Nghe tiếng gọi của Tổ quốc, những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã đi qua bom đạn, đi qua lằn ranh giữa sự sống cái chết với niềm tin vào ngày thắng lợi vẻ vang, hai bờ Nam Bắc được nối liền.
Nữ chiến sĩ pháo binh Quân giải phóng Trảng Bàng (Tây Ninh) luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu
“Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”!
Khi đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc và chế độ Sài Gòn tiếp tục những tội ác man rợ với đồng bào Nam bộ thì một “đội quân tóc dài” cũng xuất hiện tại tuyến lửa Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
Nghe tiếng gọi của Tổ quốc, họ - những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã đi qua bom đạn, đi qua lằn ranh giữa sự sống cái chết với niềm tin vào ngày thắng lợi vẻ vang của đất nước, hai bờ Nam Bắc được nối liền.
Tổ quốc gọi tên mình
Không phải ngẫu nhiên mà bà Đồng Thị Mai, nguyên Trung đội trưởng công binh, Binh trạm 34, Bộ Tư lệnh Trường Sơn, nay là Phó Chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn, Trưởng ban liên lạc truyền thống Tiểu đoàn Trưng Trắc, Hà Nội, lại lấy bức huyết đơn tình nguyện nhập ngũ gửi Huyện đội Phú Xuyên vào mùa xuân năm 1971 để mở đầu chuyện một thời trên tuyến lửa Trường Sơn.
Trong thư có dòng chữ từ máu chích nơi đầu ngón tay bà với lời tha thiết “Cho tôi được ra chiến trường cầm súng chiến đấu”.
Mong muốn “vào Nam chống Mỹ, cứu nước” của bà Đồng Thị Mai đến từ những ngày tháng thắt lòng nghe chiếc loa phóng thanh xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đưa tin về tột cùng đau đớn của đồng bào Nam bộ bởi hành động dã man của Mỹ Ngụy ác ôn, về những trận bom rải thảm gây tội ác khắp miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Khi ấy khí thế miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam sôi sục từng trường học, từng ngõ xóm. Và hơn tất cả, đến từ tiếng gọi của Tổ quốc, lời hiệu triệu của Bác Hồ "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ".
“Ở khắp miền Bắc có biết bao nhiêu học sinh những năm cuối cấp ba, khai tăng tuổi, trốn gia đình chích máu viết đơn tình nguyện. Khi khám tuyển cố nhét vào túi quần mấy cục đá cho đủ cân. Tôi cũng chỉ là một trong số đó,” bà Đồng Thị Mai nhớ lại.
Cũng nhớ như in đơn tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu là bà Phùng Thị Ánh, nguyên y tá thuộc Sư đoàn 472, Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
45 năm sau ngày nước nhà thống nhất và tuổi đã ở ngoài 60, song với bà Ánh, khung cảnh ngày 5.6.1971, thanh niên nô nức đổ về xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây để tòng quân như mới hôm qua.
Ngày đó đang học lớp 8, nghe được thông tin về việc địa phương sắp thành lập một tiểu đoàn nữ lên đường vào Nam chiến đấu, bà Phùng Thị Ánh nghĩ “đã đến lúc mình không thể ngồi trên ghế nhà trường được nữa!” rồi viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Sau khi trúng tuyển, hai cô gái Đồng Thị Mai, Phùng Thị Ánh cùng hơn 500 nữ thanh niên Hà Nội nhập ngũ, chi viện cho chiến trường miền Nam được phát quân trang và nhu yếu phẩm rồi biên chế thành một tiểu đoàn với tên gọi là Tiểu đoàn Trưng Trắc.
Họ tập trung tại huyện Ứng Hòa huấn luyện ba tháng rồi ngày 27.9.1971 hành quân vào chiến trường, bổ sung cho Mặt trận Trường Sơn thuộc Đoàn 559.
“Sau nhiều ngày hành quân tiểu đoàn mới đặt chân đến Trường Sơn. Dọc đường đi, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều gia đình không còn nhà cửa, vườn tược, cảnh thương binh vận chuyển từ tuyền tuyến về với nỗi đau cơ thể hành hạ. Những điều đó như mệnh lệnh thôi thúc ý chí quyết tâm vào chiến trường thật nhanh, góp sức mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, bà Phùng Thị Ánh hồi nhớ.
Huyền thoại của huyền thoại
Vào Trường Sơn, hơn 500 cô gái trong Tiểu đoàn Trưng Trắc tỏa về “các hướng, các nhánh” để nhận nhiệm vụ y tá, hậu cần, giữ kho, thông tin, văn thư, bảo mật, tổng đài, giao liên, mở đường, san lấp hố bom trên hai mái Đông-Tây Trường Sơn.
