Hương mùa xuân

20/02/2015 17:08


Minh họa: Văn Hà


- Khi nào thì mẹ về hả chị Nhân?

- Ờ… Chắc là chỉ ngày mai thôi. Mai là 30 Tết rồi mà, mẹ phải về chứ!

Tôi ngồi rửa đám lá dong ngoài sân giếng, ngước nhìn Lan lăng xăng cầm cây chổi quét nhà và trả lời. Cả ngày hôm nay, nó đã hỏi tôi câu này đến cả chục lần rồi mà không biết chán.

- Chị thử đoán xem mẹ về sẽ mua quà gì cho chị em mình nào? Một con búp bê hình Thuỷ thủ Mặt trăng, một đôi toòng teng giống của con cái Tí này… Ồ, không… Em thích giò nạc, hẳn một cái cơ… Phải rồi! Lâu lắm rồi em chưa được ăn… Nhất định thể nào mẹ cũng mua cho em một cái giò nạc ăn vã cho đã đời!

Tôi nhìn con bé líu lo một hồi, mỉm cười, chợt thấy lòng mình chùng xuống, nao nao…

Có tiếng gọi ngoài cổng, tôi vội vàng chạy ra.  Bố đưa cho tôi một túi thịt lợn rồi dùng tay đẩy chiếc xe lăn vào sân, giọng hể hả:

- Con lợn này nhà bác Đức nuôi được, nên bác ấy bán vốn cho đấy. Con rửa, rồi thái miếng ra, ướp gia vị để bố gói bánh nhé! Thế nồi đỗ xanh đã chín chưa?

-  Dạ, chín rồi bố ạ!

-  Sao nhà cửa im ắng vậy, mẹ con chưa về à?

- Dạ… chưa! Con đoán chắc là mai…

- Ừ… Bố cũng nghĩ thế!

*

Đêm…

Tôi một mình ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng. Cái Lan hí hửng bảo sẽ thức trông bánh cùng chị, nhưng rồi chưa đến chín giờ tối đã lăn quay ra ngủ tít, quên khuấy cả mấy củ khoai nướng dở dang đang vùi trong bếp. Bố tôi cũng vừa chợp mắt được một lát. Những ngày áp Tết, trời đột ngột rét đậm khiến vết thương bên chân phải của ông lại đau nhức…

Tôi nhìn chiếc xe lăn nơi đầu giường, nghe tim mình nhoi nhói… Ký ức về cuộc chiến đấu trong những năm cuối cùng trước khi đất nước được giải phóng vẫn còn ám ảnh trong tâm trí, giữa những tiếng kêu bất chợt thảng thốt, chập chờn trong giấc mơ của ông từng đêm… Đồng lương chính sách ít ỏi không đủ trang trải cho một gia đình với bốn miệng ăn, khiến ông day dứt vô cùng, cảm thấy phần nào có lỗi khi để mẹ tôi lên phố giúp việc cho gia đình một người họ hàng xa giàu có…

Nhiều đêm tôi thấy ông không ngủ, ngồi trên chiếc xe lăn mắt đăm đắm dõi nhìn ra bên ngoài cửa sổ vô định, mung lung… Nếu không có đốm lửa nhỏ cháy nơi đầu điếu thuốc, tôi sẽ ngỡ ông đã hoá thành một pho tượng, câm lặng trong xa xót…

Nhưng ba bố con tôi mong mỏi, chờ đợi đến tận chiều tối ngày 30 mà vẫn không thấy bóng dáng mẹ tôi trở về. Cái Lan sốt ruột, chốc chốc lại chạy ra đầu ngõ, nhìn mãi về phía cuối con đường đồng chênh vênh heo hút, rồi mặt ỉu xìu, giọng nghe như mếu:

- Mẹ không về… Mẹ không về với em nữa rồi, chị Nhân ơi!

