M5S lại lên tiếng ủng hộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức trở thành người đứng đầu cơ quan hành pháp quyền lực nhất châu Âu, đồng thời công khai chỉ trích quan điểm cực đoan của đảng Liên đoàn làm tổn hại lợi ích của Italy.

Với đường lối chính trị và cách tiếp cận khác biệt, viễn cảnh “đường ai nấy đi” và chính phủ liên minh cầm quyền giữa hai đảng Liên đoàn và M5S sụp đổ đã hơn một lần được truyền thông Italy nhắc đến. 

Cuộc khủng hoảng lần này được giới phân tích nhận định chỉ là phần nổi, còn mấu chốt vấn đề vẫn là sự "bế tắc" cố hữu trong hệ thống chính trị của Italy.

Trong vòng 70 năm qua kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Italy đã trải qua không dưới 65 chính phủ, số lượng chính phủ có thể duy trì hoạt động ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn, có nghĩa là 5 năm kể từ sau một cuộc bầu cử quốc hội cho đến khi một quốc hội mới được bầu ra, thực sự hiếm hoi.

Nền kinh tế tiếp tục tổn thương

Bất ổn chính trị kéo dài và nền kinh tế Italy cũng không khá khẩm hơn. Itay đã rơi vào tình trạng "suy thoái kỹ thuật” vào cuối năm 2018 và hiện chỉ mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Italy là quốc gia có nợ công lớn thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp.

Trong năm 2018, nợ công của Italy đứng ở mức 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với mức 131,4% của năm 2017. Đầu tháng 6 vừa qua, EU chính thức đưa Italy vào diện cảnh báo về tình trạng thâm hụt và nợ công tăng cao, thậm chí mở cuộc điều tra về thâm hụt vượt quá mức cho phép có thể dẫn đến khoản tiền phạt chưa từng có tiền lệ lên tới hơn 3 tỷ euro (tương đương 3,4 tỷ USD) đối với nước này.

Chính phủ Italy mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 của nước này xuống còn 0,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 1% được đưa ra hồi tháng 12-2018.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế và Tài chính Italy đã nâng dự báo thâm hụt ngân sách lên tương đương 2,4% GDP cho năm 2019 và Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Italy Giovanni Tria cảnh báo kinh tế nước này có thể sẽ tăng trưởng ở mức 0% trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Italy cũng dự báo kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 0,1% trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Italy cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Italy sẽ chỉ đạt 0,8% trong năm 2020 và 1% năm 2021. 

Uỷ ban châu Âu đã có những đánh giá tương tự khi dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của “đất nước hình chiếc ủng” chỉ đạt 0,2% năm nay do đà sản xuất đang chững lại và khoảng cách phát triển giữa các địa phương chưa được thu hẹp. Ủy ban châu Âu nhận định "núi nợ" lớn của Italy sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi nền kinh tế nước này đình trệ.

Theo dự báo của EC, nợ công của Italy sẽ tăng lên tương đương 133,7% GDP trong năm nay và chạm mức cao kỷ lục là 135,2% GDP trong năm tới. EC cho rằng nếu không có những điều chỉnh về chính sách, thâm hụt ngân sách của Italy sẽ tương đương 2,5% GDP trong năm nay và tăng lên 3,5% GDP năm tới, vượt mức trần 3% GDP theo quy định của EU. 

Còn mức dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đối với Italy là 0,1%. Các chuyên gia kinh tế cho rằng với tốc độ tăng trưởng này, Italy khó có thể thực hiện các cam kết ngân sách với EC. 

Trước thực trạng này, chiến lược gia Ken Berman, thuộc hãng Gorilla Trades, cho rằng nguy cơ Brexit (chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu) không thỏa thuận cùng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy sẽ tiếp tục làm tổn thương đến nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn này.

Trong khi đó, nền kinh tế Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, được coi là một mắt xích trong khối này. Vì vậy, việc hạ thấp dự báo tăng trưởng 2019 của Italy cùng với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại nước này được xem là dấu hiệu cho thấy triển vọng kinh tế năm nay của Eurozone dự kiến sẽ khá ảm đạm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã hạ thấp triển vọng tăng trưởng đối với Eurozone, cho rằng GDP của khối này sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm nay sau khi đã tăng trưởng 1,8% trong năm 2018, và nhích lên 1,5% trong năm 2020.   

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Italy lún sâu vào khủng hoảng chính trị