Hiện nay, làng nghề trên địa bàn tỉnh ta phát triển chậm, trong khi cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề chưa rõ ràng.
Lực lượng lao động chủ yếu là người nhiều tuổi, một lực cản phát triển làng nghề
Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh ta phải có từ 80 - 90 làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay Hải Dương mới có 67 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chưa có thêm làng nghề nào được công nhận. Với tốc độ phát triển làng nghề như hiện nay, Hải Dương liệu có đạt mục tiêu đã đề ra?
Thiếu điểm tựaĐi thăm làng gốm Cậy ở xã Long Xuyên (Bình Giang), ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam không khỏi nuối tiếc về một làng gốm cổ đã từng phát triển rực rỡ những năm đầu thế kỷ XX. Ông Dần nhận xét: “Nhiều làng nghề đang chết dần, chết mòn trong khi không có nghề mới thay thế là thực trạng chung của nhiều làng ở Việt Nam. Mảnh đất trăm nghề Hải Dương cũng không thoát khỏi tình trạng chung này”.
Vì sao khó phát triển làng nghề mới? Ông Dần lý giải thanh niên, trai tráng không muốn làm nghề truyền thống. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công không dễ mở rộng. Chính quyền địa phương lại thiếu quan tâm trong phát triển làng nghề. Khi làng nghề bị bỏ rơi, người dân làm nghề tự phát, thiếu định hướng thì làm sao đủ tiêu chí để được công nhận làng nghề.
Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của tỉnh chưa rõ ràng cũng tác động lớn đến mục tiêu xây dựng làng nghề của các địa phương. Phần lớn nghề mới được du nhập do người dân tự học hỏi và phát triển. Việc đào tạo, dạy nghề mới cho người dân ít được thực hiện. Nhiều nơi, người dân không thiết tha danh hiệu làng nghề xuất phát từ chính quyền địa phương thiếu quan tâm, định hướng. Ngay cả các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tỉnh bình xét, vinh danh thì sau khi công nhận danh hiệu sản phẩm đó cũng ít nhận được sự hỗ trợ để phát triển. Do đó, mục tiêu phát triển làng nghề của tỉnh sẽ rất khó thực hiện.
Ông Nguyễn Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết: “Mặc dù huyện đã có những chính sách khuyến khích phát triển làng nghề như thường xuyên hỗ trợ các hộ dân tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu..., nhưng những chính sách hỗ trợ trên chưa đủ để hình thành nhiều nghề mới, hối thúc người dân muốn thực hiện các tiêu chí làng nghề. Vì vậy, 5 năm trở lại đây số làng nghề truyền thống được công nhận ở Gia Lộc không nhiều”.
Theo Sở Công thương, việc phát triển các làng nghề của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 khá chậm chạp. Năm 2011, tỉnh có 5 làng nghề, năm 2013 có 4 làng nghề, năm 2014 chỉ có 1 làng nghề được công nhận danh hiệu làng nghề TTCN. Ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho rằng các làng nghề của Hải Dương đang cần một cú hích mới để phát triển. Tình trạng "dậm chân tại chỗ" trong phát triển làng nghề hiện nay đang khiến mục tiêu phát triển thêm 80 làng nghề trở lên vào năm 2020 của tỉnh khó khả thi.
Thanh lọc cái cũ, lựa chọn cái mớiÔng Nguyễn Thượng Sách, chủ cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) cho rằng để giải quyết những vướng mắc trong phát triển nghề truyền thống hiện nay, Hải Dương cần xây dựng được mô hình “mỗi xã, phường một sản phẩm” như cách làm của Quảng Ninh hay một số địa phương khác. Nhờ mô hình này mà tỉnh bạn đã khá thành công trong phát triển làng nghề. Nghề mới có điều kiện du nhập trong khi nghề cũ vẫn được duy trì và bảo tồn.
Để phát triển làng nghề, Hải Dương không nhất thiết phải duy trì những làng nghề không còn khả năng phát triển. Bởi chính sự èo uột của các làng nghề này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân các làng khác khi phấn đấu đạt danh hiệu làng nghề. Do đó, Sở Công thương cần sớm rà soát, loại bỏ những nghề không còn tương lai phát triển. Các nghề thủ công sản xuất rổ, rá; bện thừng, rợ bằng tre; mây giang xiên; gò rèn; sản xuất lược bí... có thể không cần khuyến khích phát triển thêm.
Tỉnh cũng cần tạo mọi điều kiện cho các địa phương du nhập nghề mới phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở thế mạnh của từng nơi, tỉnh có thể đầu tư phát triển theo nhóm ngành nghề nhất định.
Các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề cần được tăng cường và thực hiện có hiệu quả. Tỉnh cần có những cơ chế khuyến khích rõ ràng đối với những làng nghề được công nhận về khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, giúp các làng nghề tiêu thụ sản phẩm...
Làng nghề hình thành góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương, thực hiện “ly nông bất ly hương”, bảo đảm an sinh xã hội. Các làng nghề cũng góp phần tăng thu ngân sách, giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, phát triển làng nghề là mục tiêu quan trọng cần được Sở Công thương và các địa phương quan tâm thực hiện.
LAN ANH
Trong vòng 3 năm tới, tỉnh phải phát triển thêm ít nhất 15 làng nghề nữa mới đạt mục tiêu đề ra. Đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu tạo việc làm cho từ 130.000 - 140.000 lao động tại các làng nghề. Tất cả các làng nghề mới được công nhận đạt tiêu chí về môi trường.
|