Tôi chẳng biết nói gì với em cả, dỗ dành nó đừng khóc mà nước mắt cũng tự dưng cứ tứa ra…

Bố tôi ngồi giữa căn nhà, trong ánh chiều chạng vạng dần tan và bóng tối mờ mờ đang dần choán chỗ không gian, lưng quay về phía cổng, về phía chúng tôi, nhìn vào bức tường gạch lạnh ngắt. Một vệt sáng nhờ nhờ qua khe hở của mái ngói lọt xuống, chiếu thẳng lên đỉnh đầu của ông, hắt lên những sợi tóc bạc một màu óng ánh, rồi cứ yếu dần, yếu dần và chìm hẳn vào trong đêm đen…

Tôi sợ Lan đói, bóc vội một cái bánh chưng, dùng dây lạt xắt ra làm tám phần nhỏ, nhưng nó nguây nguẩy không chịu ăn, cứ thút thít rồi nấc lên thổn thức… Tôi hiểu nó đã mong chờ mẹ về như thế nào. Tôi hiểu bố tôi đã mong chờ mẹ tôi về như thế nào. Và cả tôi, cả căn nhà này… Tất cả đều mong chờ hình ảnh của một người phụ nữ, khát khao như một cánh én bay dọc mùa đông mong được thấy ánh xuân hồng ấm áp…

Có tiếng lạch cạch ngoài ngõ. Bố tôi với tay bật công tắc điện. Căn phòng sáng bừng lên, và hai chị em tôi nằm trên giường bật dậy. Tất cả cùng đổ dồn ánh mắt nhìn ra sân…

Một dáng người còng còng… Là nội tôi.

Nội nhìn lên bàn thờ trống huơ trống hoác, giọng thảng thốt:

- Chết chửa, bố con tụi bay không chuẩn bị cúng giao thừa sao… Con Hậu chưa về à?

 - Dạ, chắc nhà con bận việc gì đó trên ấy nên… - giọng cha tôi trầm trầm.

- Thế, nó không về thì ba bố con mày không định đón Tết chắc? Con Nhân đâu, sang bảo cậu mày bắt cho con gà trống về mà thịt cho nội thắp hương. Con Lan ra vườn, lấy ít bưởi, cam, quất vào để bày mâm ngũ quả.

- Gà con luộc rồi, vẫn để dưới bếp nội à! - tôi lí nhí cất giọng.

- Thế thì mang lên đây. Bố con tụi bay thật là…

Tôi lui cui xuống bếp vớt con gà ra, lóng ngóng thế nào đổ ụp nồi nước luộc xuống đất, nước bắn vào chân bỏng rát. Bố tôi vội lao xe xuống, trông thấy vậy thì luống cuống:

- Con Lan… Con Lan ra vườn lấy ít lá lốt vào đây mà đắp vết bỏng cho chị, mau lên!

- Con không sao đâu mà bố!

- Không sao là thế nào… Xem kìa, da bắt đầu đỏ ửng lên rồi…

Tôi nhìn vào ánh mắt lo lắng của bố tôi, thấy mắt ông ươn ướt… Nhìn ra ngoài sân, chợt thấy thấp thoáng một bóng áo trắng…

 - Mẹ!

Tôi bất ngờ kêu lên. Bố tôi xoay người lại khiến chiếc xe lăn chòng chành suýt đổ.

- Con tưởng mẹ không về nữa… Mẹ có mua giò nạc, mua búp bê cho con không vậy?

Con Lan bổ nhào tới ôm lấy mẹ tôi mà khóc tức tưởi, không để ý trên tay mẹ đang bế một đứa nhỏ…

*

Giao thừa…


Trong khi đám bạn cùng xóm đang í ới ngoài ngõ rủ nhau đi hái lộc đầu năm thì tôi chôn chân trên giường, nhìn ba người: bố tôi, mẹ tôi và bà nội ngồi đối diện với nhau. Con Lan thì ôm thằng cu con ngủ tít ở trong buồng.

- Nhân, đi ngủ đi con! - giọng cha tôi rầu rầu.

