Tại kỳ thượng đỉnh Mỹ-Trung theo hình thức trực tuyến vừa qua, lãnh đạo hai nước đã không thảo luận về những thách thức kinh tế toàn cầu đang phải đối diện trong tiến trình phục hồi sau khi suy thoái sâu vì COVID-19.
Ngoài một số bước tiến đáng chú ý được hai bên đưa ra sau cuộc gặp, như thỏa thuận về đối thoại “ổn định song phương” trong vấn đề hạt nhân, hiện chưa rõ ông Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ quản trị cạnh tranh “có trách nhiệm” ra sao. Riêng về lĩnh vực thương mại, điều phối kết nối kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở hình thái cạnh tranh là chuyện không đơn giản.
Việc lãnh đạo hai nước không thảo luận về cách thức hợp tác nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu là một cơ hội bị bỏ lỡ. Có nhu cầu cấp thiết đối với giới lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc trong xử lý sức ép ngắn hạn. Nhưng bên cạnh đó cũng phải chú ý đúng mức tới những sai lệch về cấu trúc trong dài hạn.
Nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã rơi vào tình cảnh không mấy khả quan trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016 cũng như chiến thắng của ông Donald Trump – người mang tư tưởng bảo hộ dân túy, một năm sau đó đánh dấu sự khởi đầu cho xu thế hướng nội tại các nền kinh tế phát triển.
Thiệt hại về cấu trúc mà kinh tế thế giới phải gánh chịu từ Brexit cũng như đòn trừng phạt thuế được chính quyền ông Trump dựng lên đã bị làm mờ bởi những hệ quả tiêu cực tức thời mà đại dịch gây ra. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới lấy lại đà phục hồi, đó sẽ là những chủ để không thể bỏ qua.
Chính quyền Tổng thống Biden bề ngoài tỏ ra hòa hoãn hơn với châu Âu, thể hiện qua các quyết định như dỡ bỏ thuế trừng phạt đối với nhôm, thép nhập khẩu từ EU, nhưng lại cho áp đặt quota nhập khẩu với những mặt hạt này. Hơn thế, Mỹ dưới thời ông Joe Biden vẫn bám sát đường hướng người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt trước Trung Quốc trong quan hệ kinh tế, thương mại.
Mỹ vẫn duy trì trừng phạt thuế đối với một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đi cùng đó là hạn chế, siết chặt xuất khẩu mặt hàng bán dẫn với lý do an ninh quốc gia. Chính sách song hành này đưa tới hệ lụy bóp nghẹ nguồn cung hàng hóa tiêu dùng tại Mỹ. Đây là một phần nguyên nhân đưa đến tình trạng lạm phát tại Mỹ leo lên ngưỡng cao nhất kể từ thời Tổng thống George Bush.
Sức ép lạm phát tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới có thể chỉ là tạm thời, ngắn hạn. Đa phần các ngân hàng trung ương trên thế giới đều lựa chọn giải pháp không phản ứng thái quá thông qua tăng lãi suất mà hệ quả đi kèm là chặn đà phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này trở nên nặng nề hơn do những rào cản, hạn chế vô cớ về thương mại - thứ rào cản không tạo ra bất kỳ lợi ích kinh tế hay an ninh rõ nét nào cho chính nước áp đặt. Kể từ khi Đạo luật Lúa mỳ (Corn Laws) bị bãi bỏ vào năm 1846, các nhà kinh tế đều biết rằng giảm rào cản về thương mại quốc tế sẽ giúp giảm giá thành hàng hóa tiêu dùng, góp phần ổn định lạm phát. Nhưng nhiều chính trị gia, những người bị cột chặt vào những lợi ích riêng biệt nào đó, lại thường la lối phản đối, không chịu công nhận thực tế này.
Đề cập thoảng qua vấn đề kinh tế tại kỳ điện đàm thượng đỉnh lần này, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình nhận thức rõ được những tác động có thể xảy ra đối với chính sách kinh tế của Bắc Kinh đến từ việc Mỹ và các nền kinh tế phát triển siết gói kích thích kinh tế. Đó là việc đồng nhân dân tệ xuống giá, khiến các nhà đi vay tại Trung Quốc gặp khó trong xử lý các khoản nợ bằng đồng USD, đơn cử như trường hợp của tập đoàn bất động sản Evergrande.
Giá như giành thắng lợi trong kỳ bầu cử tổng thống hồi năm 2020, ông Trump giờ đây đã có thể lớn tiếng hả hê vì một cú “hạ cánh cứng” của kinh tế Trung Quốc. Nhưng ông Biden và đội ngũ cố vấn đủ thông thái để hiểu rằng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc sẽ ngay lập tức tác động tới kinh tế toàn cầu. Việc hai nhà lãnh đạo không thảo luận về một chiến lược đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình cảnh thiếu sức sống có thể không mấy ngạc nhiên nếu xét đến căng thẳng chính trị giữa hai bên. Nhưng rõ ràng đó là một cơ hội đã bị bỏ lỡ.
Theo Báo Tin tức