Tehran sẵn sàng tăng cường hoạt động làm giàu urani lên mức độ cao hơn nếu các cuộc đàm phán với châu Âu thất bại.
Nhà máy sản xuất UF6, vốn ngưng hoạt động từ năm 2009 do thiếu quặng urani, là một phần của cơ sở chuyển đổi urani Isfahan. (Nguồn: AhlulBayt/TTXVN)
Ngày 17.7, Phó Chủ tịch kiêm người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi cho biết Tehran sẵn sàng tăng cường hoạt động làm giàu urani lên mức độ cao hơn nếu các cuộc đàm phán với châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký với các cường quốc thế giới thất bại.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu trong cuộc họp báo ở Tehran, ông Kamalvandi cho hay Iran đã áp dụng một số biện pháp để chuẩn bị cơ sở cho việc tăng cường năng lực làm giàu urani nếu thấy cần thiết và nếu các cuộc thương lượng với phía châu Âu thất bại.
Bên cạnh đó, quan chức Iran cũng khẳng định rằng nước này đang tiếp tục triển khai và thực hiện các trách nhiệm của họ theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cùng với Đức) hồi năm 2015, còn có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo thỏa thuận này, Iran phải hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế. JCPOA quy định Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm làm giàu urani, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Iran chỉ được làm giàu urani ở mức 3,67%.
Tuy nhiên, ông Kamalvandi cho rằng Iran đồng thời cũng phải tính tới mọi khả năng có thể xảy ra và cần phải chủ động chuẩn bị và đối phó.
Trước đó, Iran cũng đã từng lên tiếng cảnh báo về khả năng nối lại hoạt động làm giàu urani. Theo giới chức Tehran, việc Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nước này là hành động vi phạm thoả thuận JCPOA.
Ngày 8.5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran.
Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận này, Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Âu tham gia ký JCPOA gồm Anh, Pháp và Đức đã đưa một loạt “đảm bảo” về kinh tế với Iran, song chừng ấy dường như được phía Tehran đánh giá là “chưa đủ.”
Theo các nhà phân tích khu vực, nếu các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại, việc nối lại hoạt động làm giàu urani của Iran là “gần như chắc chắn” và sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ “cảnh báo.” Khi ấy, những nỗ lực nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa khu vực Trung Đông cũng như ngăn chặn việc phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng “đi vào ngõ cụt.”
Thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh và sự ổn định của Trung Đông.
TTXVN