Với mong muốn cùng thế giới hành động vì môi trường Xanh-Sạch-Đẹp, chương trình hưởng ứng Ngày quốc tế không khói xe diễn ra tại Hà Nội vào 25-9.
Với mong muốn cùng thế giới hành động vì môi trường, nhằm xây dựng Việt Nam tương lai Xanh-Sạch-Đẹp hơn, tiết kiệm chi phí giao thông và nguồn năng lượng, góp phần phát triển bền vững, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức Ngày quốc tế không khói xe năm 2011 với chủ đề “Hanoi Green Walking” diễn ra vào ngày 25-9 tới.
“Ngày quốc tế không khói xe” là một chương trình ý nghĩa, khởi đầu từ sự kiện khủng hoảng dầu năm 1970, sau đó là những sự kiện nhỏ lẻ tương tự diễn ra hàng năm, nhưng phải đến năm 1999 sự kiện này mới diễn ra rầm rộ tại châu Âu và từ đó đến nay được coi là sự kiện quốc tế.
Năm nay, hơn 1.500 thành phố trên thế giới hưởng ứng “Ngày quốc tế không khói xe”, trong đó có Toronto, Montreal (Canada), Moscow (Nga), Quảng Châu, Hàng Châu (Trung Quốc)… với nhiều hoạt động “không gây khói” như không đi làm bằng xe hơi, đi xe đạp…
Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thì việc sử dụng các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy và các phương tiện “gây khói” ngày càng nhiều. Khi các phương tiện này hoạt động đã thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại khổng lồ. Khí thải từ các phương tiện gây khói là sản phẩm của quá trình đốt cháy nhiên liệu gồm hàng trăm chất gây ô nhiễm; làm gia tăng độ hoạt tính của các gốc tự do và gây tổn thương AND; là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính và làm cho Trái đất nóng lên.
Về mặt kinh tế, hàng triệu USD đã bị thất thoát do quá trình đốt cháy nhiên liệu. Nguồn nhiên liệu này ngày càng bị khai thác nhiều nên gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên môi trường và làm giảm tính phát triển môi trường bền vững.
Nhân Ngày quốc tế không khói xe, xin nêu một vài con số để bạn đọc suy ngẫm…
Theo các chuyên gia môi trường Việt Nam, hiện nay, lượng phương tiện tham gia giao thông quá đông đã làm cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai thành phố lớn nhất nước luôn rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Tính từ năm 2009 đến hết năm 2010, trung bình mỗi tháng Hà Nội có thêm 10.000-15.000 phương tiện, trong đó khoảng 3.000 - 5.000 xe ô tô.
Mỗi năm, bầu không khí thành phố phải “chịu đựng” 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2, con số khủng khiếp cho một thủ đô có khu vực nội thành không lớn.
Cũng theo các chuyên gia, hàng năm, TP Hồ Chí Minh tổn thất trên 50 triệu USD và Hà Nội mất đi trên 20 triệu USD do ô nhiễm không khí, mà nguyên nhân trực tiếp là do khí thải và bụi gây ra.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả quan trắc tại một số thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...) cho thấy khí độc hại gây ô nhiễm phát thải từ phương tiện giao thông chủ yếu là CO, các oxit nitơ, hơi xăng dầu, bụi, chì, benzen và bụi PM 2,5 (một loại bụi mịn trong không khí). 100% kết quả đo bụi đều vượt quy chuẩn.
Với mức độ ô nhiễm như vậy, nguy cơ bệnh tật cho con người càng tăng cao.
Chính vì thế, hoạt động nhân ngày Ngày quốc tế không khói xe được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức (từ năm 2008) đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân.
Chỉ diễn ra 1 lần trong năm nhưng hy vọng "Một ngày không khói xe" sẽ tạo sự cộng hưởng mạnh mẽ tới ý thức của mỗi người để điều này không chỉ là lời kêu gọi.
Nguyễn Chiến (Chinh phu)