Nữ sinh vừa hết lớp 8 đã bắt đầu vào sự nghiệp cử tạ theo cách chẳng ai ngờ.
Hồng Thanh ăn mừng tấm huy chương vàng SEA Games 30
Ở tuổi 20, nhà vô địch SEA Games Phạm Thị Hồng Thanh chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa rất nhiều. Ngoài nghiệp thể thao đã rèn cô gái quê Hải Dương thì còn có một động lực khác khiến Thanh trưởng thành, đó là cô em gái kém may mắn.
Luôn trang điểm để tự tin
Tại SEA Games 30 diễn ra hồi cuối năm ngoái, tấm huy chương vàng (HCV) của vận động viên (VĐV) cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh (nội dung 64kg của nữ) là một trong những tấm HCV đáng nhớ nhất với Đoàn Thể thao Việt Nam. Bởi trước lượt đẩy cuối cùng, tổng cử của Thanh kém đối thủ Philippines Ando Ann tới 16kg (197kg so với 213kg). Khoảng cách quá lớn khiến các thành viên đoàn Philippines đã bắt đầu ăn mừng.
Nhưng cô gái Việt Nam không chấp nhận bỏ cuộc, cô quyết định nâng mức tạ từ 107kg lên thành 124kg. Nếu thành công, Thanh sẽ vượt qua đối thủ đúng 1kg để giành HCV. Đây là nước cờ mạo hiểm bởi trong môn cử tạ, hiếm VĐV nào dám đưa ra thay đổi ở biên độ rộng đến thế.
Càng khó hơn khi ngay lượt đẩy trước, nữ VĐV Việt Nam đã thất bại ở mức 120kg. Thành tích tốt nhất của Thanh trong quá khứ cũng chỉ là 123kg. Tuy nhiên, cô gái 20 tuổi, trong lần đầu dự SEA Games đã cho thấy bản lĩnh tuyệt vời. Cô thực hiện thành công mức tạ 124kg giữa sự ngỡ ngàng của đội Philippines, còn đội Việt Nam vỡ òa hạnh phúc.
Gặp Thanh trong cái nắng đầu hè oi ả, tôi ấn tượng với vẻ ngoài xinh xắn, gương mặt rạng ngời, đầy sức sống cùng gu ăn mặc hiện đại. Nhìn cô, hẳn không nhiều người nghĩ đây là VĐV cử tạ, môn thể thao vốn đòi hỏi mạnh mẽ, cơ bắp.
“Tôi có thói quen khi đã ra ngoài, bất kể làm việc gì đều phải mặc đẹp, trang điểm. Điều này giúp tôi cảm thấy tự tin hơn. Ngay cả lúc đi tập hay thi đấu, tôi cũng luôn để mình đẹp nhất có thể. Cũng có ý kiến nói rằng, phấn son không phù hợp với môi trường thể thao. Nhưng tôi nghĩ con gái ai cũng muốn đẹp trong mắt người khác. Kể từ sau SEA Games, tôi được biết tới nhiều hơn nên càng cần muốn chăm chút cho hình ảnh cá nhân hơn”, nhà vô địch SEA Games 30 tâm sự.
Con đường tới với cử tạ của nữ tuyển thủ quê Hải Dương khá đặc biệt. Kỳ nghỉ hè năm lớp 8, cô theo một người chú họ vốn đang công tác tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Nghệ An học bơi. Vào tới nơi, các thầy ở đây đã phát hiện ra tố chất thiên bẩm của Thanh, đặc biệt là các khối cơ rất phù hợp với môn cử tạ nên thuyết phục cô theo tập. “Tôi cũng không hiểu tại sao tay mình lại sở hữu cơ bắp như vậy. Hồi đi học, chơi vật tay tôi thắng các bạn nam suốt”, Thanh cười nói.
Nữ sinh vừa hết lớp 8 đã bắt đầu vào sự nghiệp cử tạ theo cách chẳng ai ngờ như vậy. Tập được 3 năm, mẹ Thanh đang lao động ở Hàn Quốc muốn đưa con sang du học. Cô có phần lưỡng lự nhưng rồi vẫn quyết định gác lại việc học để dồn tâm trí cho cử tạ. “Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận vì lựa chọn của mình”, cô cho hay.
