Nếu công trình xây dựng tạo nên vóc dáng của một đô thị thì cây xanh sẽ là "áo khoác" để tạo nên vẻ đẹp...
Nhiều đường phố ở TP Hải Dương đang được trang trí đẹp mắt bằng hoa, cây cảnh
Như khoác chiếc áo mớiTrong những năm qua, đặc biệt từ năm 2003 đến nay, việc phát triển cây xanh đô thị ở TP Hải Dương đã nhận được sự quan tâm rõ rệt. Mở đầu là việc chỉnh trang, xây dựng mới Công viên Bạch Đằng và một số tuyến đường phục vụ tổ chức môn bóng bàn của SEA Games 22 năm 2003. Nhiều đường phố được trồng mới, chỉnh trang cây xanh, cùng với các công trình kiến trúc tạo nên diện mạo mới cho thành phố. Trên đà phát triển ấy, một cuộc “cách mạng” trong cải tạo, chuyển đổi cây xanh đô thị được thực hiện.
Hiện nay, việc trồng cây xanh đường phố chủ yếu do Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đảm nhiệm. Trước sự thiếu hụt kỹ sư, công nhân lành nghề trong mảng cây xanh, công ty đã quyết định tiếp nhận gần chục kỹ sư trẻ có nghề, đồng thời tổ chức cho cán bộ, kỹ sư, công nhân đi tham quan, học tập ở các đô thị phát triển trong và ngoài nước. Đội ngũ công nhân được cử tới huyện Nam Trực (Nam Định), nơi có nghề làm cây cảnh nổi tiếng; tới các vùng trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội để học, tìm hiểu cách trồng, chăm sóc các loại cây trang trí. Những công nhân của công ty học được cách tạo dáng, thế, uốn tỉa, chăm sóc, từ đó làm cơ sở truyền đạt, hướng dẫn hơn 100 công nhân khác học và làm theo. Các kỹ sư trẻ của Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương kết hợp với cán bộ có kinh nghiệm lâu năm đã mạnh dạn thể hiện các ý tưởng mới. Từng đường phố, công ty dần quy hoạch, cải tạo, trồng cây. Mỗi tuyến phố chỉ trồng 1 đến 2 loại cây, chọn cây thân thẳng, có lá xanh quanh năm như sấu, lát, chẹo, sao đen… hoặc chọn cây vừa có bóng mát, vừa có hoa theo mùa, tạo cảnh sắc cho đường phố như muồng Osaka, muồng vàng, phượng vĩ, bằng lăng, ban… Chị Phạm Thị Liên, cán bộ phụ trách mảng vườn hoa, cây xanh cho biết, việc thay thế cây đường phố phải có thời gian từ 5 - 7 năm. Công ty đã thay thế các cây gạo gai, bàng là loại cây có nhiều sâu, rệp, dễ gẫy, gây nguy hiểm cho người đi đường, phá vỉa hè. Cây được cải tạo phải chặt tỉa dần, tránh để đường phố trống trải. Sau 10 năm liên tục, công ty đã thay thế được gần 10 nghìn cây các loại. Nhiều đường phố được cải tạo thành các phố cây chuyên biệt như đường Hồng Quang trồng cây sao đen; đại lộ Hồ Chí Minh trồng cây lát; đường Trường Chinh, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám trồng cây sấu; đường Thống Nhất, Vũ Hựu trồng cây chẹo… Đến nay, thành phố đã quy hoạch từng loại cây cho từng đường phố, 70% đường nội thành đã trồng đúng chủng loại cây theo quy hoạch.
Với cây trong công viên, cây trên dải phân cách lớn, thành phố bố trí cây bóng mát, kết hợp với một số điểm trồng cây cảnh có hình khối tròn, hình trứng, hình vuông, hình ly cốc, hình rồng, hình con thú làm sinh động hơn. Dưới tán cây, bồn hoa được trồng các loài hoa có màu sắc sinh động, nở hoa theo mùa hoặc quanh năm như các loài hoa cúc, zinnia, mắt nai, ngọc thảo, xác pháo… Ở phía bắc Công viên Bạch Đằng, trên vùng đất khá rộng, trồng hàng trăm loại cây khác nhau như chò, thiết, gạo đỏ, cẩm lai…
Ông Trần Quang Khải ở phường Nguyễn Trãi cho biết: "Tôi thường xuyên tập thể dục, đi dạo trong Công viên Bạch Đằng mỗi chiều, được đi dưới bóng cây thật thư thái. Những cây có nhiều hình tượng, cây hoa và nhiều cây lạ, thảm cỏ xanh mướt làm cho công viên rất sinh động, văn minh, hiện đại. Cây xanh thành phố đã có một bước tiến mới, bắt nhịp được với các đô thị hiện đại".
Tập trung cho tiêu chí cây xanhTrong tương lai gần, TP Hải Dương sẽ tập trung đầu tư tổng lực để lên đô thị loại I. Tiêu chí diện tích trồng cây xanh theo đầu người thành phố còn thiếu. Theo quy hoạch mới thành phố đã định hướng xây dựng các khu đô thị mới, khu sinh thái, đường phố phát triển dọc 2 bờ sông Sặt và sông Thái Bình. Một số khu vực bên sông sẽ xây dựng công viên, khu sinh thái, vườn cây dạo cùng nhiều công sở, nhà hàng. Hiện nay, trên địa bàn TP Hải Dương, hệ thống cây xanh mới chỉ cơ bản hình thành, tập trung tại khu vực nội thành và một số khu dân cư, nhưng diện tích đất dành cho cây xanh còn thấp so với yêu cầu. Việc triển khai trồng cây xanh đường phố tại các khu dân cư, khu tái định cư còn chậm. Để trở thành "thành phố xanh”, TP Hải Dương cần xã hội hóa việc phát triển cây xanh đô thị. Đó là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ, tăng cường sự tham gia giám sát và đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc trồng, chăm sóc và bảo về cây xanh. Thành phố cần thường xuyên chăm sóc cây xanh công viên, chỉnh trang cây xanh đường phố, trồng mới cây bóng mát trên các tuyến đường lớn, xây dựng vườn dạo trong khu đô thị, khu dân cư tập trung; xây dựng vườn ươm đa chủng loại, đa kích cỡ các loài cây; mua sắm thiết bị chuyên dùng; chuẩn bị đầu tư xây dựng các công viên mới, tất cả nhằm xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
TRẦN TUẤN