Thời gian qua, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh tập trung hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường (BVMT) hướng tới xây dựng các KCN xanh, phù hợp với xu thế hiện nay.
Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Đại An luôn kiểm soát chặt chẽ quy trình xử lý nước thải
Các nhà đầu tư chủ động
Hải Dương hiện có 10 KCN đang hoạt động. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư các KCN đều tuân thủ chặt chẽ những quy định về BVMT. Các KCN đang hoạt động đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, bảo đảm đúng quy định. Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang là chủ đầu tư của 3 KCN Nam Sách, Phúc Điền và Tân Trường. Ông Phạm Văn Hồng, Giám đốc công ty cho biết hiện tại cả 3 KCN này đều đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nước thải sau xử lý đạt mức A trước khi xả ra môi trường. "Đối với các nhà đầu tư thứ cấp, chúng tôi yêu cầu tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực BVMT, xây dựng hoàn chỉnh các công trình BVMT theo quy định. Toàn bộ nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt phải được xử lý sơ bộ trước khi đấu nối trực tiếp vào hệ thống thu gom, xử lý chung của KCN", ông Hồng nói.
Hiện tại, KCN Đại An và Đại An mở rộng đều xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt chuẩn. Nước thải sau xử lý đạt mức A trước khi xả ra môi trường. "Năm 2018, công ty đã hoàn thành việc xây dựng, vận hành trạm xử lý nước thải KCN Đại An mở rộng với công suất 2.500 m3/ngày đêm. Công ty cũng yêu cầu các nhà đầu tư thứ cấp phải xử lý nước thải đạt cột B trước khi xả vào hệ thống thu gom, xử lý chung của KCN", bà Trần Thị Mến, cán bộ phụ trách môi trường Công ty TNHH một thành viên Phát triển hạ tầng KCN Đại An cho biết. Đặc biệt, trong KCN Đại An, nhiều nhà đầu tư thứ cấp còn có cơ chế giám sát ngược đối với KCN. Nếu nước thải sau xử lý của KCN không đạt chuẩn, khách hàng sẽ ngừng ký hợp đồng nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp có yêu cầu rất khắt khe với công tác BVMT của KCN. Hiện tại, các KCN trong tỉnh có 186 ha cây xanh, mặt nước, chiếm 12,6% tổng diện tích đất các KCN, vượt yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tăng cường quản lý
Thời gian qua, việc phát triển các KCN đặt ra nhiều thách thức với công tác BVMT. Vì vậy, chủ đầu tư các KCN khuyến khích các doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng phương thức sản xuất sạch, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí. Hiện tại đã có 205 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc đang tiến hành xây dựng nhà xưởng trong các KCN. Các ngành nghề đầu tư vào KCN chủ yếu thuộc loại hình công nghiệp nhẹ, công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm nguyên liệu, có mức phát thải thấp, thân thiện với môi trường như lắp ráp linh kiện điện, điện tử... Những ngành nghề có phát sinh nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất đều phải đầu tư hệ thống xử lý bảo đảm chất lượng theo đúng hồ sơ môi trường đã được phê duyệt hoặc xác nhận trước khi đưa vào hoạt động chính thức.
Hiện tại, tổng công suất của các trạm xử lý nước thải trong các KCN khoảng 26.300 m3/ngày đêm. Khối lượng nước thải phát sinh thực tế của các KCN đã xây dựng trạm nước thải đạt khoảng 14.000 m3/ngày đêm, bằng gần 54% công suất thiết kế. Hệ thống xử lý nước thải phát sinh của các doanh nghiệp trong KCN đã được xây dựng hoàn chỉnh, đấu nối trực tiếp vào hệ thống thu gom. Sau khi được xử lý, chất lượng nước thải của các KCN đều bảo đảm quy chuẩn môi trường cho phép. Hiện nay 7 KCN gồm: Đại An, Đại An mở rộng, Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách, Phú Thái, Lai Vu và 3 nhà đầu tư thứ cấp là Công ty TNHH Best Pacific Việt Nam (KCN VSIP), Công ty TNHH May Tinh Lợi, Công ty TNHH Dệt Pacific Crytal (cùng KCN Lai Vu) đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động truyền trực tiếp dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động giúp nâng cao khả năng giám sát của cơ quan chuyên môn, nâng cao tính tự giác của doanh nghiệp đối với hoạt động BVMT.
VỊ THỦY