Ngày 27.5, di tích kiến trúc nghệ thuật đền-chùa-đình Hai Bà Trưng đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Hằng năm mỗi độ xuân về, vào ngày 6 tháng hai (âm lịch), Lễ hội kỷ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng lại được nhân dân quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của nhị vị Vua Bà, các vị tướng lĩnh tài ba, các nghĩa binh trung liệt và nhân dân đương thời anh dũng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Đầu xuân 2020, nhân kỷ niệm 1980 năm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cán bộ, nhân dân trong quận vinh dự đón nhận bằng xếp hạng quần thể di tích đền Hai Bà Trưng là di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Di tích gồm 3 hạng mục chính: đền Hai Bà Trưng (đền Hai Bà hay đền Đồng Nhân) có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” thờ Hai Bà Trưng và 6 vị nữ tướng thân tín.
Đình Đồng Nhân nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng, thờ thần Cao Sơn Đại Vương, Quốc Vương Thiên Tử, thần Đô Hồ Đại Vương. Ngoài 3 vị thần này, đình còn thờ các vị thủy thần có công phù trợ cho cư dân sống ở ven sông.
Chùa Viên Minh nằm bên trái đền, tên chữ Hán là “Viên Minh Tự,” tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành phật. Tên Nôm là chùa Đồng Nhân hoặc được gọi với tên thành kính chùa Hai Bà.
Bia cổ lưu tại chùa có tiêu đề: “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” (bài văn trên bia kỷ niệm chùa Viên Minh), được tạo tác dưới triều Bảo Đại thứ 7 (1932).
Theo TTXVN