Huyện nào có số người đỗ tiến sĩ Nho học nhiều nhất cả nước thời phong kiến?

25/07/2023 16:56

Dù theo địa giới hành chính trước hay sau năm 1900 thì Nam Sách vẫn là huyện đứng đầu cả nước về số người đỗ tiến sĩ Nho học.


Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (ảnh tư liệu)

Trong suốt chặng đường khoa cử Việt Nam (1075-1919), xứ Đông xưa, Hải Dương ngày nay là tỉnh nổi tiếng cả nước về truyền thống khoa bảng với 486/2898 vị tiến sĩ Nho học.

Trong đó nổi bật nhất là làng Mộ Trạch (Tân Hồng, Bình Giang) được mệnh danh là "làng tiến sĩ", "lò tiến sĩ xứ Đông" với 39 vị.  Huyện Nam Sách nhiều tiến sĩ nhất tỉnh Hải Dương với 106 vị (tính theo đơn vị hành chính trước năm 1900), 123 vị theo địa giới hành chính trước năm 2008. Còn theo đơn vị hành chính hiện nay có 107 người, gồm: 6 trạng nguyên, 4 bảng nhãn, 4 Thám hoa, 23 hoàng giáp, 66 tiến sĩ và 4 học vị tương đương với tiến sĩ. 

Nam Sách không chỉ đứng đầu Hải Dương mà còn dẫn đầu cả nước về số người đỗ đại khoa, tính theo đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo một số sách khảo cứu cấp tỉnh, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Văn miếu Quốc Tử giám - nơi diễn ra các hoạt động học tập, thi cử của cả nước - ở kinh thành Thăng Long là điều kiện thuận lợi cho các sĩ tử miền Bắc học tập nên những số người đỗ đại khoa tập trung nhiều các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định...

Thông tin từ một số cuốn như: “Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh”, Lê Viết Nga (chủ biên), xuất bản năm 2003; "Giáo dục và khoa cử Thăng Long, Hà Nội", Bùi Xuân Đính, năm 2010; “Các nhà khoa bảng Hưng Yên (1075-1919)", Dương Thị Cẩm (1999), Sở Văn hóa Hưng Yên xuất bản, có thể thấy dù phân chia theo địa giới hành chính trước năm 1900 hay sau năm 1900 thì Nam Sách vẫn đứng đầu danh sách đơn vị cấp huyện và tương đương về số người đỗ đại khoa, đứng thứ hai là Bình Giang, cũng thuộc Hải Dương. Ở vị trí kế tiếp là TP Từ Sơn (Bắc Ninh), các huyện Thường Tín (Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên), quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), huyện Nam Trực (Nam Định)...

Hầu hết các nhà khoa bảng huyện Nam Sách sau khi đỗ đạt đều ra làm quan, đem tài năng, tâm huyết của mình để cống hiến cho đất nước, cho quê hương trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, giáo dục... 

Thời Lý, có Mạc Hiển Tích sau khi đỗ đầu khoa thi chọn người giỏi văn học năm Bính Dần (1086) được bổ dụng chức Hàn lâm viện Học sĩ, về sau ông làm quan đến chức Thượng thư (không rõ ở bộ nào). 

Thời Trần, tiếp nối tiên tổ, Mạc Đĩnh Chi có hai lần đi sứ nhà Nguyên. Lần thứ nhất diễn ra vào năm Mậu Thân (1308); lần thứ hai diễn ra vào năm Giáp Tý (1324). Bằng trí thông minh, tài ứng đối linh hoạt, ông đã khiến vua quan nhà Nguyên phải tâm phục, khẩu phục, tấn phong làm Lưỡng quốc Trạng nguyên. 

Thời Lê có bảng nhãn Ngô Hoán được triều đình cử giữ chức Hiệu thứ đông Các đại học sĩ. Năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) đời vua Lê Uy Mục, ông được cử làm Hiến sát ở Thanh Hóa, sau thăng đến chức lễ bộ Thượng thư. Ngô Hoán không chỉ là một vị quan thanh liêm, chính trực mà ông còn là một nhà thơ lớn ở thế kỷ 15. Dưới triều vua Lê Thánh Tông, ông là một trong những thành viên của hội Tao Đàn “Nhị thập bát tú”. 

