Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra những biện pháp, kỹ năng tốt nhất giúp tổ chức công đoàn thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động, đặc biệt là về tiền lương.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Sáng 21.4, Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương phối hợp Công đoàn Hà Lan CNV Internationaal, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hướng dẫn đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể ở nhiều doanh nghiệp dệt may tại Hải Dương.
Đây là một trong những nội dung thuộc Dự án “Đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động trong ngành dệt may Việt Nam” đang được triển khai tại Hải Dương.
Dự chương trình có hơn 20 lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và cán bộ công đoàn cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng may mặc.
Các đơn vị đã hướng dẫn cán bộ công đoàn đại diện cho người lao động thương lượng với chủ doanh nghiệp về tiền lương, xây dựng định mức lao động; phương pháp xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương tại doanh nghiệp. Theo đó, tại công đoàn cơ sở cần thành lập các nhóm đại diện đối thoại của người lao động để thoả thuận, thương lượng tiền lương, lương trong các ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ ốm, làm thêm giờ… Qua đó có những cuộc đối thoại hiệu quả, phòng ngừa tranh chấp tiền lương, nguy cơ dẫn đến đình công tại doanh nghiệp.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đưa ra những biện pháp, kỹ năng tốt nhất giúp tổ chức công đoàn, nhóm đại diện cho người lao động thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động, đặc biệt là về tiền lương.
Hải Dương có hơn 60 doanh nghiệp dệt may. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp cơ bản bảo đảm hài hòa, chưa để xảy ra tranh chấp lớn về tiền lương.
PV