Mới đây đại diện nhà sản xuất VFC khẳng định bộ phim truyền hình Hướng dương ngược nắng (phát sóng lúc 21h40 từ thứ hai đến thứ tư trên VTV3) chốt... kết thúc ở tập 70, dài hơn 10 tập so với kế hoạch ban đầu.
Hướng dương ngược nắng có dàn diễn viên diễn xuất tốt nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác dài lê thê
1. Hướng dương ngược nắng cuốn hút khán giả bởi mạch phim hấp dẫn, tính cách nhân vật thú vị, diễn xuất của dàn diễn viên tốt.
Nhưng về sau, nhất là những tập gần đây, diễn tiến phim đơn điệu khi chỉ khai thác chuyện tình giữa các cặp đôi đến nỗi nhiều khán giả bày tỏ sự đáng tiếc, như ý kiến của khán giả Lê Luyến: "Phim kết thúc sớm sẽ hấp dẫn hơn. Dài như thế gây nhàm chán".
Tuy nhiên, khán giả có chán thì với nhà sản xuất, việc tăng số tập vẫn đem lại nhiều cái lợi.
Trong tập 66 phát sóng ngày 12.5 trong đó có đến hơn 30 spot quảng cáo, với giá tiền mỗi spot quảng cáo phim Việt là 45 triệu đồng/spot 10 giây, 54 triệu/spot 15 giây, 67,5 triệu/spot 20 giây, 90 triệu/spot 30 giây, nhà đài thu về hơn tỉ đồng cho mỗi tập phim. Đó là chưa kể những quảng cáo được chèn vào nội dung.
2. Phim truyền hình Việt có số tập gần chạm ngưỡng 100 hoặc trên 100 không còn là chuyện mới. Trước đó, các phim làm lại từ Hàn Quốc như Vua bánh mì dài đến 81 tập, trong khi số tập gốc chỉ 45 tập (mỗi tập 45 phút). Gạo nếp gạo tẻ phần 1 dài đến 109 tập (so với bản gốc dài 50 tập và dự kiến ban đầu phim có 80 tập).
Hương vị tình thân (đang phát lúc 21h từ thứ hai đến thứ sáu trên VTV1) có số tập dài đến 120 (mỗi tập 30 phút). Còn phim truyền hình thuần Việt như Về nhà đi con cũng dài đến 85 tập (30 phút/tập).
Trong các phim dài tập, có phim thành công, gây tiếng vang như Về nhà đi con, nhưng phần lớn các phim đều có mẫu số chung là: các tập đầu lôi cuốn, càng về sau lan man, dài dòng...
3. Hướng dương ngược nắng thực hiện cách làm phim cuốn chiếu. Phim lên sóng tập đầu tiên ngày 14.12.2020 nhưng đến tháng 4.2021 đoàn phim mới đóng máy quay.
Phim phát sóng và ghi hình song song theo cách làm của nhiều nước có nền sản xuất phim hiện đại đang áp dụng. "Đây là cách làm đòi hỏi đội ngũ biên kịch phải chuyên nghiệp, giữ đường dây câu chuyện phải chặt chẽ và nhà sản xuất chủ động được khâu phát sóng.
Thường các hãng phim tư nhân khó có thể làm được điều này vì kế hoạch phát sóng của nhà đài đã được cố định sẵn", biên kịch Hạ Thu cho biết.
Nhưng cũng có trường hợp phim ban đầu viết chỉ 30 tập, trong thời gian quay lại dôi dư một chút. Đạo diễn, nhà sản xuất tiếc phim nên khi dựng dôi ra số tập. Nếu dư ra 2, 3 tập thì mạch phim còn có thể giữ chứ 5 tập trở lên phim sẽ bị lê thê, rời rạc. Rất nhiều tập phim Việt đã ra đời như thế.
Với khán giả yêu phim, được xem một phim hay luôn là sự mong mỏi hàng đầu dù có khi phim hết rồi vẫn còn tiếc ngẩn ngơ, hoặc có khi xem cả... ngàn tập vẫn không bị ngán. "Đối với tôi, ngắn hay dài không quan trọng lắm, quan trọng vẫn là nội dung.
Nếu dài mà nhịp phim nhanh, tình tiết và các đường dây nhân vật rõ ràng, đâu ra đó thì đáng xem. Còn phim tình tiết lê thê thì xem 30 tập cũng dài như 70 tập vậy!" - khán giả Ngọc An nêu ý kiến.
Theo Tuổi trẻ