6 năm gắn với với cử tạ, vấp váp có, thành công có nhưng đáng nhớ nhất theo cô là những ngày đầu làm quen với gánh tạ. “Khi mới tập, tôi bị ngợp, mọi thứ quá sức tưởng tượng. Ở nhà tôi chẳng phải động tay động chân làm việc gì nhưng nay phải nâng những khối tạ nặng hơn cả cơ thể mình. Tôi đau nhức khắp bả vai và tay còn chân thì đi cứ run lẩy bẩy. Mất khoảng 1 tháng tôi mới quen được nhịp độ tập luyện rồi tiến từng bước một để có được như ngày hôm nay”.
Muốn chăm sóc em gái cả đời
Hồng Thanh có gương mặt xinh xắn, rạng ngời
Câu chuyện đang hào hứng, Hồng Thanh bỗng trầm ngâm khi tôi hỏi về gia đình. Cô nói, gia đình cô có 4 thành viên nhưng hiện tại mỗi người ở một nơi. “Mẹ tôi lao động ở Hàn Quốc, tôi tập luyện trong Nghệ An, bố ở quê nhà Hải Dương làm công nhân còn em gái ở với bà ngoại. Mỗi năm, cả nhà chỉ có vài ngày đoàn viên vào dịp Tết mà có năm mẹ tôi cũng không về ăn Tết”, nữ VĐV sinh năm 1999 cho hay.
Thanh chia sẻ thêm, em gái cô đã 15 tuổi nhưng không có đầy đủ năng lực hành vi nên rất thiệt thòi: “Hồi em còn bé, trong một lần sốt cao bị biến chứng, ảnh hưởng tới thần kinh. Bởi vậy, em tôi không giống những đứa trẻ khác, chỉ làm được những việc hết sức đơn giản, còn lại đều phải có người giúp đỡ. Nhìn em như thế, tôi thương lắm nhưng chẳng biết làm sao…”.
“Tôi rất muốn chăm sóc em, ngặt nỗi trót mang nghiệp thể thao, quanh năm suốt tháng xa nhà nên đành chấp nhận. Mẹ tôi không ở nhà, bố thì bận công việc nên em gái phải nhờ bà ngoại chăm sóc. Mỗi dịp tôi về quê em vui lắm, quấn lấy tôi không rời, lúc chị đi thì em khóc, chị cũng không cầm được nước mắt. Thương em, tôi càng cần cố gắng nhiều hơn để sau này có thể trở thành chỗ dựa cho em”, nữ đô cử 20 tuổi nói.
Dù gia đình đã chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh tình của em Thanh không thuyên giảm. Cô nguyện dành cả phần đời còn lại để lo lắng cho em. “Cùng bố mẹ sinh ra nhưng tôi may mắn hơn nên tôi sẽ cố gắng bù đắp những mất mát cho em. Tương lai ra sao tôi vẫn đồng hành cùng em gái, kể cả khi đã lập gia đình”, VĐV quê Hải Dương bộc bạch.
Suy nghĩ như vậy nên khiến cô gái 20 tuổi trước mặt tôi trưởng thành hơn bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, cô lại không cho rằng mình mạnh mẽ: “Nhìn thì thế thôi chứ tôi cũng yếu đuối lắm, tôi cố gắng che đậy bằng sự chững chạc thôi. Tôi không muốn ai thấy mình yếu đuổi, nhất là người thân và đặc biệt là em gái”.
“Thanh sẽ sớm vươn tầm châu lục” Đánh giá Phạm Thị Hồng Thanh, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển cử tạ Việt Nam Lưu Văn Thắng cho hay, ông đặt nhiều kỳ vọng vào cô học trò trẻ. Theo ông, Thanh là VĐV có năng khiếu, có ý chí và sự lì lợm khi thi đấu. Tôi tin rằng, nếu giữ được sự thăng tiến như hiện tại, Thanh sẽ sớm vươn tầm ra đấu trường châu lục. |
Theo báo Giao thông