Hướng đi nào cho kinh tế đồi rừng?

18/09/2011 07:40

Người dân có nhu cầu chuyển đổi 1.274 ha vải kém hiệu quả sang trồng cây lấy gỗ, cây na, nhãn, chè... cho hiệu quả kinh tế cao hơn.



Chí Linh có 358 ha nhãn nhưng chủ yếu trồng phân tán nên hiệu quả kinh tế chưa cao


Theo kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2007, thị xã Chí Linh có 9.232 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó 1.217 ha rừng đặc dụng, 4.050 ha rừng phòng hộ và 3.965 ha rừng sản xuất. Diện tích rừng đã được giao đất, khoán chăm sóc, bảo vệ, khai thác cho hàng nghìn hộ dân. Đối với rừng sản xuất, các hộ nhận khoán chủ yếu sản xuất, kinh doanh cây lấy gỗ, cây ăn quả, kết hợp kinh tế lâm nghiệp và nông nghiệp.

Thời điểm cây vải “lên ngôi”, thị xã Chí Linh từng có 6.000 ha vải nhưng năm nay đã giảm chỉ còn 4.350 ha. Giá bán vải thường xuyên ở mức thấp, người dân không đầu tư chăm sóc nên chất lượng, năng suất vải giảm sút. Nguồn thu nhập của người trồng vải giảm mạnh. Người dân đã tự phát chặt phá vải để chuyển sang trồng bạch đàn, keo, na, nhãn, xoài… để mong nâng cao hiệu quả kinh tế. Diện tích vải bị phá tập trung nhiều ở các quả đồi có điều kiện canh tác khó khăn, cây cằn cỗi, năng suất thấp. Hiện nay, nhiều xã đang lúng túng trong việc chuyển đổi diện tích vải kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho hiệu quả và tính bền vững cao hơn. Ngoài vải thiều, thị xã Chí Linh còn có na (361 ha), nhãn (358 ha), xoài (35 ha). Nhìn chung, các loại cây này cho hiệu quả kinh tế khá nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, việc đầu tư thâm canh còn ít.

Những năm gần đây, cơ quan chức năng đã chỉ đạo xây dựng một số mô hình trồng cây chè ở vườn đồi nhưng việc thực hiện còn không ít trở ngại. Ông Trần Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc An cho biết: "Thị xã Chí Linh vừa có kế hoạch trồng cây chè thay thế diện tích vải thiều kém hiệu quả. Tuy nhiên, rất ít người tham gia". Xã Hoàng Hoa Thám có 27,1 ha chè, chiếm 94% diện tích chè của thị xã Chí Linh, nhưng việc mở rộng diện tích chè cũng không dễ dàng. Người trồng chè chủ yếu bán sản phẩm tự do ngoài thị trường, chưa có “đầu ra” ổn định.

Đối với cây lấy gỗ, người dân nhận khoán đất rừng chủ yếu trồng cây bạch đàn, keo tai tượng, sưa. Đặc trưng của cây lấy gỗ là có chu kỳ khai thác tương đối dài. Một số doanh nghiệp đã đầu tư trồng rừng sản xuất nhưng còn nhiều vướng mắc. HTX Mộc xẻ và xây dựng dân dụng Nguyệt Hậu có kế hoạch trồng 1.200 ha rừng (chủ yếu là cây sưa) tại các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám. Hiện nay, dự án này bị gián đoạn do khó khăn về nguồn vốn. Nhiều diện tích sưa đã trồng kém phát triển hoặc bị chết, một số hộ dân đã phá đi để trồng cây khác.

Nhiều năm qua, nuôi gà đồi trở thành mô hình kinh tế hiệu quả ở xã Bắc An. Tuy nhiên, không ít giai đoạn, người nuôi gà phải chịu nhiều rủi ro do dịch bệnh, giá bán sản phẩm thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.

Đời sống của nhiều hộ dân còn khó khăn nên đầu tư cho phát triển kinh tế đồi rừng chưa đúng mức. Phát triển kinh tế đồi rừng ở Chí Linh còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ. Đó là hai nguyên nhân chính khiến phát triển kinh tế đồi rừng chưa tương xứng với tiềm năng.

Để kinh tế đồi rừng Chí Linh có hiệu quả cao hơn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần sớm có kế hoạch dài hạn, tổng thể để định hướng cho các địa phương thực hiện. Vừa qua, UBND thị xã Chí Linh đã khảo sát về nhu cầu chuyển đổi diện tích vải kém hiệu quả sang trồng cây khác. Theo đó, người dân có nhu cầu chuyển đổi 1.274 ha vải sang trồng cây lấy gỗ (543 ha), cây na (325 ha), nhãn (193 ha), chè (42 ha), cây khác (171 ha), tập trung ở Bắc An, Lê Lợi, Bến Tắm. Đa số xã, phường ở Chí Linh có nhu cầu chuyển đổi trồng cây khác thay thế cây vải kém hiệu quả. Căn cứ vào kết quả khảo sát này, UBND thị xã Chí Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục mở rộng điều tra hiện trạng kinh tế đồi rừng, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai, tránh tình trạng phát triển tự phát. Người dân cần tích cực đầu tư, thâm canh rừng sản xuất, trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng rãi, tận dụng khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ (hạt dẻ, dược liệu…), kết hợp phát triển kinh tế lâm nghiệp và nông nghiệp. Tiếp tục phát huy thế mạnh của các địa phương như: trồng cây công nghiệp, lấy gỗ (Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi), na (Hoàng Tân), nuôi gà đồi dưới tán rừng, trồng nhãn (Bắc An)… Đi đôi với phát triển sản xuất, cần tăng cường tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làm ra.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đi nào cho kinh tế đồi rừng?