“Hương quê” trong nỗi nhớ người xa xứ

05/05/2013 15:58

Nhà thơ Phạm Văn Đoan quê ở Thái Bình. Anh xa quê vào sinh sống, công tác ở TP Vũng Tàu đã lâu. Có lẽ mỗi khi về quê, nhớ quê, anh đều có thơ để giải tỏa nỗi lòng. Bài thơ “Hương quê” cũng trong hoàn cảnh ấy.

Bài thơ ngắn, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Mỗi khi đọc bài thơ, tôi như thấy anh nói hộ lòng mình, nhất là mỗi lần về quê, âm hưởng ấy lại ngân trong tôi.

“Nhẹ như xa, nặng như gần/Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta”. Từ quê hương ra đi, ngỡ như lòng mình nhẹ nhàng lắm. Và mỗi lần về, bao kỷ niệm thân thương ở quê lại ùa đến, nên nặng lòng chăng? Câu thơ tưởng như nghịch lý. Ra đi phải nặng lòng chứ. Vì mình mang bao nỗi niềm cùng đi cơ mà. Nhà thơ Thâm Tâm chẳng nói: “Đưa người, ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Vậy là sự “đi xa” của Phạm Văn Đoan nhẹ nhưng không nhẹ, mà lắng lại thôi, để đến khi về quê mới nặng thế. Có thế, nhà thơ mới so sánh, mà có hai sự so sánh bằng chữ “như” chỉ trong một câu thơ mở đầu bài thơ như thế. Để câu thơ sau đã rõ ràng, thành thật: “Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta”. Thế là đi - về đều là bâng khuâng, là tâm trạng chung của người xa quê lâu ngày.

Sự tiếp nối tự nhiên của mạch cảm xúc “Mùi hương thoáng đấy rồi xa/Thoáng thôi mà kéo lòng ta chụm về”. Cái hay của thơ là từ cảm giác mong manh để hội tụ thành điều có thật, hiển hiện như cầm nắm được. Mùi hương là mong manh, thoáng đấy thôi, mà như những vòng dây trói lòng người, kéo “lòng ta chụm về”. Cái riêng mà không riêng nữa, để hòa đồng, cùng tụ hợp với những con người thân thiết, gần gũi ở quê. Từng xa quê và mỗi lần về quê, tôi có cảm giác ấy, khi thấy lũy tre đầu làng, thấy ngọn khói bếp tỏa vào không trung. Tôi hình dung bên bếp lửa, mẹ lụi cụi nấu niêu cơm, gặp các bạn tôi thời thơ ấu chơi đánh trận giả, giấu mình trong đống rơm khô... Hương quê của lòng tôi có thể nào quên được? Thế mà xa, chỉ là trong nỗi nhớ. Bởi vậy, đọc những câu thơ trên của Phạm Văn Đoan sao mà tâm đắc, chắc không chỉ riêng tôi.

Chẳng cần nhiều lời, dài dòng, chỉ chấm phá thế là đủ nên nhà thơ đặt bút: “Trời ơi! Sao lạ thế kia/Trăm nghênh ngang cũng dọn về giọt xưa!”. Lại thêm một lần rõ ràng. Người quê đi xa bươn trải làm ăn, hoặc công tác trưởng thành, khá giả để mà “nghênh ngang”, nhưng về quê, nơi sinh ra, đùm bọc thời thơ ấu, cũng hiền lành như giọt nước. Ấy cũng là cái đạo ở đời, ở tình người. “Giọt xưa”, đấy là những kỷ niệm của thời lam lũ, tảo tần, của viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho một cuộc đời. Mà cũng có thể “giọt xưa” sẽ đón người về, sau những năm tháng đi xa và cả khi không còn ở dương gian nữa.

Thơ hay nhiều khi không dài, không nhiều lời, cốt đồng cảm, nhập tâm vào người đọc. “Hương quê” của Phạm Văn Đoan là bài thơ như vậy. Bài thơ chân chất hồn quê, nhẹ nhàng, viết như chơi “thoáng đấy”, “thoáng thôi” mà có sức nặng biểu cảm, tạo sự nhấn trong cảm xúc cho người đọc. Đọc xong bài thơ, tôi cảm thấy như sau khi được tắm trên dòng sông quê mình, được hít thở thứ không khí nồng nồng của hương đồng ngày xưa.

NGUYỄN ĐÌNH XUÂN

Hương quê

           Nhẹ như xa, nặng như gần
Bâng khuâng ấy cứ bần thần lòng ta
           Mùi hương thoáng đấy rồi xa
Thoáng thôi mà kéo lòng ta chụm về.

          Trời ơi! Sao lạ thế kia
Trăm nghênh ngang cũng dọn về giọt xưa!

PHẠM VĂN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Hương quê” trong nỗi nhớ người xa xứ