Trong số 5 hội viên Hội Tao Đàn của vùng đất Hải Dương, Nam Sách có đến 4 người là Trần Sùng Dĩnh, Ngô Hoán, Vũ Dương và Nguyễn Hoản. Những tác phẩm thơ ca của họ chủ yếu được biên chép trong sách Toàn Việt thi lục (Trần Sùng Dĩnh có 6 bài thơ họa thơ Lê Thánh Tông; Ngô Hoán có 13 bài thơ, Nguyễn Hoản có 7 bài thơ họa Quỳnh Uyển cửu ca, Vũ Dương có 10 bài thơ họa Quỳnh uyển cửu ca). Thời Mạc có Tiến sĩ Trần Bảo (người Quan Sơn, nay thuộc xã An Sơn) là người rất giỏi về văn chương, là bậc thầy được đương thời kính trọng. Giới văn chương thời ấy coi văn chương của Trần Bảo là mẫu mực. Trần Bảo đặc biệt giỏi quốc âm. Ông để lại các tác phẩm như: Chí Linh phong thổ ký, Vương Thăng truyện, Ngư tiều canh mục phú... đều được lưu truyền ở đời.

Thời Lê trung hưng đóng góp nổi bật nhất là đóng góp của ba cha con, ông cháu Tiến sĩ Trần Thọ (1639-1700), Trần Cảnh (1684-1758) và Trần Tiến (1709-1700). 

Trần Thọ được triều đình giao nhiều chức quan như Giám sát Ngự sử; Lê khoa Cấp sự trung, Phó Đô Ngự sử… Bên cạnh sự nghiệp chính trị, ông còn để lại cho hậu thế một số bài văn bia và 3 bài thơ được chép trong Toàn Việt thi lục. Với những đóng góp nhất định của ông đối với quê hương, đất nước, ông được sử gia triều Nguyễn đánh giá là một trong những nhân vật tiêu biểu đời hậu Lê của tỉnh Hải Dương.

Trần Cảnh giữ chức vụ như Giám sát Ngự sử, Phủ doãn phủ Phụng Thiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tham tụng, Thượng thư. Đối với giáo dục, ông từng làm Giám thí tại trường Sơn Tây (năm Bảo Thái thứ 7 (1726), trường Tuyên Quang (năm Vĩnh Hựu thứ 1 (1735), trường Nghệ An (năm Vĩnh Hựu thứ 4 (1738), Đề điệu trường Thanh Hoa (năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743). Về trước tác, ông từng viết Minh nông chiêm phả vào năm Quý Hợi (1743), nhuận văn bia Hậu thần bi kí/Hậu thánh bi kí. Ông được sử gia triều Nguyễn ghi nhận “có nhiều công trạng, được thăng tước Quận công”.

Trần Tiến từng làm Giám thí khoa thi Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 30 (1769). Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị độc. Ông có nhiều tác phẩm rất có giá trị, mà quan trọng nhất là sách Niên phả lục, Đăng khoa lục sưu giảng, Cát Xuyên thi tập (thể thơ), Cát Xuyên tiệp bút (theo thể ký)… có giá trị sử liệu tham khảo rất cao. 

Như vậy với 107 vị tiến sĩ Nho học thời phong kiến, Nam Sách không chỉ đứng đầu tỉnh Hải Dương mà còn dẫn đầu cả nước về số người đỗ đại khoa. Thành tựu đó nói lên tinh thần hiếu học, ý chí học hành, coi trọng chữ nghĩa của người dân nơi đây, tạo thành truyền thống khoa bảng nổi danh, xứng đáng là vùng đất địạ linh nhân kiệt. 

 HƯƠNG THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Huyện nào có số người đỗ tiến sĩ Nho học nhiều nhất cả nước thời phong kiến?