Hợp đồng bán vũ khí 735 triệu USD rò rỉ, Mỹ thiên vị Israel?

19/05/2021 06:20

Chính quyền Mỹ đối mặt nhiều câu hỏi sau khi hợp đồng bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Israel bị rò rỉ ngày 17-5. Không ít ý kiến chỉ trích Mỹ thiên vị Israel và không thực tâm giải quyết cuộc xung đột hiện nay.


Những đứa trẻ Palestine phải rời bỏ nhà cửa vì các đợt không kích và pháo kích của Israel đang đùa nghịch với nước tại một ngôi trường của Liên hợp quốc mà chúng đang tá túc tại TP Gaza ngày 18.5. Ảnh: Reuters

Bạo lực vẫn tiếp diễn ở Dải Gaza trong tuần thứ hai liên tiếp. Các quan chức Washington khẳng định những nỗ lực ngoại giao vẫn đang triển khai, nhưng Tổng thống Biden muốn chúng "diễn ra trong im lặng". Bản thân ông Biden cũng đã điện đàm với các lãnh đạo Israel và Palestine.

Mỹ thiên vị Israel?

Hợp đồng 735 triệu USD được chính quyền ông Biden chấp thuận và thông báo với Quốc hội ngày 5.5, tức 5 ngày trước khi giao tranh giữa Hamas và Israel bùng nổ.

Trong số các khí tài được bán, có nhiều bộ điều khiển JDAM do Boeing sản xuất. Loại thiết bị này cho phép biến những quả bom không có hệ thống dẫn đường thành bom dẫn đường chính xác.

Quân đội Israel khẳng định đã dùng vũ khí dẫn đường chính xác để hạn chế thương vong cho thường dân Palestine trong các cuộc không kích Dải Gaza. Thế nhưng, hơn 210 người Palestine đã chết vì tên lửa Israel tính đến trưa 18.5.

Theo Đài Al Jazeera, Mỹ dường như đang tự mâu thuẫn khi một mặt kêu gọi xuống thang căng thẳng ở Trung Đông, mặt khác lại trang bị vũ khí cho một trong hai bên đang tham chiến. Một khoản viện trợ quân sự thường niên trị giá 3,8 tỉ USD cho Israel cũng đang được thảo luận ở Mỹ, theo báo Washington Post.

"Nếu hợp đồng này được thông qua, có thể hiểu Mỹ đang bật đèn xanh cho xung đột leo thang. Điều đó sẽ phá hoại các nỗ lực đàm phán ngừng bắn" - dân biểu Ilhan Omar thuộc Đảng Dân chủ bày tỏ quan ngại.

Trước khi thông tin bán vũ khí cho Israel bị rò rỉ, Mỹ đã phủ quyết một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Trong cuộc họp báo cùng ngày 17.5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, tuyên bố Israel có quyền tự vệ trước Hamas.

Các quan chức cấp cao khác trong chính quyền Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, cũng nhiều lần nhắc đến điều này. Tuy nhiên, theo ông Milley, thương vong cho dân thường đã ở mức mà nếu tiếp tục giao chiến thì cả Israel lẫn Hamas đều tổn thất.

Thế khó của ông Biden

Thông tin chính quyền ông Biden bán vũ khí cho Israel đặt đương kim Tổng thống Mỹ trước các chỉ trích từ những nghị sĩ cùng Đảng Dân chủ.

Theo báo Washington Post, nhóm các nghị sĩ trẻ và cấp tiến đã thể hiện rõ sự thất vọng với tổng thống và yêu cầu ông lên tiếng về tình hình Trung Đông.

Nếu ông Biden muốn giải quyết xung đột bằng ngoại giao hậu trường, ông sẽ không chọn cách công bố thông tin hợp đồng vũ khí cho Israel. Nhưng vì sao ông Biden chọn im lặng và giải quyết bằng ngoại giao hậu trường?

Trao đổi với Đài CNBC, chuyên gia Jonathan Schanzer (Mỹ) cho rằng nhiều khả năng chỉ có một lý do: Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (JCPOA).

Israel đã luôn phản đối thỏa thuận này vì cho rằng nó không giải quyết được dứt điểm mối lo ngại của Tel Aviv về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Theo Israel, JCPOA chỉ đem lại các lợi ích kinh tế cho Tehran.

Chính vì thế, quan hệ Israel - Mỹ đã trở nên căng thẳng vào cuối nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama. Việc tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA đã làm nồng ấm lại mối quan hệ.

Tuy nhiên, một lần nữa, mối quan hệ đó lại đứng trước nguy cơ rạn nứt khi chính quyền Biden tuyên bố sẽ hồi sinh JCPOA và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran.

Trong lúc các cuộc đàm phán đang diễn ra, xung đột Israel - Hamas bùng nổ và vô hình trung đặt ra một lựa chọn khó khăn cho ông Biden: Israel hay thỏa thuận JCPOA. Nếu chọn lên tiếng công khai, Tổng thống Mỹ chỉ có thể đứng về phía Nhà nước Do Thái. Nhưng điều đó đồng nghĩa ông Biden tự xóa bỏ các nỗ lực đàm phán với Iran về việc hồi sinh JCPOA.

Có lẽ bởi vậy mà im lặng và ngoại giao song phương ở hậu trường được chính quyền Biden xem là cách tốt nhất để không làm phật lòng bên nào.

Phe Cộng hòa gây rối?

Có một điểm đáng chú ý trong các bản tin đầu tiên về hợp đồng vũ khí bán cho Israel. Mặc dù chính quyền ông Biden đã thông báo với Quốc hội về thỏa thuận hôm 5.5, nhưng mãi đến 17.5 thông tin mới được "các trợ lý nghị sĩ" tiết lộ cho truyền thông.

Điều này như thể "ai đó" muốn thông tin xuất hiện vào thời điểm giao tranh giữa Israel và Hamas căng thẳng. Nếu suy luận theo hướng đó, sẽ có một nhóm hưởng lợi, đó là những người phản đối ông Biden nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Hôm 13.5, một nhóm gồm 44 thượng nghị sĩ Cộng hòa do ông Marco Rubio dẫn đầu đã kêu gọi chính quyền ông Biden chấm dứt các cuộc đàm phán với Tehran và duy trì các lệnh trừng phạt có từ thời ông Trump.

Nhóm này lập luận Iran đang hỗ trợ Hamas chống lại đồng minh Israel, do đó nếu các lệnh trừng phạt nới lỏng, Tehran sẽ tăng viện trợ vũ khí cho Hamas đối đầu với Israel.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hợp đồng bán vũ khí 735 triệu USD rò rỉ, Mỹ thiên vị Israel?