Nao nao bởi một nỗi mong ngóng, nỗi nhớ thương vời vợi khi Tết sắp chạm cửa ngõ mọi nhà.
Vẫn không khí tấp nập, ồn ã của dòng người hối hả; vẫn khói bụi ngập trời của những ngày phố chật ních xe cộ, hàng hóa; vẫn hoa đào, hoa mai rực đỏ, rực vàng nơi góc phố; vẫn quất căng mọng, lúc lỉu bên vỉa hè mời chào khách mua về chơi xuân, cuối năm nào chả vậy, sao lòng tôi cứ nao nao.
Cuộc sống càng ồn ào, ta càng thèm phút giây tĩnh lại. Đời người càng đi xa, ta càng trân quý những gì xưa cũ. Tết chính là dịp trao cho chúng ta cơ hội bước ngược mọi hối hả để được bình yên, lắng lòng mình với những yêu thương giản dị mà đủ đầy.
Tôi tin vào giá trị của Tết, như những gì Tết đã khuấy động cả khoảng trời ký ức của cuộc đời tôi. Tôi không thể quên nơi ngôi nhà xưa cũ, tiếng chim ríu ran một buổi sớm trong lành, mẹ nhìn xa xăm phía ngọn cây trước nhà lẩm nhẩm, mấy ngày nữa Tết rồi, phải sắm sửa cái này cái kia. Cuốn sổ nhỏ ghi chép khi đi chợ của mẹ bắt đầu đầy lên thực đơn mua sắm: lạt, lá dong, tiêu, thịt ba chỉ, đỗ xanh, giò, mứt dừa, đường, lạc, hương, tiền vàng, hoa quả… Tôi không thể quên cách bố hì hụi gói nắn vuông vắn từng chiếc bánh chưng, tôi ngồi bên há hốc mồm thán phục sự tài tình, tỉ mẩn của bố. Mẹ dạy tôi cách chuẩn bị nguyên liệu trước khi gói bánh chưng, từ khâu chọn gạo nếp cái hoa vàng, hạt to đều thơm mới, đỗ xanh tươi đến khâu chọn lá dong bánh tẻ, lạt giang dẻo, cách ướp thịt ba chỉ với gia vị, hạt tiêu... Kết thúc buổi làm việc say sưa, hai bố con tôi xếp từng chiếc bánh chưng xanh vào nồi, ngắm nghía thành quả của mình với cảm giác phấn chấn vô cùng. Tối đó, chị em tôi thao thức bên bếp củi nghe nồi bánh sôi lục bục và hít hà mùi lá dong dễ chịu lan tỏa khắp căn bếp. Đan xen mùi bánh là mùi khoai lang nướng thơm nức. Thế thôi, mà Tết còn ấm mãi. Sau này khi đi học xa nhà, gần Tết, điều tôi mong mỏi nhất về nhà sớm là được cùng bố gói bánh. Có lẽ với tôi, các công việc chuẩn bị cho Tết còn thích thú hơn cả ngày Tết.
Tôi không thể quên hình ảnh bố tôi run run thắp nén hương trong đêm giao thừa, rồi đôi mắt ông nhìn xa xăm, vời vợi. Bố bảo những ngày Tết đừng bao giờ để hương tắt, cháy hết nén này, ta phải thắp nén khác. Hương sẽ dẫn lối cho ông bà tổ tiên mình tìm về nhà, sum vầy và ăn Tết cùng con cháu.
Hương Tết xưa phảng phất mà quấn quýt, da diết trong nỗi nhớ tôi. Tôi không thể cắt nghĩa được cụ thể, đó là mùi bánh chưng thơm bố tôi gói, mùi dưa hành mẹ tôi muối hay mùi hoa thơm tay chị tôi trồng… Tôi chỉ biết rằng hương Tết tỏa ra từ ký ức đầy yêu thương, nơi đó in đậm bóng dáng những người tôi yêu và suốt đời thương nhớ. Trước bố tôi thắp nhang để mời ông bà tổ tiên về nhà quây quần bên con cháu, còn giờ, tôi thắp nhang mong bố sớm về nhà. Tôi chỉ muốn nói với bố tôi rằng Tết mà, con nhớ bố lắm!
Tản văn của TRẦN NGỌC MỸ