Cuộc đời Huyền Quang gắn liền với nhiều truyền thuyết minh chứng cho tấm lòng đức độ vô biên của bậc tôn giả.\
Giếng Ngọc gắn liền với truyền thuyết về giấc mơ kỳ lạ của Thiền sư Huyền Quang
Côn Sơn không chỉ có non nước hữu tình, nơi gắn liền với danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi mà còn là "chốn về" của Huyền Quang tôn giả, vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm. Cuộc đời Huyền Quang gắn liền với nhiều truyền thuyết minh chứng cho tấm lòng đức độ vô biên của bậc tôn giả.
Giũ bỏ vinh hoaCơ duyên đến với Phật pháp của Đệ tam tổ Huyền Quang là cả một chặng đường dài, sau khi ông đã đỗ đạt làm quan, thụ hưởng vinh hoa phú quý chốn cung đình. Nhưng chính điều ấy đã để lại ấn tượng lớn với người đời về tài năng và tấm lòng đức độ của một nhà sư dám khước từ mọi cám dỗ vật chất để mang Phật pháp đến với mọi người. Theo sách sử Phật giáo ghi lại, Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái (sinh năm 1254, quê ở huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Ở tuổi mười chín, đôi mươi, Huyền Quang đã đỗ đầu các kỳ thi Hương, thi Hội. Năm 28 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên. Nếu như trước đây, vì gia cảnh nghèo khó mà mãi chẳng thể tìm được "bạn trăm năm", thì sau khi đỗ đạt, biết bao gia đình giàu có trong vùng đều hứa gả con gái cho ông. Thậm chí vua Trần còn gọi ông đến, ban gả công chúa Liễu Nữ. Nhưng là người hiểu nhân tình thế thái, bởi lúc nghèo khó mọi người chẳng đoái hoài, khi có chút công danh lại tìm cách giao ước tình thân nên ông đã từ chối tất cả để chuyên tâm vào công việc được giao. Nhờ tài năng và chăm chỉ học hành, ông thông thạo thư tịch, đối đáp trôi chảy khiến sứ giả phương Bắc phải nể phục.
Sau khoảng 20 năm làm quan, cuộc đời của Lý Đạo Tái rẽ sang một hướng khác khi ông cùng vua Trần lên chùa Vĩnh Nghiêm nghe giảng đạo Phật. Lý Đạo Tái ngộ ra rằng: "Làm quan là lên được Bồng Đảo, đắc đạo mới đến được Phổ Đà". Vậy là, ông dâng tấu xin vua cho từ quan, xuất gia nguyện kiếp tu hành.
Đạo hạnh vang xa
Du khách thành tâm trước tòa Đăng Minh bảo tháp - nơi đặt xá lị Huyền Quang tôn giả
Sau khi trở thành "người nhà Phật", ông được ban pháp hiệu là Huyền Quang tôn giả. Ông vâng lệnh vua đi giảng kinh, thuyết giáo cho nhiều học trò trong cả nước và soạn các bản kinh Phật học để truyền bá trong dân gian. Những quyển sách ông viết từng được vua khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn, khảo đính thì không thể thêm bớt được một chữ nào nữa”. Sau khi trở thành đệ tử xuất sắc của Pháp Loa, Huyền Quang được giao trụ trì chùa Vân Yên, trên dãy Yên Tử nơi phát tích dòng thiền Trúc Lâm. Sau đó, ông về trụ trì chùa Thanh Mai và chùa Hun (chùa Côn Sơn ngày nay).
