Đây là một trong những nội dung mới quan trọng trong dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 7, sáng 18.1.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, qua tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định của dự thảo Luật về xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng. Có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp cá nhân vi phạm quy định của Nhà nước từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được khen thưởng nhưng sau đó mới bị phát hiện thì bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.
Thường trực Ủy ban Xã hội tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh lý Điều 92 của dự thảo luật. Đáng chú ý là quy định hủy bỏ danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng, thu hồi hiện vật và tiền thưởng đối với các trường hợp gian dối trong việc kê khai thành tích; Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định.
Cá nhân phạm tội bị áp dụng từ hình phạt tù có thời hạn trở lên hay pháp nhân thương mại phạm tội bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước. Trường hợp được tòa án xét xử lại không phạm tội như trên thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.
Đánh giá cao đề xuất bổ sung quy định trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đã có trường hợp bị hủy danh hiệu Anh hùng LLVT vì khai không đúng thành tích. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là quy định cứ bị án phạt tù thì bị tước danh hiệu liệu có thỏa đáng khi mà có người phạm tội do vô ý.
“Phạm tội có nhiều hình thức. Có hành vi liên quan đến phẩm chất, tư cách của người phạm tội thì không nói làm gì, nhưng vô ý như lỡ làm cháy nhà dẫn đến thiệt hại lớn, gây tai nạn giao thông nên bị phạt án tù thì sao, nên cụ thể nhóm tội nào mới bị tước danh hiệu chứ không nên chung chung”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải làm rõ vì “dư luận nói có doanh nghiệp nhận huân chương mà liên quan vụ án”. Cái nào vi phạm pháp luật về thi đua khen thưởng, cái nào không.
“Lúc làm khai đúng, quy trình đúng, cơ quan đề xuất cũng căn cứ thành tích lúc đó nhưng sau này vụ án mới phát hiện ra thì tước hay thu hồi, nên quy định cho rõ”, ông Vương Đình Huệ nói.
Dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 và sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Theo VOV