HTX chăn nuôi "teo tóp" vì dịch

06/12/2020 10:43

Dịch bệnh liên tiếp và kéo dài đã đẩy người chăn nuôi ở nhiều HTX rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Một số HTX chăn nuôi đứng trước nguy cơ giải thể.


Do tiêu thụ khó khăn nên gà giống bị tồn đọng tại cơ sở sản xuất của ông Đinh Văn Mười, Giám đốc HTX Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Thất Hùng  

Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, các hộ chăn nuôi chưa kịp khôi phục sản xuất thì đại dịch Covid-19 lại hoành hành.

Dịch bệnh liên tiếp và kéo dài đã đẩy người chăn nuôi ở nhiều HTX rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Một số HTX chăn nuôi vốn có liên kết lỏng lẻo đứng trước nguy cơ giải thể.

Chồng chất khó khăn

Từng là thành viên chăn nuôi có quy mô khá lớn của HTX Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Thất Hùng (Kinh Môn) nhưng ông Nguyễn Văn Hội cũng đang chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm. Năm 2019, trang trại gồm 8 con lợn nái và gần 100 con lợn thịt bị tiêu hủy hoàn toàn do dịch tả lợn châu Phi làm gia đình ông kiệt quệ về kinh tế. Hết dịch bệnh, ông quyết định cải tạo chuồng trại để chuyển sang nuôi gia cầm. Chưa nuôi hết 1 lứa gà thì đại dịch Covid-19 lại ập tới. Các đám xá, nhà hàng phải dừng tổ chức nên việc tiêu thụ bị ngưng trệ, ông buộc phải xé lẻ đàn gia cầm để bán ở các chợ dân sinh. Hiện nay, quy mô đàn gà của gia đình ông đã thu hẹp 2/3 so với trước nhưng tiêu thụ vẫn khó khăn. Cung vượt cầu khiến giá gia cầm giảm. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến ông Hội chán nản. "Dịch bệnh chồng chất khiến một số thành viên HTX bỏ chăn nuôi vì không đủ sức để duy trì. HTX hoạt động èo uột, không có mối liên kết và không hỗ trợ được cho các thành viên. Nếu tình trạng này kéo dài, HTX có nguy cơ giải thể", ông Hội chia sẻ.

HTX Chăn nuôi Thành Công ở xã Nam Tân (Nam Sách) cũng không tránh khỏi ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh liên tiếp. HTX có 34 thành viên, một nửa là các hộ nuôi lợn, còn lại nuôi gà đẻ và cá. 1 năm sau khi dịch tả lợn châu Phi qua đi, các hộ chăn nuôi lợn vẫn không dám tái đàn do lo sợ dịch tái phát. Nhiều hộ chuyển sang nuôi gà thịt và gà lấy trứng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến các hộ chăn nuôi thành viên không có đầu ra. Giá trứng, cá cũng liên tiếp giảm sâu làm các hộ thua lỗ chồng chất.

Anh Mạc Văn Huynh, Giám đốc HTX Chăn nuôi Thành Công cho biết: "HTX dù rất muốn nhưng cũng chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên các thành viên vẫn phải tự tìm cách tiêu thụ. Đã thành lập được 6 năm nhưng HTX cũng chưa có hoạt động mang tính liên kết giữa các thành viên".


Cần có chính sách hỗ trợ cho các HTX chăn nuôi lợn giữ được khoảng 50% tổng đàn để khôi phục sản xuất

Liên kết lỏng lẻo

Theo ông Đinh Văn Mười, Giám đốc HTX Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản Thất Hùng, HTX có 45 thành viên nhưng đều gặp khó khăn, nhiều thành viên đã bỏ hẳn chăn nuôi. Trước đây khi chưa có dịch bệnh, các thành viên liên kết để lấy được thức ăn chăn nuôi giá rẻ. Nhưng nay, do nhiều thành viên bỏ chăn nuôi nên dịch vụ này không còn. "Mối liên kết vốn đã lỏng lẻo nay càng có nguy cơ tan rã. Nhiều thành viên không còn mặn mà với phong trào HTX như trước. HTX cũng chưa có phương hướng để giúp các thành viên vực dậy phong trào của HTX", ông Mười nói.

Ngay trang trại của ông Mười cũng không thoát khỏi cảnh khó khăn. Từ chăn nuôi lợn ông chuyển sang sản xuất gia cầm giống với quy mô 9.000 con gà đẻ. Mỗi tháng ông bán ra khoảng 4 vạn con gà giống. Mục tiêu chính của gia đình ông là cung cấp giống gia cầm chất lượng cao cho thành viên HTX và người dân trong vùng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài nên số hộ chăn nuôi gà giảm mạnh. Hiện mỗi năm, cơ sở cung cấp chưa đầy 1 vạn con gà giống cho các hộ thành viên. Số còn lại ông cung cấp cho các hộ chăn nuôi khác nhưng cung vượt cầu nên tiêu thụ cũng khó khăn. Lượng gà giống không bán được ông buộc phải giữ lại để bán lẻ.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 14 HTX chuyên về chăn nuôi. So với các HTX dịch vụ nông nghiệp khác thì các HTX chăn nuôi đang phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ cả 2 đại dịch. Những HTX này đang đứng trước nguy cơ tan rã do khó phục hồi. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, mặc dù dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát nhưng trên thực tế diễn biến của dịch vẫn rất phức tạp. Nhiều HTX thiếu vốn trầm trọng để mua thức ăn, con giống trong khi nợ tín dụng chưa trả được nên khó vay thêm. 

Để tháo gỡ khó khăn, các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các HTX hưởng các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ như khoanh nợ, giãn nợ, miễn thuế, miễn tiền thuê đất, vay vốn mới… Đặc biệt, rà soát và hỗ trợ tái đàn ở những HTX hiện còn giữ được 50% đàn lợn so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Về lâu dài, các địa phương cần tập trung hỗ trợ các HTX khâu cung ứng thức ăn, con giống, giết mổ, bảo quản... Hỗ trợ những HTX phát triển chuỗi giá trị sản phẩm của trang trại, xây dựng các cơ sở chế biến, phối trộn thức ăn, cơ sở giết mổ, mở cửa hàng để giới thiệu và quảng bá sản phẩm của HTX. Các HTX chăn nuôi cần rà soát, đánh giá lại ưu, nhược điểm và định hướng, cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả và phát triển bền vững, đồng thời xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. 

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    HTX chăn nuôi "teo tóp" vì dịch