Biết về Huyền Quang, nhiều người còn nhớ câu chuyện nàng Điểm Bích. Dù đi tu chưa được bao lâu song Huyền Quang đã trở thành một tôn giả lừng danh, tiếng đồn truyền tới tai triều đình. Một hôm vua Anh Tông hỏi các quan hầu cùng đạo tăng: “Huyền Quang lão sư sống như tấm gương trong không mờ bụi, thế là dồn lấp tình dục hay không có dục tình?”. Đại thần Mạc Đĩnh Chi bước ra tâu: “Vẽ hổ chỉ vẽ ngoài da, khó vẽ trong xương, xin hãy cho thử mới biết…”. Vua Anh Tông nghe theo, liền ngầm cho mời cung nhân Điểm Bích, đẹp người lại thông kinh sử đến dặn dò: “Vị tăng kia vốn giới hạnh cao nghiêm, ngươi hãy đến Yên Tử tìm hiểu cho trẫm. Nếu quả vị tăng ấy còn quyến luyến dục tình thì ngươi hãy tìm cách xin một thoi vàng về đây cho ta”. Vâng lệnh lên chùa nhưng sau khi dùng đủ mọi kế, Điểm Bích hiểu rằng, Huyền Quang là người giữ giới hạnh, khó có thể dùng sắc đẹp quyến rũ được. Tuy nhiên, vốn là người thông minh, Điểm Bích nảy ra một kế. Sáng sớm hôm sau, Điểm Bích lại tìm đến gặp sư Huyền Quang giả vờ than khóc nói là con nhà khoa bảng, cha làm quan thu thuế bị cướp sạch bạc tiền, nếu không hoàn trả, cả nhà sẽ bị tội nặng. Vốn giàu lòng từ bi, Huyền Quang lấy vàng do vua ban tặng đưa cho Điểm Bích… Sau khi có được vàng, Điểm Bích trốn về cung tâu dối với vua vu cho Huyền Quang vẫn còn dục tình. Để kiểm chứng chắc chắn vua Anh Tông liền sai mở hội Vô Già ở phía tây đô thành và sai sứ đi Yên Tử mời Huyền Quang về làm án pháp.
“Chùa Côn Sơn được người đời coi là “chốn về” của Huyền Quang. Bởi ở nơi đây, vị Tam tổ đã gắn bó những năm cuối đời, để lại nhiều dấu ấn trong kiếp tu hành của mình”.
|
Tuy nhiên, trước sự chứng giám của trời đất, Huyền Quang đã chứng minh được tấm lòng trong sáng của mình khiến mọi người càng mến phục. Dù là thực hay chỉ là truyền thuyết kể lại, nhưng sự việc này chính là dấu ấn để khẳng định "chân tu" của Huyền Quang đã đạt đến độ chín muồi, đạo hạnh vang xa, người người kính trọng...
Chùa Côn Sơn được người đời coi là "chốn về" của Huyền Quang. Bởi ở nơi đây, vị Tam tổ đã gắn bó những năm cuối đời, để lại nhiều dấu ấn trong kiếp tu hành của mình. Đến với chùa Côn Sơn ngày nay, du khách thập phương xa gần vẫn có thói quen nhấp ngụm nước Giếng Ngọc để gột rửa bụi trần, mong sức khỏe, bình an. Nguồn nước trong lành mát rượi giữa lưng chừng núi ấy chính là mạch nước thiêng do Huyền Quang tôn giả tìm ra. chuyện kể rằng, những năm trụ trì chùa Côn Sơn, ông luôn trăn trở muốn tìm nguồn nước thanh tịnh phục vụ cho việc tế lễ. Rồi một đêm rằm tháng 7, Huyền Quang mơ thấy vị tiên ông báo mộng, chỉ cho chỗ có long mạch để lấy nước từ núi Kỳ Lân chảy xuống. Khi tỉnh dậy, làm theo lời chỉ dẫn của vị tiên ông trong mơ, quả nhiên ông đã tìm được nguồn nước quý.
Không chỉ tìm ra Giếng Ngọc, Huyền Quang còn quan tâm việc mở mang cảnh chùa, xây dựng đài cửu phẩm liên hoa, am Bạch Vân... xây dựng chùa Côn Sơn xứng tầm là một trong những nơi hội tụ phật giáo trong vùng. Ngày 23 tháng giêng năm 1334, Huyền Quang viên tịch tại chùa. Xá lị của ông được đặt trong tòa Đăng Minh bảo tháp do nhà vua cho xây dựng phía sau chùa. Ngày nay, đoàn người hành hương về Côn Sơn khi bước chân lên những bậc đá phía sau chùa vẫn chắp tay bái vọng vị Tổ thiền sư. Ngày mất của Huyền Quang cũng được nhân dân lấy làm ngày hội mùa xuân ở Côn Sơn.
Tiến sĩ Trần Đình Ngôn, tác giả kịch bản vở chèo "Huyền Quang tôn giả" nhận định: "Huyền Quang tôn giả là một tấm gương sáng, mẫu mực của đạo đức người làm quan và tu hành. Khi làm quan ông luôn liêm khiết, chính trực và thanh bần. Lúc tu hành thì một lòng theo đạo, làm gương cho người, không ngã lòng vì bất kỳ cám dỗ nào. Có thể khẳng định, ông là người đức hạnh tuyệt vời khi sẵn sàng từ bỏ công danh phú quý để đến với con đường giáo hóa chúng sinh, giúp cho mọi người có cuộc sống tốt lành".
NGỌC THANH