Hưng Yên - những điểm nhấn trong chặng đường mới

11/12/2016 07:50

Sau 20 năm tái lập tỉnh, đến nay Hưng Yên đã tiến bước vượt bậc với những điểm nhấn mới trên con đường hội nhập kinh tế...



Hưng Yên trang hoàng cờ hoa kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh

Với mức thu ngân sách năm 2016 đạt hơn 9.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 45 triệu đồng, sau 20 năm tái lập tỉnh, đến nay Hưng Yên đã tiến bước vượt bậc với những điểm nhấn mới trên con đường hội nhập kinh tế, tạo đòn bẩy vững chắc để vươn lên thành tỉnh công nghiệp trong tương lai không xa.

Tạo chuyển biến từ "nông" sang "công"

Trong bối cảnh xuất phát điểm thấp về kinh tế, ngay sau khi tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh Hưng Yên đã khai thác lợi thế, phá thế thuần nông vươn lên phát triển công nghiệp. Tỉnh đã quy hoạch các khu, cụm công nghiệp nằm trải đều ở các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động, Văn Giang... để thu hút dự án đầu tư. Đến nay, Hưng Yên có 11 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với quy mô hơn 3.600 ha và 35 cụm công nghiệp có diện tích hàng nghìn ha. Tỉnh cũng chủ trương mời gọi các nhà đầu tư theo cơ chế "trải thảm đỏ", thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Cùng với điều chỉnh, bổ sung cơ chế, ưu tiên các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tỉnh coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Để tạo thêm "địa lợi" cho các khu công nghiệp, Hưng Yên đã đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều tuyến đường trọng điểm với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, hình thành mạng lưới giao thông hợp lý, liên hoàn giữa các phương tiện vận tải, bảo đảm liên thông giữa mạng giao thông tỉnh với quốc gia. Đó là các tuyến đường huyết mạch như: đường liên tỉnh Hà Nội- Hưng Yên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Yên Lệnh, cầu Hưng Hà; nâng cấp và cải tạo các tuyến đường quốc lộ 39 cùng các đường tỉnh lộ 377 và 378 dọc đê sông Hồng; nâng cấp các đường trục ngang gồm: đường vành đai 3,5 Hà Nội, vành đai 4 Hà Nội qua địa bàn Hưng Yên và các tỉnh lộ 382, 384, 378, quốc lộ 38B dọc đê sông Luộc.

Ưu tiên phát triển công nghiệp, Hưng Yên vẫn duy trì và phát triển nông nghiệp theo hướng hình thành nền sản xuất hàng hóa. Đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với các đề án tạo đòn bẩy như: xây dựng và khuyến khích mô hình chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản rau quả, phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học theo hướng VietGap; khuyến khích tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nhãn sản xuất hàng hóa; phát triển đàn bò Brahman đỏ; đề án giống vật nuôi chất lượng cao; phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc theo hướng VietGap... Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm để tạo uy tín cho nông sản như tương Bần, gà Đông Tảo, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ, mật ong hoa nhãn...

Giai đoạn 1997 - 2016, Hưng Yên đã chuyển 13.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cho giá trị gấp 3 đến 5 lần trồng lúa. Nhiều vùng chuyên canh cao đã hình thành: vùng trồng lúa chất lượng cao ở Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động, Tiên Lữ; vùng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản ở Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên. Một số mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ mang lại nhiều lợi ích như mô hình sản xuất lúa gạo Nhật Bản ở Kim Động, Mỹ Hào; mô hình dưa chuột xuất khẩu ở Tiên Lữ, chăn nuôi bò sữa ở Khoái Châu…

20 năm tăng trưởng gấp trăm lần

Ngày đầu tái lập tỉnh năm 1997, kinh tế Hưng Yên ở mức xuất phát điểm thấp với tổng thu ngân sách chỉ đạt hơn 90 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người hơn 4 triệu đồng/năm. Đến nay sau 20 năm, các chỉ số đều tăng ở mức ấn tượng: mức thu ngân sách đạt 9.009 tỷ đồng, tăng gấp 100 lần; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 92.000 tỷ đồng, tăng gấp gần 90 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,5 triệu đồng/năm, tăng gấp 10 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh về công nghiệp, xây dựng với tỷ trọng cao chiếm gần 50%; các ngành dịch vụ chiếm 37%; tỷ trọng nông nghiệp giảm còn hơn 13%.

Sau 20 năm Hưng Yên đã vươn lên nằm trong nhóm 15 tỉnh dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 1997, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên mới đạt trên 350 tỷ đồng, đến năm 2016, đã đạt trên 92.000 tỷ đồng. Đến nay, Hưng Yên đã thu hút gần 1.500 dự án đầu tư, trong đó gần 1.100 dự án trong nước với số vốn khoảng 100 nghìn tỷ đồng và hơn 360 dự án nước ngoài, với số vốn trên 3,4 tỷ USD. Trong đó có gần 800 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 14 vạn lao động. Các khu công nghiệp Thăng Long 2, Phố Nối A đã lấp đầy dự án. Công nghiệp Hưng Yên đã hình thành những ngành chủ lực có công nghệ sản xuất, trình độ quản lý hiện đại, như điện tử, cơ khí, luyện thép, dệt may... tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh tốt trên thị trường trong và ngoài nước.

Được mùa về phát triển công nghiệp, Hưng Yên cũng bội thu trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 162 triệu đồng/năm. Năng suất lúa hàng năm đạt trên 12 tấn/ha, lúa chất lượng cao chiếm hơn 60% diện tích. Hàng nghìn héc-ta đất 2 lúa ở Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ đã trở thành những vùng chuyên canh cao, bốn mùa hoa thơm trái ngọt cho thu từ 300 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Vùng chuyên canh nhãn đặc sản với hơn 3.000 ha tập trung nhiều ở Khoái Châu, Tiên Lữ, TP Hưng Yên cho thu hoạch mỗi năm hơn 40.000 tấn trị giá hơn 600 tỷ đồng. Những đồng đất chiêm trũng như Ân Thi, Phù Cừ xưa chỉ độc canh lúa giờ đã biến thành "tấc vàng" cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có hơn 4.000 mô hình trang trại và VAC, trong đó có hơn 800 trang trại đạt tiêu chí, cho thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hoạt động thương mại dịch vụ tăng trưởng nhanh với mức 13%/năm, xuất khẩu bình quân trong 20 năm qua tăng gần 30% mỗi năm, riêng năm 2016 kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3 tỷ USD. Hệ thống giao thông với các tuyến đường trọng điểm và đường giao thông nông thôn hoàn thành. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 30%; TP Hưng Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 2; Mỹ Hào được công nhận đô thị loại 4 và đang đề nghị công nhận thị xã; có 15 xã, thị trấn đạt đô thị loại 5. Khu di tích Phố Hiến sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Trong không khí từng bừng chuẩn bị Lễ kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng cho biết, trong bước đi tiếp theo, Hưng Yên tiếp tục chọn những định hướng mang tính chiến lược, tạo đà cho chặng đường mới để tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của vùng trọng điểm kinh tế đồng bằng Bắc Bộ. Tỉnh coi trọng việc ổn định và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 7,5-8%; thu ngân sách đến năm 2020 đạt 13.000 tỷ đồng; tạo nhiều cơ hội để quê hương Phố Hiến tiếp tục tiến xa với những bước đi đột phá và vững chắc.

MAI NGOAN


(0) Bình luận
Hưng Yên - những điểm nhấn trong chặng đường mới