“Ai cũng tưởng sẽ được vào Nam chiến đấu ngay, sau lại về các đơn vị giao liên, tải thương, vận tải. Lúc đầu cũng có người thắc mắc, nhưng nghe các đồng chí chỉ huy giải thích là nhiệm vụ nào cũng là để đánh đuổi giặc Mỹ, giải phóng đất nước thì ai cũng vui vẻ chấp hành. Bản thân tôi làm y tá của đường dây 559 đóng tại Savannakhet, Lào”, bà Phùng Thị Ánh kể.
“Một chiều cuối năm 1973, chúng tôi tiếp nhận 20 thương binh nặng từ chiến trường chuyển về. Có một anh mà chúng tôi khám không thấy máu, không thấy vết thương, không thấy rên la nhưng nhìn nét mặt là biết nỗi đau cơ thể đang hành hạ anh. Đêm ấy, anh cứ bảo tôi ngồi gần cho anh tựa để dịu đau. Sáng ra, người anh lạnh cứng. Chúng tôi kiểm tra mới biết một mảnh bom găm sâu vào dưới cơ thể người lính trẻ. Cuộc chiến có những ký ức đau đớn lắm”, bà Phùng Thị Ánh nghẹn giọng.
Suốt 5 năm từ 1971-1975, Tiểu đoàn Trưng Trắc kiên cường bám trụ trên hai mái Đông-Tây Trường Sơn, đối đầu với mưa bom bão đạn, chất độc da cam do Mỹ rải xuống.
Bảy chị em đã hy sinh, hơn 30 người bị thương. Những người còn lại, sau những trận sốt rét ác tính thì làn da con gái dần xanh tái và tóc rụng khỏi đầu. Nhưng họ thầm lặng chịu đựng và vượt lên để bám đường, bám tuyến.
“Gian khổ, ác liệt vậy nhưng Tiểu đoàn Trưng Trắc đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo đảm cho dòng người, dòng xe ngày đêm nối nhau ra trận, bảo đảm cho đường dây thông tin được thông suốt, kịp thời cấp cứu thương binh,” bà Đồng Thị Mai hồi tưởng.
Nhưng tuyến lửa không chỉ có Tiểu đoàn Trưng Trắc. Lực lượng chiến đấu ở Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là binh chủng hợp thành với quân số khoảng 120.000 cán bộ, chiến sĩ và trên 10.000 thanh niên xung phong. Trong đó, lực lượng nữ có lúc lên đến 18.000 người, chủ yếu làm nhiệm vụ mở đường, giao liên, quân y...
Hằng ngày chứng kiến đồng đội ngã xuống nhưng bằng sự can đảm, bền bỉ, khát vọng và cả những hồn nhiên đời thường, họ làm nên “Tượng đồng, vách sắt” tại con đường huyết mạch - con đường quyết thắng này.
Họ hóa thân thành những huyền thoại như 10 cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn quyết tử cho mạch máu Truông Bồn quyết thông; các nữ Thanh niên xung phong ở “Hang tám cô” đường 20 quyết thắng; Trung đội nữ lái xe Trường Sơn dũng cảm kiên cường...
Nói về vai trò của các nữ chiến sỹ trên tuyến lửa Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, cho biết quyết định đưa lực lượng nữ vào chiến trường nói chung và Trường Sơn nói riêng thể hiện niềm tin của Đảng, Nhà nước về vai trò, vị trí của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng.
Họ có mặt ở mọi cung, tuyến, lĩnh vực hoạt động trên chiến trường Trường Sơn, kể cả những tuyến trọng điểm ác liệt nhất và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau.
“Đây là một lực lượng hùng hậu đã góp phần lập nên nhiều kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Thiếu tướng Võ Sở khẳng định.
Ngày 30.4.1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất. Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ đã nằm lại đại ngàn Trường Sơn, những người còn lại trở về đời thường, thực hiện trách nhiệm công dân, cống hiến cho đất nước.
Như với những “nữ binh” Tiểu đoàn Trưng Trắc, chị Ngô Ngọc Thanh hiện là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; chị Vũ Thị Thúy Lành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Tường; chị Nguyễn Thị Thịnh, nguyên Chủ tịch huyện Mỹ Đức...
Nhưng từ đây lại mở ra thời kỳ mới, lớp con cháu của những nữ binh năm xưa đã kế thừa truyền thống anh hùng.
Lực lượng phụ nữ có mặt hầu hết các lĩnh vực công tác của Quân đội để lao động, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới cũng như xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân.
Theo TTXVN