Các bên liên quan trong khu vực Biển Đông như Philippines, Indonesia, Việt Nam đều tăng cường sức mạnh quân sự trước mối đe dọa từ Trung Quốc trong thời gian qua.
Các tàu chiến của Philippines và Mỹ trong một cuộc tập trận chung - Ảnh: atlanticsentinel.com |
Theo báo cáo mới công bố của Cơ quan chuyên nghiên cứu về quân sự IHS Janes ngày 25-5, vì những hoạt động áp đặt các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trong khu vực thời gian qua, nhiều nước ở Đông Nam Á đã phải tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Theo IHS Janes, riêng Indonesia đang có hợp đồng mua 20 tàu chiến từ Hà Lan để tăng cường sức mạnh hải quân.
Chi cho quốc phòng của Indonesia dự tính sẽ tăng 61% từ giờ tới năm 2021, trong khi với Philippines là gấp đôi, theo ước tính của IHS Janes.
Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang khu vực này cũng hé lộ nhiều chi tiết đáng quan tâm. Theo đó, giai đoạn 2012-13, doanh số bán vũ khí của các nhà sản xuất Mỹ tại những quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên nhìn chung đã giảm.
Gregory Polling, đồng chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế cho biết, các nước trong khu vực đều muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí.
“Mỹ là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, nhưng tất cả các nước này đều không chỉ nhắm vào những nhà sản xuất Mỹ”, Polling nói với đài truyền hình CNBC.
Các nhà cung cấp vũ khí lớn khác cho những nước liên quan tới Biển Đông là Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản và Brazil, theo Ben Moores, nhà phân tích cấp cao của IHS Janes.
Moores cũng dẫn ra vài ví dụ: Philippines mua các máy bay phản lực huấn luyện FA-50 từ Hàn Quốc, Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp kilo và 12 tàu chiến của Nga, còn Indonesia đã mua 20 tàu chiến từ Hà Lan.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM cùng các ban, ngành tham quan tàu ngầm HQ-183 TP Hồ Chí Minh - Ảnh: Quốc Việt |
Các khoản chi lớn cho quốc phòng sẽ khiến chi tiêu cho quốc phòng của Philippines tăng từ 273 triệu USD hiện giờ lên 500 triệu USD vào năm 2021, theo IHS Janes.
“Hải quân Philippines đã không được đầu tư một thời gian dài”, Duncan Innes-Ker, chuyên gia về an ninh ở châu Á, nói. “Ngay cả đầu tư mạnh hơn nữa, nước này vẫn không bao giờ tạo ra được một lực lượng có thể khiến Trung Quốc phải bận tâm”.
Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho ba quốc gia và vùng lãnh thổ có liên quan trực tiếp tới Biển Đông, bao gồm Philippines (30% giá trị các hợp đồng giai đoạn 2010-2024), Singapore (40%) và Đài Loan (90%). Nhưng với Indonesia và Malaysia, các hợp đồng của Mỹ chỉ chiếm 9,7% và 3,3%.
Moores cho rằng, Việt Nam hiện đang đi trước các nước khác vì đã có căng thẳng lâu dài với Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi với các nước khác, bây giờ mới đuổi theo.
Sĩ quan và chiến sĩ bảo vệ tàu tên lửa Việt Nam - Ảnh: Quốc Việt |
“Tất cả các nước này chỉ định xây dựng quân đội của họ tới mức sẽ khiến Trung Quốc phải trả giá lớn nếu đi xa hơn”, Moores nói. “Nhưng từng nước một không thể đọ được với Trung Quốc về mặt quân sự”.
CHIÊU VĂN (Tuổi trẻ)