Tháng 5 này ta lại về thăm quê Bác ở làng Sen. Nơi đó dường như đã là quê chung của mỗi người dân Việt Nam.
Tháng 5 này ta lại về thăm quê Bác ở làng Sen. Nơi đó dường như đã là quê chung của mỗi người dân Việt Nam.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là hoa sen nở rộ và dịp tháng 5 có ngày sinh của Bác Hồ. Hoa sen là sự chắt lọc tinh túy của tạo hóa đất trời mà Bác Hồ “là đài hoa sen tỏa ngát hương đời” (Thuận Yến). Về quê Bác tháng 5 ta bỗng nhận ra hương nắng bắt đầu từ hương sen, từ hoa trái cây vườn, từ lòng người thơm thảo. Đó là nguồn dương khí tinh khiết dồi dào tươi mới rạng rỡ trong ngần lọc qua bao bụi bặm, sương gió để ánh xạ hào quang và bừng sáng lan tỏa. Chỉ có hoa sen mới có “tâm sen”, chữ “tâm” của đạo Phật là hạt giống của tình người, của lòng từ bi bác ái.
Về làng Sen tháng 5, ta thăm lại ngôi nhà Bác ở thời niên thiếu. Hiện ra trước mắt ta với mái nhà tranh vách nứa, những vật dụng sinh hoạt hằng ngày quen thuộc đơn sơ như bao nếp nhà nông thôn khác đã nhuốm màu thời gian. Khu vườn nhỏ trước nhà Bác có những loài hoa rất bình dị, thiết thân với người nông dân Việt Nam như hoa khoai, hoa lạc. Nhìn những hình ảnh đó, ta mới hiểu vì sao Bác, với cương vị Chủ tịch nước vẫn ở nếp nhà sàn lộng gió giữa bát ngát cây vườn muôn hoa khoe sắc; mới hiểu vì sao Bác chăm chút cây vú sữa đồng bào miền Nam tặng với một tình cảm đặc biệt; hiểu vì sao Người có tầm nhìn chiến lược rất nhân văn, đã phát động “Tết trồng cây” với mục đích: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Con người đó, nhân cách cao cả đó đã được sinh ra, nuôi dưỡng, được tắm mình lớn lên trong hương nắng của làng Sen, hương của cuộc đời, hương của sự chắt chiu chắt lọc sưởi ấm, hương của cây đời xanh tươi, hương của tình người đầm ấm.
Trở về làng Sen ta gặp ở đây giọng nói trăm quê, gặp lại xúc cảm bao lứa tuổi không chỉ trong tâm khảm của người con đất Việt mà cả bạn bè quốc tế. Trở về trong hương nắng làng Sen lòng ta như rộng mở hơn, thân thiết, đồng cảm hơn và xích lại gần nhau hơn bởi có chung một tình cảm thiêng liêng với vị cha già dân tộc: “Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời Người là của nước non” (Nguyễn Đình Thi).
Trở về làng Sen mỗi người như bắt gặp ở đây hình bóng của chính quê hương mình mộc mạc đến đơn sơ, bình dị đến gần gũi. Ta cũng như thấy đâu đó hình bóng Bác đang đi giữa “Làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha” để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, với bao niềm kính yêu, bao tình cảm yêu thương tìm về ký ức cội nguồn. Hương sen tháng 5 chính là hương của đạo đức Bác Hồ, phong cách Bác Hồ và tư tưởng Bác Hồ: “Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” (Tố Hữu). Và tên Bác, tấm gương đạo đức phong cách của Bác như một áng ca dao thật hay thuần Việt: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang).
Tản văn của HÀ HUY