- Dạ, con chưa buồn ngủ!

- Đã bảo vào trong buồng ngủ đi mà lại! - cha tôi gắt, khiến cả mẹ tôi và bà nội đều giật mình.

Tôi mắt đỏ hoe nhìn mẹ, lủi thủi đi vào trong buồng… Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ trên phố, nhưng tôi hiểu mức độ căng thẳng của vấn đề là ở đứa nhỏ kia… Tôi ngả lưng xuống giường, mắt thao láo nhìn lên nóc nhà, nghe ngóng và hình dung cơn phẫn nộ của cha sắp sửa bùng phát.

Nhưng không… Không có một sự tranh cãi to tiếng nào cả.

Lát sau, bà nội lò dò bước vào, nằm xuống bên cạnh hai chị em tôi.

- Có chuyện gì không nội? - tôi khẽ hỏi.

-  Chuyện của mẹ con… Không biết bố con nghĩ thế nào, có tin hay không tin nữa… Chị giúp việc ở nhà bên cạnh bị ông chủ cưỡng hiếp có thai, nhưng bảo phá thì nhất định không chịu bỏ. Sợ vợ phát hiện, ông ta cho chị này nghỉ việc, thuê một căn nhà trọ trong một con hẻm gần đó để chị ta sinh con và mướn mẹ con thi thoảng ghé qua chăm sóc…

Rồi chị này sinh nở trong một đêm gió lạnh, không kịp gọi người đưa đến bệnh viện. Khi mẹ con đến thì đứa bé đã chào đời, còn chị này nằm thoi thóp, trao đứa nhỏ lại cho mẹ con rồi tắt thở… Mẹ con bế đứa nhỏ về. Cũng may cô chủ nhà mẹ con giúp việc vừa sinh một bé gái, lại có lòng thương người nên đứa nhỏ mới có cơ hội sống sót đến giờ… Ngại bồng đứa nhỏ về ban ngày bà con trông thấy, người ta dị nghị nên mẹ con phải chờ khi trời tối… Sao, con thấy chuyện này thế nào hả Nhân?

- Con… Con cũng không biết nữa! Nhưng… con tin ở mẹ con nội ạ! Con tin mẹ con sẽ không làm gì có lỗi với bố con và hai chị em con đâu!

- Ừ… Nếu cả bố con và con đều tin như thế và chấp nhận đứa nhỏ này, thì nội cũng không có ý kiến gì đâu!

*


 Nắng chiếu vàng hắt lên giậu mùng tơi trước ngõ làm những chiếc lá xanh lên óng ánh. Cụm xu xi nhỏ Lan trồng bên hiên nhà đã bắt đầu nở xoè, như những vầng mặt trời bé con xinh xinh vàng lên ấm áp, báo hiệu một mùa xuân nữa đang về đến…

Lan đã bước vào học lớp một, còn tôi là một cô học trò cuối cấp bận rộn với những kỳ thi. Mẹ tôi không quay lại giúp việc trên phố nữa, mở một gánh phở nhỏ ở chợ, còn cha tôi vẫn hì hụi ngày ngày với công việc đan lát…

Những ngày đầu, không khí có vẻ gượng gạo, chị em tôi chưa quen với việc đột ngột có thêm một đứa trẻ lạ trong nhà. Cha tôi thì không ngủ, ngồi thức trắng đêm Giao thừa hôm ấy… Sáng hôm sau thì ông chủ động khơi dậy không khí vui vẻ trong gia đình bằng việc tìm một cái tên cho đứa trẻ.

Chỉ biết là từ khi cu Bi chập chững biết đi và bi bô gọi tên từng người trong nhà thì nó đã thành trung tâm, thành niềm vui cho mọi người trong gia đình tôi mất rồi. Hai chị em tôi hễ đi học về là phải vào buồng bế Bi lên, thơm tới tấp vào hai má đỏ hồng phinh phính của nó, cù cho nó cười khanh khách một hồi mới thôi. Bố tôi thì dần bỏ hẳn thói quen hút thuốc, sợ làm ảnh hưởng đến Bi. Mỗi buổi chiều, ông hay ngồi bên hiên, nhìn ra sân giếng xem hai chị em tôi lanh chanh tắm cho cu Bi mà nở một nụ cười hiền hậu.

