Bình Giang là huyện đầu tiên hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, được nhiều địa phương trong tỉnh học tập...
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Bình Giang đã đẩy mạnh phong trào dồn điền đổi thửa, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng nông thôn mới.
Toàn huyện Bình Giang hiện có 4 máy cấy, 15 máy làm đất cỡ lớn và 120 máy gặt đập liên hợp
Sớm vào cuộcTrước khi dồn điền, đổi thửa (DÐÐT), xã Bình Xuyên gặp nhiều khó khăn. Ðể nhân dân hiểu và ủng hộ phong trào, các đồng chí lãnh đạo xã phụ trách thôn đã đến từng nhà dân để vận động, giải thích cho nhân dân hiểu lợi ích của việc DÐÐT. Nhiều cán bộ xã đã tự nguyện nhận ruộng xấu, ruộng xa làm gương cho nhân dân. Trình tự bốc phiếu, đo đất ngoài thực địa đều được xã thực hiện công khai, nghiêm túc nên người dân rất tin tưởng. Việc DÐÐT ở Bình Xuyên diễn ra nhanh, gọn, không phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện. Sau 4 tháng, xã đã hoàn thành việc giao ruộng ngoài thực địa. Mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa ruộng, giảm từ 2-3 thửa so với trước đây. Trong đó có 115 hộ chỉ còn 1 thửa, thửa lớn nhất có diện tích trên 8.700 m², thửa nhỏ nhất là 1.000 m², có 10 thửa ruộng diện tích 7.000 m²/thửa.
Sau DÐÐT, việc canh tác của nông dân xã Bình Xuyên thuận lợi hơn rất nhiều. Ðây chính là cơ sở thực tiễn để huyện Bình Giang ban hành kế hoạch và các xã xây dựng đề án đẩy nhanh tiến độ DÐÐT. Ðến hết năm 2014, 15 xã đã cơ bản thực hiện xong việc DÐÐT. 2 xã là Tráng Liệt, Hưng Thịnh và thị trấn Kẻ Sặt do diện tích đất nông nghiệp còn ít nên không phải DÐÐT. Sau khi DÐÐT, toàn huyện còn 48.403 thửa, giảm 34.727 thửa so với trước đây, trung bình dưới 2 thửa/hộ. Tổng kinh phí thực hiện DÐÐT của huyện hơn 51,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí của tỉnh, huyện và xã hơn 12,5 tỷ đồng, còn lại do nhân dân đóng góp, trung bình 220.000 đồng/sào. Nhân dân hiến gần 385 ha làm đường giao thông và kênh mương. Sau DÐÐT, huyện làm được 880 km đường giao thông và 651 km kênh mương thủy lợi. Với kết quả trên, Bình Giang là huyện đầu tiên trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc DÐÐT.
DÐÐT là một trong những cơ sở để các xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðến nay, huyện Bình Giang có 2 xã là Nhân Quyền và Bình Xuyên được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia NTM. Năm nay, huyện phấn đấu có thêm 3 xã nữa là Long Xuyên, Thái Học và Tân Hồng đạt chuẩn NTM.
Ông Vũ Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang cho biết: Ðạt được kết quả trên, trước hết đó là sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Huyện ủy, sự điều hành trực tiếp của UBND huyện. Ban chỉ đạo huyện đã tích cực tìm các giải pháp, đôn đốc, giúp đỡ cấp xã trong quá trình triển khai. Cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Ðó còn là kết quả của sự ủng hộ nhiệt tình, chủ động thực hiện của người dân trên cơ sở "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Mơ ước thành hiện thựcDÐÐT đã thật sự tạo ra một cuộc "cách mạng" trên đồng ruộng của Bình Giang. Trước hết, đó là việc khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ trước đây. Từ đó thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Toàn huyện hiện có 4 máy cấy, 15 máy làm đất cỡ lớn và 120 máy gặt đập liên hợp. Vài vụ lúa gần đây, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất và gặt của huyện lên đến 90%. DÐÐT còn thuận lợi cho việc hình thành các vùng sản xuất lúa quy mô lớn. Hiện nay, huyện có 6 vùng lúa quy mô từ 50 ha/vùng trở lên chuyên cấy giống Bắc thơm số 7 và nếp 97; 40 vùng quy mô từ 15-20 ha. Việc hình thành các vùng sản xuất tập trung thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều tiết nước tưới, phòng trừ sâu bệnh, các giống trong vùng tập trung cao hơn từ 15-20% so với những giống lúa cùng loại không nằm trong vùng sản xuất tập trung.
Trước đây, gia đình bà Phạm Thị Lượm ở thôn Bá Thủy (Long Xuyên) có gần 1 mẫu ruộng ở nhiều khu đồng khác nhau. Sau DÐÐT, gia đình bà còn lại 2 mảnh. Bà Lượm phấn khởi cho biết: "So với trước đây, làm ruộng bây giờ nhàn hạ hơn nhiều. Trước đây, 1 sào ruộng tôi phải bỏ ra khoảng 450.000 đồng tiền thuê máy làm đất, công gặt, tuốt lúa thì hiện nay tôi chỉ mất 350.000 tiền thuê máy làm đất và máy gặt, giảm được 100.000 đồng do không phải thuê máy tuốt lúa. Hiệu quả canh tác tăng mà lại giảm mệt nhọc".
DÐÐT cũng tạo ra cơ hội cho những người muốn làm ăn lớn. Ðứng trước trang trại của gia đình, anh Trần Ðình Hệ ở thôn Trại Như (Bình Xuyên) chia sẻ: "Tôi luôn mong muốn xây dựng trang trại chăn nuôi nhưng bao năm rồi vẫn không thực hiện được vì rất khó thuê đất. Nhiều nhà cho thuê nhưng lại rải rác ở nhiều khu khác nhau, không tập hợp được thành một khu. Sau DÐÐT, việc thuê đất thuận tiện hơn nhiều nên ngoài diện tích của gia đình, tôi còn mua thêm để tăng trang trại lên 5 mẫu. Ngoài cấy lúa, tôi còn nuôi gia cầm, xây dựng ao nuôi cá chạch, tạo nguồn thu ổn định cho gia đình".
DÐÐT tạo ra những mảnh ruộng rộng lớn thuận tiện cho cơ giới hóa, nắm bắt được xu thế này, nhiều người đã chủ động mua sắm máy móc phục vụ nông dân và cũng làm giàu cho chính mình. Tiêu biểu là anh Bùi Văn Huấn ở thôn Kinh Trang (Thái Dương). Anh Huấn đã sắm máy móc để thực hiện dịch vụ làm đất, thu hoạch, sấy nông sản... cho nông dân trong và ngoài huyện.
Thời gian tới, Bình Giang tiếp tục chỉ đạo 3 thôn còn lại hoàn thành DÐÐT vào tháng 12 năm nay, đồng thời tập trung chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trong những năm tiếp theo. Huyện tiếp tục quy hoạch để hình thành cánh đồng mẫu lớn, đưa các giống mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng.
HÀ NGÂN