Hy Lạp lại đẩy Eurozone trở lại khủng hoảng

25/05/2012 08:34

Liên minh châu Âu (và Quỹ Tiền tệ quốc tế lo ngại sự bất ổn chính trị ở Hy Lạp có thể đẩy Eurozone rơi trở lại khủng hoảng.


Người dân Hy Lạp ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng



Hy Lạp sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới sau khi lãnh đạo các đảng phái ở nước thất bại trong việc tìm liên minh thành lập chính phủ mới. Thất bại này càng làm cuộc khủng hoảng chính trị ở Hy Lạp thêm sâu sắc. Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại vì sự bất ổn chính trị ở Hy Lạp có thể đẩy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi trở lại khủng hoảng.

Khủng hoảng chính trị sâu sắc

Theo kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp trước thời hạn diễn ra ngày 6-5 vừa qua, Đảng Dân chủ mới (ND) bảo thủ dẫn đầu nhưng chỉ giành được 109 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội (19,18%), kém xa con số 151 ghế cần thiết để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ. Đảng Syriza (Xi-ri-da) cánh tả về thứ hai với 50 ghế (16,3%). Trong khi đó, Đảng Xã hội (Pasok), đảng truyền thống cầm quyền nhiều năm ở Hy Lạp, chỉ đứng thứ ba với 42 ghế (13,6%). Đảng theo chủ nghĩa dân tộc Người Hy Lạp độc lập về thứ tư với 33 ghế (10,6%), Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) nhận được 26 ghế (8,48%) và Đảng Dân chủ cánh tả với 19 ghế (6,1%)... Một số nhà phân tích cho rằng, kết quả cuộc bầu cử đã tạo ra một cơn địa chấn mạnh, khi liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ mới và Đảng Xã hội đã mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội. Trong khi các đảng đối lập vốn phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" lại giành được đa số phiếu ủng hộ.

Theo Hiến pháp Hy Lạp, do không có đảng nào hội đủ đa số ghế tuyệt đối để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ mới, nên lãnh đạo đảng giành được nhiều phiếu ủng hộ nhất có 3 ngày để tìm kiếm thoả thuận với các chính đảng khác về việc thành lập chính phủ liên minh. Nếu thất bại, nhiệm vụ thành lập chính phủ liên minh sẽ được chuyển lần lượt cho các chính đảng về thứ hai và thứ ba trong cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực, các chính đảng vẫn không thể thỏa thuận để thành lập một chính phủ liên minh, do có nhiều bất đồng xung quanh vấn đề cứu trợ vỡ nợ đang có nguy cơ buộc Hy Lạp phải rút khỏi Eurozone.

Ngày 14-5, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias (Ca-rô-lốt Pa-pau-li-át) buộc phải kêu gọi thành lập một chính phủ kỹ trị (bao gồm các nhân vật xuất sắc và không thuộc giới chính trị), nhằm ít nhất duy trì sự ổn định cho Chính phủ Hy Lạp đủ lâu để nhận được cứu trợ. Nhưng lời kêu gọi của Tổng thống cũng không giúp Hy Lạp thành lập được chính phủ mới, buộc nước này phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn lần hai vào giữa tháng 6 tới. Thực trạng này buộc Tổng thống Karolos Papoulias phải tổ chức cuộc họp khẩn cấp với tất cả lãnh đạo các đảng phái trong nước, để thành lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức cuộc bầu cử mới.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc bầu cử Quốc hội lần hai này cũng khó có thể giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Marc-Alpha TV cho thấy, nếu cuộc bầu cử mới được tổ chức, Đảng Syriza sẽ vượt lên dẫn đầu với gần 24% phiếu ủng hộ, tiếp theo là Đảng ND với 17,4% số phiếu và Đảng Pasok có thể chỉ đạt được tỷ lệ dưới 11%. Như vậy, vẫn không có đảng phái nào giành được trên 50% phiếu bầu để tự thành lập nội các mới. Liên minh cầm quyền cũng phải tập hợp ít nhất 3 đảng mới có thể hội đủ số phiếu cần thiết. Quyền đứng ra đàm phán thành lập nội các sẽ lại lần lượt trao cho ba đảng có số phiếu cao nhất. Vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại và không biết đến bao giờ Hy Lạp mới có nội các mới, trong khi vòng vây của cuộc khủng hoảng nợ đang khép chặt từng ngày.

Những hệ lụy

Theo các nhà phân tích, bất đồng lớn nhất bao trùm chính trường Hy Lạp hiện nay là quan điểm trái ngược về chính sách "thắt lưng buộc bụng" vô cùng nghiệt ngã, điều kiện để nhận được các khoản cứu trợ của EU và IMF suốt 2 năm qua. Dù đây là "liệu pháp" mà hai đảng ND và Pasok buộc phải chấp nhận để giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, song, cái giá phải trả cho cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng là không hề nhỏ. Đời sống người dân sa sút, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng đã và đang dẫn đến những bất ổn xã hội là những yếu tố khiến ND và Pasok, hai chính đảng thống trị Hy Lạp suốt 38 năm qua bị hạ bệ. Như một hệ quả tất yếu, tỷ lệ ủng hộ đã hướng đến các đảng phái phản đối chính sách kinh tế khắc khổ.

Chia rẽ sâu sắc trong xã hội đang đẩy đất nước bên bờ Địa Trung Hải đến trước "ngã ba đường". Ở lại Eurozone là phải tiếp tục "tấn bi kịch" “thắt lưng buộc bụng”. Nếu Hy Lạp không tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận cứu trợ đã ký, nước này sẽ không nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ Eurozone cũng như IMF và sẽ phải đứng trước lựa chọn là ra khỏi Eurozone.

Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy (Pa-xcan La-mi), hậu quả của việc rời bỏ đồng euro có thể khiến Hy Lạp đau đớn hơn nhiều so với tất cả các kế hoạch khắc khổ được thi hành từ trước đến nay, trong khi tình hình nợ công sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hoàn toàn. Để cân đối cán cân thương mại, Athens (A-ten) phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ và thiệt hại với các ngân hàng chủ nợ được dự đoán sẽ lên tới 300 tỷ euro.

Tạp chí "Nhà quan sát" của Anh cho rằng, xét về mặt kinh tế, Hy Lạp là quốc gia nhỏ, chỉ đóng góp 2,2% GDP của Eurozone. Tuy nhiên, việc rút khỏi Eurozone sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở đất nước này và tác động nghiêm trọng tới các quốc gia thành viên khác. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng BNP Paribas (Pháp), quả bom "Hy Lạp rút khỏi Eurozone" sẽ nhanh chóng xóa sạch 20% tăng trưởng GDP của Hy Lạp, đẩy lạm phát tăng lên 40-50%, tỷ lệ nợ trên GDP sẽ tăng lên 200% và nền kinh tế càng lún sâu vào suy thoái.

Tạp chí "Nhà quan sát" cũng đưa ra một viễn cảnh “đen tối” về việc Hy Lạp có thể rời bỏ Eurozone và những hệ quả kế tiếp của nó.

Thứ nhất, Hy Lạp sẽ tê liệt do bầu cử. Sau cuộc bầu cử lần thứ nhất, Quốc hội Hy Lạp đã chia thành hai phe ủng hộ và phản đối gói cứu trợ trị giá 130 tỷ euro, mà để được nhận nước này phải cắt giảm mạnh lương, lương hưu và nhiều khoản chi tiêu khác. Do vậy, các nhà phân tích cho rằng, vòng bầu cử thứ hai vào giữa tháng 6 tới có thể sẽ là một cuộc bỏ phiếu chống chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng quyết liệt, và những bế tắc trong việc thành lập nội các mới lại bắt đầu.

Thứ hai, Hy Lạp hết tiền. Các chuyên gia cho rằng, nếu Hy Lạp không thành lập được chính phủ mới hay nếu chính phủ được thành lập nhưng lại không tuân thủ các điều kiện khắt khe của gói cứu trợ, thì EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt nguồn tiền cứu trợ vào quốc gia đang nợ nần chồng chất này. Đồng thời, các ngân hàng Hy Lạp có thể sẽ bị cắt nguồn thanh khoản mà ECB cung cấp. Điều này đồng nghĩa với việc lượng euro mà các ngân hàng Hy Lạp đang nắm giữ sẽ bị tách khỏi lượng tiền euro ở các nước khác thuộc Eurozone và sẽ được chuyển dần thành một đồng tiền riêng biệt.

Thứ ba, Hy Lạp thành lập các ngân hàng và đồng tiền mới. Để chống lại tình trạng rút tiền ồ ạt từ các ngân hàng sau khi vỡ nợ, Hy Lạp sẽ phải đóng băng các tài khoản ngân hàng và thực thi các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn công dân nước này chuyển tiền ra nước ngoài. Người dân Hy Lạp nhiều khả năng sẽ giữ tiền ở nhà hơn là gửi tiền ở ngân hàng, dẫn đến nhiều ngân hàng cạn tiền mặt. Trong khi, khả năng thanh khoản của ngân hàng Hy Lạp hiện hoàn toàn phụ thuộc vào ECB. Nếu nguồn tiền này cũng bị cắt nốt thì Hy Lạp sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thành lập các ngân hàng mới với sự can dự đáng kể của chính phủ.

Việc Hy Lạp vỡ nợ sẽ có những tác động xã hội và kinh tế thảm khốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Quốc gia này sẽ bị cô lập. Với việc cho vay dừng lại và các tài khoản bị đóng băng, các doanh nghiệp nhỏ sẽ phá sản, xuất khẩu tụt giảm và đất nước thụt sâu hơn vào suy thoái. Việc định giá thấp đồng tiền mới sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và làm gia tăng lạm phát. Thất nghiệp diện rộng nhiều khả năng xảy ra, và hệ quả là một cuộc di cư của các lao động trẻ có kỹ năng sang các nước khác trong khu vực. Trong khi đó, những người nắm giữ nợ Chính phủ Hy Lạp sẽ gánh chịu thiệt hại, khi tài sản của họ sẽ bị định giá lại với giá trị thấp theo đồng tiền mới của Hy Lạp. Việc trở lại đồng tiền quốc gia của Hy Lạp có thể tạo ra một số thách thức pháp lý đối với các hợp đồng chính phủ và hợp đồng doanh nghiệp. Các công ty Hy Lạp vẫn phải trả bằng đồng euro sẽ đối mặt với tình trạng chi phí và lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng euro tăng gấp đôi.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, những gì đang diễn ra ở Hy Lạp đang phát đi một tín hiệu cực kỳ đáng lo ngại với lục địa già. Dù đã chuẩn bị tâm lý cho khả năng Hy Lạp rời khỏi Eurozone, song không ai có thể lường hết những hệ lụy mà Athens có thể gây ra. Đối với Eurozone và EU, nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro sẽ đẩy các thị trường vào tình trạng hoảng loạn. Trong khi đó, khủng hoảng lòng tin sẽ làm dậy sóng một cuộc thoái vốn lớn và gần như chắc chắn sẽ buộc một nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha phải tìm kiếm cứu trợ.

HOÀNG YẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hy Lạp lại đẩy Eurozone trở lại khủng hoảng