Căn nhà nhỏ ấm cúng, rộn rã tiếng cười trong những đêm mùa xuân mưa bụi về thắp mầm biếc trên cây nhãn già nua cuối vườn như thế…

Nhưng rồi sáng hôm ấy, tôi còn nhớ rất rõ, một buổi sáng đầu xuân ẩm ướt sau mấy ngày mưa lai rai không ngớt, chiếc ô-tô bốn chỗ ngồi màu sữa đã dừng lại trứơc ngõ nhà tôi. Một người khách lạ, quần áo bảnh bao, đầu tóc bóng lộn bước xuống… Tôi đang chơi ở bên nhà hàng xóm vội vã chạy về, bắt gặp ánh mắt thảng thốt của mẹ trước sự xuất hiện của người khách lạ. Rồi mẹ tôi  tất tả chạy vào trong buồng, ôm chặt lấy cu Bi làm nó khóc thét lên và đóng chặt cửa lại. Bố tôi ngồi trong nhà nhìn ra, thở dài buồn bã…

Tôi nép ngoài cửa nhìn vào, thấy người khách lạ lấy ra một xấp tiền dày cộp đặt lên bàn… Khuôn mặt bố tôi biến sắc, bỗng đỏ lên giận dữ… Ông cầm xấp tiền, ném thẳng vào ngực người khách lạ và chỉ tay ra ngõ:

- Mời ông ra khỏi nhà tôi ngay!

Gã kia lom khom nhặt những đồng tiền xổ ra trên nền nhà, nhét lại vào túi, nhếch mép cười và trâng tráo đi ra.

*

Không khí ảm đạm phủ lên căn nhà của tôi suốt những ngày sau đó, nhất là khi mẹ tôi một hôm ở chợ hốt hoảng chạy về báo tin cu Bi đã bị họ cướp mang đi.

- Mình phải làm sao đây? Em không muốn xa thằng bé! - mẹ tôi nghẹn ngào, mắt ngấn nước.

- Thì dễ chừng mình tưởng tôi cũng muốn xa thằng bé chắc? Nhưng chẳng có cách nào khác đâu mình ạ! Sớm muộn gì rồi người ta cũng sẽ chiếm được nó thôi. Dù gì đấy cũng là cha đẻ của nó. Vợ ông ta vừa sinh một bé gái và bác sĩ cho biết chị ta không còn khả năng sinh nở nữa. Vì vậy mà gia đình họ sẽ tìm đủ mọi cách để đưa được đứa bé về…

- Nhưng… ông ta không xứng!

- Ừ, thì đúng là thế thật. Nhưng ông trời có mắt, rồi ông ta sẽ có lúc phải trả giá cho những lỗi lầm mình đã gây ra thôi. Chúng ta không nhìn vào lỗi lầm để trách cứ, đổ lỗi cho nhau, vì chẳng giải quyết được vấn đề gì, mà hãy bao dung, tha thứ cho nhau nếu có thể, mình ạ! Cuộc sống này sẽ thanh thản, dễ sống hơn rất nhiều…

Nói rồi bố tôi đẩy xe ra vườn đến bên gốc cây đào, loay hoay cắt bỏ bớt cành và lá đi, để dành cho mùa sau.

Hai chị em tôi ngồi trong buồng, ôm nhau khóc rưng rức… Ngoài sân, một cơn gió ào qua, mang hương mùa xuân nồng nàn và ấm áp bay đi, để lại chỏng chơ trên nền gạch lạnh những cánh đào phai tan tác…


Truyện ngắn củaLƯƠNG ĐÌNH KHOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hương mùa xuân