Sau sáu tháng, mới khoảng 10% trong tổng số hơn 270 triệu dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 18,7 triệu người được tiêm đủ hai mũi.
Người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia
Ngày 27.7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) cho biết Chính phủ nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 208 triệu dân để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Sau sáu tháng kể từ khi phát động chương trình tiêm chủng toàn quốc miễn phí ngừa COVID-19 với mục tiêu ban đầu tiêm vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người, nhưng đến nay mới khoảng 10% trong tổng số hơn 270 triệu dân số Indonesia được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 18,7 triệu người được tiêm đầy đủ hai mũi.
Trong bài đăng trên trang Twitter chính thức, Tổng thống Jokowi nhấn mạnh: "Để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, chúng ta cần tiêm chủng cho khoảng 208 triệu dân, bao gồm những người từ 12-17 tuổi".
Tuyên bố của ông Jokowi được đưa ra vài giờ sau khi Indonesia ghi nhận "kỷ lục buồn" khi số ca tử vong trong ngày do COVID-19 vượt mốc 2.000 ca, lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng Ba năm ngoái.
Cảnh sát Quốc gia và Quân đội Indonesia đã được huy động nhằm tăng tốc tiêm chủng với mục tiêu đạt 2 triệu liều mỗi ngày, bắt đầu từ tháng Tám tới, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly tại nhà, cũng như truy vết những người tiếp xúc gần với các ca dương tính.
Cân nhắc tiêm nhắc lại vaccine mũi thứ ba cho nhân viên y tế
Cùng ngày, giới chức Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ ba sau khi kết quả một nghiên cứu cho thấy kháng thể sản sinh từ hai mũi tiêm giảm dần theo thời gian.
Lo ngại ngày càng gia tăng về tính hiệu quả vaccine trong những tuần gần đây khi hàng trăm nhân viên y tế, trong đó hầu hết đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine của Sinovac, bị tái nhiễm virus. Hiện vaccine của Sinovac chiếm tới hơn 4/5 trong tổng số 173 triệu liều vaccine mà Indonesia đã nhận được cho đến nay.
Nhân viên tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Tangerang, Indonesia
Một nghiên cứu được công bố trong tuần này cho thấy kháng thể sản sinh từ vaccine Sinovac giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết khoảng sáu tháng sau khi tiêm mũi thứ hai ở hầu hết những người được tiêm, mặc dù mũi thứ ba có tác dụng tăng cường mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ việc giảm kháng thể này ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả tiêm chủng.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Siti Nadia Tarmizi, quan chức cấp cao của Bộ Y tế, cho hay mức độ kháng thể suy giảm vẫn đủ để bảo vệ, dựa trên các dữ liệu lâm sàng tại Indonesia.
Bà Siti cho biết: “Hiện ban tư vấn tiêm chủng khuyến cáo cần tiêm nhắc lại 12 tháng sau mũi thứ hai," đồng thời cho biết thêm rằng Chính phủ Indonesia vẫn đang cân nhắc nên tiêm nhắc lại một mũi hay hai mũi.
Bà Siti không cho biết loại vaccine nào sẽ được sử dụng để tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, Tiến sỹ Kusnandi Rusmil thuộc Đại học Padjadjaran - người đứng đầu các thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinovac tại Indonesia, cho biết bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào đã được phê duyệt đều có thể được sử dụng để tiêm nhắc lại.
Theo ông Kusnandi, thử nghiệm lâm sàng sẽ kết thúc vào tháng tới và dữ liệu nghiên cứu cho đến nay cho thấy mức độ kháng thể suy giảm theo thời gian. Điều này đã thúc đẩy ông Kusnandi khuyến nghị Chính phủ tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho các nhân viên y tế.
Hôm 16.7, Indonesia đã bắt đầu tiêm nhắc lại mũi thứ ba cho các nhân viên y tế bằng vaccine của hãng Moderna trong bối cảnh có tới 1.569 nhân viên y tế đã tử vong do COVID-19, trong đó có gần 400 người từ tháng Sáu đến nay.
Theo TTXVN