Iran tỏ dấu hiệu muốn nhanh chóng nối lại đàm phán hạt nhân với phương Tây, nhưng cũng đang thực hiện các bước cứng rắn để chuẩn bị chiến tranh.
Tên lửa bắn đi từ hệ thống phòng không Vòm sắt của Israel |
Theo báo Tehran Times, ngày 20-2 nhóm năm thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đến Tehran để đối thoại với chính quyền Iran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Đây là chuyến đi thứ hai của các chuyên gia IAEA đến Iran trong ba tuần qua, và được đánh giá là phép thử để xác minh liệu Tehran có muốn đàm phán nghiêm túc hay không.
AFP dẫn lời các quan chức IAEA cho biết chuyến đi trước đó vào tháng 1-2012 chỉ là động thái “xây dựng lòng tin”. Còn chuyến đi lần này, như thanh sát viên trưởng Herman Nackaerts mô tả, là sẽ “đem lại những kết quả cụ thể”. Trong khi đó, một số quan chức Liên minh châu Âu (EU) lại cho rằng nỗ lực của IAEA sẽ không tạo ra được đột phá nào. Giới quan sát nhận định chuyến đi chỉ tạo ra một trong hai kết quả: hoặc làm dịu căng thẳng, hoặc đối đầu Iran - phương Tây leo thang.
Iran - Israel hằm hè
Giá dầu tăng vì Iran Các biện pháp trừng phạt của EU đã gây nhiều khó khăn cho kinh tế Iran. Tuy nhiên, chính EU cũng đang phải trả giá vì hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông“ này của mình. Theo Reuters, sau khi Iran tuyên bố ngừng xuất dầu sang Anh và Pháp, giá dầu trong phiên giao dịch ngày 20-2 lập tức tăng vọt lên 105 USD/thùng, mức cao nhất trong chín tháng qua. Tehran cũng đe dọa sẽ cắt dầu thêm một số nước châu Âu khác. Chuyên gia tài chính John Kemp cho biết giá dầu cao khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng châu Âu thêm lao đao giữa thời điểm khủng hoảng nợ và suy thoái. |
Tehran Times dẫn lời Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi khẳng định Tehran muốn tìm một giải pháp “cả hai bên cùng thắng” cho vấn đề hạt nhân. Nhưng ông Salehi cũng nhấn mạnh Iran đã “chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”. Trong thời gian qua, hải quân Iran liên tục tập trận tại eo biển Hormuz và các vùng biển lân cận để biểu dương sức mạnh tên lửa và tàu chiến hiện đại của mình.
Cùng lúc, như Hãng tin Ả Rập Al Jazeera cho biết, từ ngày 19-2 lực lượng Vệ binh cộng hòa Iran tổ chức cuộc tập trận trên bộ mang tên Rạng đông để “bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa từ bên ngoài”. Quân đội Iran cũng thông báo hôm qua bắt đầu tổ chức diễn tập phòng không bốn ngày để thử nghiệm hệ thống phòng không và tên lửa đạn đạo nhằm bảo vệ các cơ sở hạt nhân.
Hải quân Iran cũng triển khai hai tàu chiến qua kênh đào Suez đến Địa Trung Hải, gần Israel. Phản ứng lại, ngày 20-2 báo Hareetz đưa tin quân đội Israel sẽ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) ở Tel Aviv và các khu vực lân cận.
Israel tiếp tục gây sức ép buộc Mỹ bật đèn xanh cho Israel đơn phương tấn công Iran. Trả lời trên kênh truyền hình quốc gia ngày 18-2, tướng Benny Gantz, chỉ huy trưởng bộ tham mưu quân đội Israel, nhấn mạnh: “Israel là người bảo đảm chính cho an ninh của mình”.
Mỹ đã không chậm trễ để phản ứng trước tuyên bố này của Israel, dù trước đó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas Donilon và trong tuần giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cũng đến Israel để thuyết phục Thủ tướng Netanyahu không nên nóng vội. Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ, mới đây đã lên tiếng nhấn mạnh: “Còn quá sớm để đơn phương đưa ra một quyết định cho rằng đã đến lúc can thiệp quân sự”. Theo ông, nếu như phương Tây đã quyết định tấn công thì cũng phải chuẩn bị tốt hơn. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng cảnh báo việc Israel tấn công Iran lúc này là “thiếu thông minh”.
Không dễ không kích
Theo AFP, từ năm 2009 Israel đã mua 55 quả bom xuyên phá boongke GBU-28 nặng 2,2 tấn, do Mỹ sản xuất, có khả năng triệt phá các mục tiêu sâu trong lòng đất. Tuy nhiên, báo New York Times dẫn lời một số chuyên gia quân sự Mỹ nhận định dù có sức mạnh quân sự vượt trội, Israel sẽ không dễ không kích các cơ sở hạt nhân của Iran như nhiều người lầm tưởng.
Trung tướng không quân Mỹ David A. Deptula ước tính Israel phải triển khai ít nhất 100 máy bay chiến đấu. Các phi công Israel sẽ phải bay hơn 1.600km trên vùng trời các nước Trung Đông thù địch để tới Iran. Có ba đường bay từ Israel sang Iran: hướng bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, hướng nam qua Saudi Arabia, hướng trung tâm qua Jordan và Iraq.
Chẳng quốc gia Hồi giáo nào muốn máy bay chiến đấu chở đầy bom đạn của nhà nước Do Thái bay qua đầu mình. Do quãng đường quá xa, các chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel sẽ phải tiếp nhiên liệu trên không. Giới chuyên gia quân sự cho biết Israel lại không có đủ máy bay chở và tiếp nhiên liệu trên không. Hơn nữa, máy bay Israel sẽ phải đồng loạt bắn phá các mục tiêu hạt nhân ngầm trong lòng núi của Iran trong khi phải đối phó với hệ thống phòng không của quân đội Iran. Chưa chắc bom xuyên phá của Israel đủ sức hủy diệt các mục tiêu quá kiên cố này.
Cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Michael V. Hayden thậm chí còn khẳng định Israel không đủ năng lực không kích Iran.
SƠN HÀ(TT)